Khử trùng phòng virus Covid-19 tại toa ghế ngồi trước khi tàu rời ga Hà Nội
Các đoàn tàu khách xuất phát tại ga Hà Nội được phun thuốc khử trùng; Các đoàn tàu khách về đến ga Sài Gòn cũng được phun thuốc nhằm tránh lây lan dịch. Các nhà ga, phòng đợi tàu cũng vậy. Tại ga Sài Gòn, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM còn cử nhân viên y tế đến đo, kiểm tra thân nhiệt hành khách khi tàu về ga. Nếu phát hiện có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ thực hiện các biện pháp xử lý cần thiết, kể cả cách ly.
Chưa yên tâm, các đơn vị đường sắt còn cho nhân viên vệ sinh, lau chùi bằng dung dịch khử khuẩn tại các vị trí trên tàu, dưới ga là bề mặt dễ lây lan virus Covid-19 do có nhiều người cầm, chạm, sử dụng như bàn, ghế trên tàu, tay nắm cửa lên xuống toa xe, tay nắm cửa buồng vệ sinh, bề mặt máy kiểm soát vé tự động, kios mua vé, kiểm tra vé online...
Lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải đường sắt cho biết, đường sắt là ngành vận tải công cộng, vận lượng lớn nên nguy cơ lây lan dịch càng cao. Vì vậy, ngành càng phải thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng dịch, giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn đường sắt.
“Điều này không chỉ là thể hiện trách nhiệm của ngành Đường sắt với cộng đồng mà còn vì chính đường sắt”, vị này nói và lý giải, do ảnh hưởng của dịch, học sinh, sinh viên nghỉ học, chưa đến trường; người dân không đi du lịch nên tàu rất vắng khách. Ngành Đường sắt đã phải bãi bỏ hàng chục mác tàu, kết thúc sớm chiến dịch vận tải Tết và tạm dừng một số đôi tàu địa phương, khu đoạn. Tuy nhiên, trên các tuyến vẫn buộc phải duy trì các mác tàu thường xuyên vì vẫn có khách đi dù vắng. Điều này có nghĩa là vận tải đường sắt tiếp tục phải chịu thiệt hại.
“Vì thế, nếu không thực hiện các biện pháp phòng dịch hiệu quả, sẽ không mang lại cảm giác an toàn để hành khách vẫn tiếp tục đi tàu, nhất là với những hành khách là người lao động các tỉnh về quê ăn Tết, giờ buộc trở về đi làm. Có vậy, vận tải khách đường sắt mới mong thu hút thêm khách, giảm thiểu thiệt hại”, vị này nói.