Công bố kết luận thanh tra về công tác quản lý năng lực khai thác và điều phối giờ hạ, cất cánh tại cảng hàng không, sân bay

Thứ năm, 05/12/2019 20:29

“Slot là tài nguyên của quốc gia có giới hạn, do đó, khi Nhà nước giao cho các hãng hàng không, các hãng cần nhận thức rất rõ điều này và phải có trách nhiệm, đưa ra các biện pháp, giải pháp tuân thủ đầy đủ nhất có thể tránh làm lãng phí; đồng thời, phải coi đây là tài sản quý giá, quyết định sự sống còn của một hãng hàng không”.

Ông Trần Văn Trường, Phó Chánh Thanh tra Bộ chủ trì cuộc họp

Buổi công bố kết luận thanh tra do ông Trần Văn Trường, Phó Chánh Thanh tra Bộ chủ trì. Tới dự buổi công bố có đầy đủ các thành phần tham gia, gồm Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, Trưởng Phòng Vận tải, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo, Vasco.

Trước khi công bố kết luận, ông Trần Văn Trường cho biết, công tác quản lý slot là vấn đề được Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ rất quan tâm. Để có kết quả thanh tra này, Đoàn thanh tra đã làm việc trực tiếp tại các đơn vị; tiến hành kiểm tra, xác minh tại cảng hàng không sân bay, thậm chí là kiểm tra trực tiếp tại hệ thống dữ liệu, trên đài điều hành…; Đoàn Thanh tra đã tổ chức nghiên cứu hàng nghìn trang tài liệu liên quan, các báo cáo của đơn vị, cá nhân; tham khảo ý kiến của các chuyên gia liên quan đến công tác điều phối slot. Ngoài ra, Đoàn Thanh tra đã dành nhiều thời gian để lắng nghe các ý kiến của đơn vị đến làm việc; làm việc trực tiếp với các cán bộ điều phối slot của Cục HKVN; đã thảo luận kỹ với Lãnh đạo Cục HKVN.

Thông tin đầu tiên của bản kết luận thanh tra số 11130/KL-BGTVT ngày 22 tháng 11 năm 2019 cho biết, công tác điều phối Slot chịu tác động và ảnh hưởng lớn từ sự phát triển của thị trường hàng không, năng lực cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không sân bay (HKSB) cũng như dịch vụ quản lý hoạt động bay. Theo thống kê, thị trường vận tải hàng không ở Việt Nam phát triển khá nhanh với mức tăng trưởng trong 5 năm gần đây luôn ở mức cao. Mặc dù trong thời gian vừa qua một số cảng HKSB đã được mở rộng, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam phát triển nhanh (từ 109 chiếc năm 2014 lên 207 chiếc tính đến 30/9/2019), song vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu tăng trưởng của vận chuyển bằng đường hàng không, đặc biệt là các trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch. Tại một số nhà ga có lượng hành khách thông qua vượt công suất thiết kế hoặc khả năng phục vụ; tình trạng quá tải, ùn tắc tại cảng HKSB trong một số giờ cao điểm và chậm chuyến, hủy chuyến vẫn còn thường xuyên.

Về công tác quản lý năng lực khai thác cảng HKSB điều phối, Cục HKVN là cơ quan công bố năng lực khai thác cảng HKSB; tổ chức khảo sát, công bố giới hạn khai thác của cảng HKSB đối với chuyến bay thường lệ trên cơ sở các yếu tố: Điều kiện khai thác của cảng HKSB; hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết bị của cảng HKSB; khả năng cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng HKSB; năng lực thông qua vùng trời sân bay.

Trong đó kết luận nhấn mạnh, cách thức điều phối tại các cảng HKSB còn khác nhau, kể cả trong cùng cấp độ điều phối; còn 07 cảng HKSB chưa được phân loại cấp độ điều phối; phương thức điều phối tại các các HKSB điều phối cùng cấp độ còn khác nhau, chưa thống nhất; việc công bố thông tin về giới hạn khai thác cảng hàng không chưa được thực hiện đầy đủ. Còn nhiều cảng hàng không địa phương có thời gian khai thác bị hạn chế, trong đó có Cảng hàng không Côn đảo; còn chậm triển khai đầu tư hệ thống A-CDM ; chưa có phần mềm điều phối Slot hiện đại, có đủ tính năng nên chưa hỗ trợ để khai thác có hiệu quả nguồn lực của các cảng HKSB, đặc biệt là các Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh.

Về vấn đề này, đại diện ACV, ông Tài phát biểu, kết luận thanh tra đã ghi nhận đầy đủ những cố gắng, những việc làm được của ACV, đồng thời cũng chỉ ra rất đúng những tồn tại, hạn chế. Ông Tài cho biết, ACV sẽ nghiên cứu, thực hiện đầy đủ các yêu cầu tại kết luận thanh tra, đặc biệt là sẽ đẩy nhanh thực hiện đầu tư hệ thống A-CDM; phần mềm điều phối Slot bảo đảm hiện đại, đồng bộ.

Về công tác điều phối Slot tại cảng HKSB. Kết luận thanh tra ghi nhận, Cục HKVN đã ban hành Quy chế điều phối Slot tại các cảng hàng không Việt Nam kèm theo Quyết định số 1495/QĐ-CHK ngày 17/8/2016; điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 348/QĐ-CHK ngày 02/3/2017. Nội dung Quy chế điều phối Slot đã tuân thủ được một số nguyên tắc của tài liệu hướng dẫn của IATA (Hiệp hội vận tải Hàng không Quốc tế) và yêu cầu thực tế của hoạt động hàng không Việt Nam tại thời điểm ban hành. Tuy nhiên, nội dung Quy chế điều phối còn nhiều điểm bất cập liên quan đến nguyên tắc, phương thức quản lý, cơ chế hoạt động, mẫu biểu báo cáo… trong công tác điều phối Slot tại cảng HKSB, ví dụ như: chưa đưa ra giải thích từ ngữ về sử dụng Slot, không sử dụng Slot...để làm cơ sở quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Slot; chưa có quy định cụ thể khi điều phối Slot đối với các chuyến bay, hoạt động hàng không chung; chưa có quy định cụ thể các tham số để khuyến khích các hãng hàng không tham gia khai thác các đường bay mới, khó khăn; đầu tư tàu bay thân rộng; tham gia thực hiện các nhiệm vụ do nhà nước giao (như bay chuyên cơ, giám sát an toàn…); còn có một số khác biệt so với hướng dẫn điều phối giờ hạ cất cánh toàn cầu (Worldwide Slot Guidelines), Tài liệu thông tin lịch bay tiêu chuẩn (Standard Schedules Information Manual) của IATA…;

Các hãng hàng không cho biết, ngay từ khi có quyết định thanh tra và qua làm việc với Đoàn thanh tra, hãng hàng không đã thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm bảo đảm việc tuân thủ đúng quy định để giữ slot được cấp; các hãng hàng không cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh có nhiều hãng hàng không ra đời, việc tuân thủ để giữ các slot được cấp là việc làm sống còn của hãng.

Ông Trần Văn Trường, Phó Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra nhấn mạnh: “Slot là tài nguyên của quốc gia có giới hạn, do đó, khi Nhà nước giao cho các hãng hàng không, các hãng cần nhận thức rất rõ điều này và phải có trách nhiệm, đưa ra các biện pháp, giải pháp tuân thủ đầy đủ nhất có thể tránh làm lãng phí; đồng thời, phải coi đây là tài sản quý giá, quyết định sự sống còn của một hãng hàng không”. Ông tiếp tục chỉ đạo, Cục HKVN, các cơ quan, đơn vị liên quan cần nghiên cứu, thực hiện đầy đủ các yêu cầu, kết luận thanh tra, đặc biệt là Cục HKVN cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tăng cường quản lý năng lực khai thác cảng HKSB và quản lý slot trong thời gian tới.

Trong việc hoàn thiện thể chế, kết luận yêu cầu: trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, căn cứ  quy định hiện hành, Tài liệu hướng dẫn điều phối giờ hạ cất cánh toàn cầu (Worldwide Slot Guidelines), Tài liệu thông tin lịch bay tiêu chuẩn (Standard Schedules Information Manual) của IATA và yêu cầu thực tiễn công tác điều phối Slot trong giai đoạn hiện nay, Cục HKVN thực hiện ngay: Xây dựng, ban hành Quy chế điều phối Slot (thay thế Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 1495/QĐ-CHK, Quyết định số 348/QĐ-CHK), trong đó cần khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay để làm cơ sở thực hiện điều phối Slot từ Mùa lịch bay Hè 2020. Xây dựng, ban hành quy định sân bay căn cứ; thời gian tối đa quay đầu tàu bay tại cảng HKSB...;

Cục HKVN phải kiện toàn tổ chức, tăng cường nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý năng lực khai thác cảng HKSB và điều phối Slot; xây dựng kế hoạch, tăng cường đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ ở trong và ngoài nước về điều phối Slot cho người làm công tác điều phối Slot. Chủ trì, chịu trách nhiệm tham mưu và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để khẩn trương triển khai hệ thống A-CDM theo chỉ đạo của Bộ GTVTchủ trì, chịu trách nhiệm phối hợp với ACV, VATM và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu đầu tư để sớm có phần mềm Slot hiện đại phục vụ công tác điều phối Slot theo quy định. Trường hợp ACV đầu tư nhằm góp phần tối ưu hóa năng lực khai thác cảng HKSB do ACV quản lý, khai thác thì phải có quy định và cam kết cụ thể về giải pháp kết nối với Nhà chức trách hàng không để phục vụ công tác quản lý, điều phối, giám sát Slot theo quy định.   

Về Quản lý năng lực khai thác cảng HKSB: Cục HKVN chủ trì, phối hợp ACV, VATM tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại cấp độ điều phối và công bố năng lực khai thác đối với tất cả các cảng HKSB Việt Nam; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác các cảng HKSB khác, nhằm giảm tải cho các cảng HKSB đang quá tải như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh...;

Về công tác điều phối Slot: Cục HKVN tổ chức rà soát Slot hiện nay tại các cảng hàng không điều phối; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng Slot đã cấp cho các hãng hàng không; xử lý nghiêm, thu hồi Slot theo quy định đối với các trường hợp cố tình không thực hiện, thực hiện không đúng Slot được cấp, đặc biệt là tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh; tổ chức cấp Slot đúng đối tượng là hãng hàng không được cấp phép vận chuyển hàng không theo quy định. Có biện pháp quản lý chặt chẽ, hạn chế sự thay đổi giữa lịch bay cấp phép và lịch bay khai thác. Kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ chỉ số đúng giờ (OTP); đánh giá thực chất tình trạng chậm hủy chuyến đối với các hãng hàng không để có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Về vấn đề thu hồi slot, ông Trường nhấn mạnh, trong thời gian qua tình trạng kiểm soát tình hình thực hiện slot còn chưa chặt chẽ, trong thơi gian tới yêu cầu Cục HKVN phải thực hiện tốt yêu cầu này của Bộ GTVT, cương quyết xử lý nghiêm theo quy định.

Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, kết luận yêu cầu: triển khai thực hiên nguyên tắc điều hành: Đúng giờ được phục vụ trước. Về vấn đề này, Đại diện VATM khẳng định đây là yêu cầu rất trúng và đúng, sẽ góp phần thúc đẩy các hãng hàng không tuân thủ tốt hơn slot được cấp, góp phần hạn chế được tình trạng chậm giờ như hiện nay.

Đối với các hãng hàng không Việt Nam, kết luận yêu cầu: Các hãng hàng không phải tăng cường công tác quản lý, quản trị; nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật, giải pháp công nghệ tiên tiến trong việc lập kế hoạch chuyến bay, điều hành thực hiện chuyến bay bảo đảm thời gian để nâng cao hiệu quả sử dụng Slot được cấp, đặc biệt tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Tự rà soát; kịp thời trả lại Slot được cấp trong trường hợp không có nhu cầu sử dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ Slot hiện nay. Tăng cường các giải pháp nhằm tăng chỉ số đúng giờ (OTP), hạn chế tối đa việc chậm, hủy chuyến. Đây là một trong những chỉ số để xem xét trong việc cấp, thu hồi Slot. Bố trí nhân sự đầy đủ, đúng thành phần để tham gia, phối hợp trong công tác điều phối Slot theo quy định. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đầu tư trang thiết bị, hệ thống phần mềm để lập nhu cầu Slot, kế hoạch lịch bay và tự giám sát việc sử dụng Slot được cấp. Thực hiện báo cáo đầy đủ thông tin các chuyến bay không thực hiện theo phép bay được cấp theo quy định để phục vụ công tác quản lý.

Liên quan đến tình trạng khan hiếm slot, ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc của Vietjet cho rằng, thực hiện kết luận thanh tra, Cục HKVN, ACV và các Cảng HKVN cần ra soát, sắp xếp để nâng cao hơn nữa năng lực phục vụ để có thêm slot cấp cho các hãng, đặc biệt là tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Cuối cùng, theo yêu cầu, Cục trưởng Cục HKVN, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, báo cáo kết quả về Bộ GTVT trước ngày 31/12/2019.

Thu Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:74429
Lượt truy cập: 176.655.002