Cầu bến Gạo, xã Văn Luông được làm mới, góp phần nối liền mạch máu giao thông,
tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện.
Xã Minh Đài là một trong những địa phương ở huyện Tân Sơn thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, mà nổi bật đó là làm đường giao thông nông thôn. Với chủ trương ưu tiên nguồn lực cho phát triển các công trình trọng điểm, Đảng ủy, chính quyền xã tập trung chủ yếu vào đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn. Trong 7 năm xây dựng nông thôn mới (2011-2018), các hộ dân ở Minh Đài đã hiến hàng chục ngàn mét vuông đất, hàng chục ngàn ngày công lao động và vật liệu thi công với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn. Đơn cử như tuyến đường nhựa nối 3 xã Mỹ Thuận - Minh Đài - Văn Luông, bà con trong xã đã hiến 20.000m2 làm đường. Nhiều hộ gia đình như ông Nguyễn Nhật Thành, bà Hà Thị Châu đã hiến gần 3.000m2 đất lúa, chè, cây ăn trái từ đời ông, cha để lại để làm đường. Nhờ đó, đường tới trường, lên đồi, ra đồng ngắn hơn và đẹp hơn…
Không chỉ có Minh Đài mà cả Xuân Đài, Văn Luông, Tân Sơn... với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, của người dân và sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, như: Chương trình, dự án 134, 135, 30a... bình quân mỗi năm Tân Sơn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng vào giao thông nông thôn, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện được phân bố tương đối hợp lý. Các tuyến đường cơ bản nối từ trung tâm xã đến huyện, các công trình cầu đường ở các xã, thôn vùng sâu, vùng xa được đầu tư... đã góp phần kết nối về giao thông trên địa bàn, kinh tế - xã hội từ đó cũng từng bước phát triển, đời sống đồng bào các dân tộc dần được nâng lên.
Ngoài chủ trương, đường lối và sự chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của các cấp lãnh đạo, sự ủng hộ và chung sức của đông đảo quần chúng nhân dân, đã có nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, đường ra đồng, lên đồi được sửa chữa, làm mới; góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi Tân Sơn; nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, với đặc thù huyện miền núi, địa bàn rộng, địa hình bị chia cắt bởi núi cao, suối sâu, lũ ống, lũ quét thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng tới hệ thống các công trình giao thông dẫn đến xuống cấp nhanh khi đưa vào sử dụng; kinh tế của huyện còn nhiều khó khăn, việc huy động nguồn lực trong dân còn hạn chế. Vì vậy, thời gian tiếp theo, huyện Tân Sơn xác định: Tập trung chỉ đạo, điều hành từ huyện đến cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả và theo tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn đã được phê duyệt; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, tạo ra phong trào hiến đất làm đường sôi nổi; chú trọng quản lý khai thác, duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư; coi phát triển giao thông nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội để từ đó từng bước đưa số xã đạt và hoàn thiện tiêu chí số 2 - Tiêu chí về giao thông theo chuẩn NTM ngày một tăng.