Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)
Văn bản nêu rõ: Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra đang lây nhiễm rất nhanh, nghiêm trọng và đã ở mức rất cao tại Trung Quốc. Tổ chức y tế thế giới đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Việt Nam có nguy cơ rất cao bùng phát dịch lớn do có đường biên giới dài với Trung Quốc, lưu lượng người qua lại, giao thương lớn, khách du lịch, lao động Việt Nam làm việc tại Trung Quốc và lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam đông. Tính đến 11h00 ngày 4/2/2020, số người thiệt mạng do dịch phổi cấp đã tăng lên 427 và số ca nhiễm bệnh là 20.628; Việt Nam hiện đã có 09 người bệnh dương tính với nCoV. Bộ Y tế đã thành lập 25 đội phản ứng nhanh, Bộ Quốc phòng thành lập 20 đội; thành lập, kết nối 21 bệnh viện với Bộ Y tế để thống nhất chỉ đạo, phối hợp trong chuyên môn, kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch.
Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra và Công điện số 156/CT-TTg ngày 02/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, Cục Y tế GTVT yêu cầu các đơn vị thực hiện như sau:
Tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh tại đơn vị; phân luồng và bố trí buồng khám riêng đối với người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt,...); đặc biệt lưu ý khi có yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày.
Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, khu vực cách ly…, để sẵn sàng tiếp đón, cách ly và vận chuyển người bệnh nghi nhiễm viêm đường hô hấp do vi rút Corona theo đúng phân tuyến điều trị của Bộ Y tế. Trường hợp vượt quá khả năng của đơn vị thì đề nghị Sở Y tế địa phương phối hợp vận chuyển người bệnh.
Cục Y tế GTVT cũng yêu cầu các Trung tâm Y tế chuyên ngành, khu vực GTVT cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế cơ sở, bến tầu, nhà ga và trên các phương tiện giao thông công cộng… thuộc phạm vi phụ trách; Khi có dịch xảy ra phải báo cáo ngay về Cục Y tế GTVT và Y tế địa phương để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng dẫn tại Công văn số 96/KCB-ĐD&KSNK ngày 24/1/2020 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh về việc phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm phổi cấp do virus Corona trong bệnh viện. Tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại đơn vị chú trọng khu vực tiếp đón, khoa khám bệnh, khoa truyên nhiễm, khoa nội tổng hợp.
Chủ động kinh phí cho công tác phòng chống dịch: chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, dịch truyền, phương tiện phòng hộ cá nhân, vật tư, hóa chất phòng chống dịch từ nguồn kinh phí tự có của đơn vị. Huy động nguồn lực của đơn vị để kịp thời ứng phó khi dịch bệnh bùng phát lan rộng. Tổng hợp báo cáo Cục Y tế GTVT để Cục tổng hợp báo cáo Bộ GTVT và các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Tăng cường công tác truyền thông cho người bệnh, người nhà người bệnh về các biện pháp phòng hộ cá nhân (sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đến chỗ đông người, ăn thực phẩm chín...); và cho cán bộ y tế về quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng hộ cá nhân.
Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo tình hình dịch bệnh theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
Khi có dịch bệnh hay nghi ngờ có dịch bệnh xảy ra trong khu vực phải báo cáo trực tiếp về Cục Y tế GTVT và Y tế địa phương theo đường dây nóng để có sự hỗ trợ và chỉ đạo kịp thời.
Cục Y tế GTVT yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Cục Y tế GTVT (Phòng Y tế dự phòng; điện thoại: 024.37340662, Ths Nguyễn Thị Minh Thu, số điện thoại: 0912033757) để xem xét, giải quyết./.