Ông Đỗ Xuân Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phú cho biết, xã có 11 thôn, người dân tộc thiểu số chiếm 50% dân số; đa phần người dân làm nông nghiệp, kinh tế chậm phát triển. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc đường xá chưa thuận lợi, chưa được bê tông khiến cho việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng bị hạn chế làm giảm năng suất lao động. Sớm nhận thấy điều đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích từ những công trình hạ tầng nông thôn mang lại để người dân tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước bê tông hóa đường giao thông nội đồng, đường vào vùng sản xuất hàng hóa. Năm 2019, xã có 5 thôn là Thịnh Kim, Làng Đu, Đồng Văn, Khe Thuyền 1, Khe Thuyền 3 đăng ký làm 1.400 m đường nội đồng, đường vào vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ngay sau khi thu hoạch xong vụ mùa, người dân các thôn đã đồng loạt huy động nhân công, máy móc bê tông đường nội đồng, đường vào vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Người dân thôn Thịnh Kim, xã Văn Phú (Sơn Dương) bê tông đường nội đồng
Đứng trên con đường bê tông thẳng tắp trải dài đến giữa cánh đồng, ông Phạm Văn Hải, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thịnh Kim vui mừng nói: “Từ nay trở đi người dân trong thôn sẽ không phải gánh lúa đi xa hàng trăm mét như trước nữa, có đường bê tông rồi, máy gặt, máy nông nghiệp đến tận ruộng”. Theo ông Hải, trước đây con đường này là đường đất chỉ rộng gần 2m. Để bê tông hóa tuyến đường này theo đúng tiêu chuẩn rộng 3m, thôn tổ chức họp, vận động nhân dân đóng góp, hiến thêm đất để làm đường. Người dân đồng tình đóng góp mỗi hộ 1 triệu đồng, các hộ có ruộng nằm trên tuyến đường đi qua đều đồng ý hiến đất. Chỉ trong 1 tháng, toàn bộ 400 m đường nội đồng của thôn đã hoàn thành.
Thôn Khe Thuyền 3 có 117 hộ với 100% hộ dân tộc Cao Lan. Thực hiện chương trình bê tông hóa đường giao thông nội đồng, đường vào vùng sản xuất hàng hóa, thôn đăng ký làm 200m đường bê tông vào vùng đồi trồng cây lâm nghiệp, nhận được sự nhất trí cao từ người dân. Anh Hoàng Văn Trung, một người dân trong thôn cho biết, con đường bê tông là mong ước bấy lâu nay của người dân trong thôn, trước đây cũng vì đường xá không thuận lợi mà gỗ rừng trồng sau khai thác bị thương lái ép giá. Năm nay thôn có chủ trương làm đường bê tông vào vùng rừng trồng, gia đình anh và các hộ trong thôn đồng tình, ủng hộ ngay. Con đường rộng 3 m dẫn vào gần đến chân đồi, thuận tiện cho việc khai thác và chăm sóc rừng trồng.
Những tuyến đường nội đồng, đường vào vùng sản xuất hàng hóa tập trung được bê tông hóa sẽ tạo đà cho người dân phát triển kinh tế. Trên địa bàn xã Văn Phú có nhiều mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp như trồng rừng, trồng cây ăn quả, trồng cà gai leo, chăn nuôi gia súc gia cầm... Đường xá thuận lợi, các sản phẩm nông sản sẽ được bán thuận lợi hơn, giá trị cao hơn. Theo UBND xã, đến hết tháng 10-2019, thu nhập bình quân của xã đạt 22 triệu đồng/người/năm, cao hơn 2 triệu đồng so với năm 2018