Gần đây, người dân trên địa bàn xã Bình Tú (Thăng Bình) đã đóng góp tiền của, công sức và hiến đất đai, vật kiến trúc để mở rộng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn.
Phong trào mở rộng đường giao thông được người dân xã Bình Tú đồng tình ủng hộ
Tuyến đường tại tổ 12 (thôn Tú Ngọc B, xã Bình Tú) vừa được mở rộng từ 2m lên 3,5m. Hai bên đường đã được san lấp đất thêm nên người dân đi lại rất thuận tiện. Để mở rộng tuyến đường trong tổ 12, thôn Tú Ngọc B đã họp dân bàn bạc, nên người dân trong tổ đã đồng tình ủng hộ đóng góp ngày công, hiến đất.
Ông Phan Văn Toàn - Tổ trưởng tổ 12, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Tú Ngọc B cho hay, tổ 12 của thôn có đến 2,1km đường giao thông nông thôn được phê duyệt mở rộng. Khi triển khai, hầu hết người dân đều đồng tình. Tổ 12 có đến 130 hộ dân, trừ các hộ già yếu, hộ nghèo không góp tiền, ngày công, còn lại 90 hộ khác đều góp mỗi hộ thấp nhất 3 triệu đồng, cao nhất 20 triệu đồng để làm đường. Tổng số tiền các hộ dân tổ đóng góp được 256 triệu đồng. Hiện tại, những tuyến đường đã mở rộng thông thoáng trong tổ, người dân cũng đã tự nguyện thắp sáng đường quê, tạo nên diện mạo nông thôn mới khang trang.
Theo phê duyệt của UBND huyện Thăng Bình, Bình Tú có đến 22,4km đường giao thông nông thôn phải mở rộng. Tính đến cuối năm 2019, Bình Tú đã hoàn thiện được khoảng 60% kế hoạch được giao.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tú, theo quy định của cấp trên, giao thông nông thôn được thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm (Nhà nước hỗ trợ 55%, còn lại 45% người dân đóng góp). Đối với xã Bình Tú, hầu hết đường giao thông được xây dựng lúc trước rất hẹp, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước khi mở rộng đường, địa phương đã phân công thành nhiều đoàn tiến hành khảo sát từng tuyến đường, ở đâu người dân đồng thuận mở rộng, tự nguyện san lấp mặt bằng thì địa phương cho đổ vật liệu ngay để tiến hành thi công.
Ông Tỉnh cho biết thêm, để mở rộng đường phải vận động nhân dân hiến đất, hiến cây, tháo gỡ vật kiến trúc. Ngoài việc hiến đất đai, nhiều hộ dân đã tự nguyện đóng kinh phí mỗi hộ từ 2 - 5 triệu đồng, thậm chí có hộ cả hàng chục triệu đồng để làm đường. Hiện người dân có ý thức cao trong việc mở rộng đường giao thông, ngoài việc góp tiền, người dân còn góp công xây dựng.
“Hệ thống giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện đã tạo điện kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí, thay đổi diện mạo giao thông và nâng cao chất lượng đời sống người dân” - ông Tỉnh nói.