Ban Chỉ đạo Bộ GTVT đã kịp thời nắm bắt tình hình triển khai hoạt động phòng, chống dịch của các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị trong toàn ngành GTVT. Trong hơn 1 tháng, Bộ GTVT đã ban hành 17 văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung chống dịch. Đích thân Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo Bộ đã đi thị sát các điểm giao thông công cộng, chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng nhằm lắng nghe tình hình và bàn giải pháp khắc phục khó khăn do dịch bệnh đối với toàn ngành.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo triển khai phòng dịch
Covid -19 tại nhà ga T1 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài ngày 12/2/2020
Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT đã mở chuyên trang “Ngành GTVT chủ động phòng, chống dịch bệnh do Covid-19” kịp thời đưa thông tin tuyên truyền, theo dõi, cập nhật và các khuyến cáo về bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.
Toàn ngành GTVT đã tổ chức phun khử trùng, tiêu độc tại các nhà ga, bến tàu, bến xe, nơi tập trung đông người và các phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu, trụ sở các cơ quan đơn vị trực thuộc.
Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Trong các chỉ thị, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các Cảng vụ hàng không và các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không khẩn trương tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đối với hành khách về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo mới nhất của bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới.
Các cảng hàng không quốc tế/các cảng hàng không có chuyến bay quốc tế phối hợp chặt chẽ với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế và các cơ quan liên quan triển khai giám sát hành khách nhập cảnh/xuất cảnh tại các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm vi rút Corona để có phương án và biện pháp cách ly kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh. Các cảng hàng không phối hợp chặt chẽ với Trung tâm y tế và các đơn vị liên quan để triển khai công tác kiểm tra, giám sát hành khách đi trên các chuyến bay nội địa nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm vi rút Corona để có phương án và biện pháp cách ly kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh. Tổ chức thực hiện khử trùng toàn bộ nhà ga hành khách. Thường xuyên khử trùng và làm vệ sinh tại các khu vực, hệ thống trang thiết bị nhà ga nơi có nguy cơ gây lây nhiễm cao để hạn chế tối đa lây lan của vi rút Corona. Khử trùng tại các khu vực khi phát hiện tại nơi đó có các trường hợp nghi nhiễm vi rút Corona.
Các hãng hàng không khử trùng toàn bộ tàu bay khai thác từ Trung Quốc về Việt Nam và khử trùng khi phát hiện trên tàu bay có các trường hợp nghi nhiễm vi rút Corona. Các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không thực hiện khử trùng tất cả các phương tiện, trang thiết bị khai thác, cơ sở hạ tầng. Các Cảng vụ hàng không phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển hành khách bằng tàu bay nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm vi rút Corona để có phương án và biện pháp cách ly kịp thời tránh lây lan dịch bệnh. Đồng thời, triển khai các nội dung của các Chỉ thị đến các hãng hàng không nước ngoài đang khai thác đi/đến Việt Nam.
Các hãng hàng không chủ động điều chỉnh kế hoạch bay bảo đảm tạm ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt Nam, không thực hiện các chuyến bay thường lệ và không đề nghị cấp phép bổ sung cho các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch, hạn chế các chuyến bay đi/đến các khu vực đang có dịch tại Trung Quốc, Hàn Quốc. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện khai báo y tế bắt buộc, thực hiện cách ly y tế 14 ngày đối với hành khách đến từ/đi qua vùng có dịch tới Việt Nam.
Các cảng hàng không, sân bay chủ trì, phối hợp với các hãng hàng không, đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất và các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành rà soát quy trình ứng phó tình huống khẩn nguy y tế, chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; bố trí bổ sung khu vực cách ly y tế trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế; đồng thời khuyến cáo hành khách thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi tham gia giao thông.
Kiểm soát thân nhiệt hành khách đến là một trong những khâu đặc biệt quan trọng
để tránh lây lan nguồn dịch (Ảnh: Báo Giao thông)
Trong lĩnh vực đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã thành lập Ban Chỉ đạo của Cục ĐSVN và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên của Ban chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trong lĩnh vực vận tải đường sắt; Công bố số điện thoại đường dây nóng của Cục ĐSVN để tiếp nhận các thông tin về dịch bệnh; Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; các Công ty Cổ phần vận tải ĐS Hà Nội, Sài Gòn, Công ty cổ phần Vận tải và thương mại ĐS triển khai thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona gây ra, cũng như tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong công tác tổ chức chạy tàu hàng liên vận.
Phun khử trùng toa hàng nhập khẩu tại Cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng
Ngành ĐS đã chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch trong hoạt động vận tải hàng hóa qua biên giới như: Dừng tất cả các đoàn tàu liên vận quốc tế từ 21h20 ngày 05/02/2020. Phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu và các cơ quan có liên quan thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát, bảo đảm phòng ngừa dịch bệnh lây lan cho nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu hàng quốc tế giữa Đồng Đăng (VN) - Bằng Tường (TQ), Lào Cai (VN) - Sơn Yêu (TQ). Đảm bảo hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới được thông suốt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 04/02-18/02/2020: Sản lượng hàng hóa xuất khẩu đã vận chuyển bằng tàu hàng liên vận quốc tế từ ga Lào Cai sang Trung Quốc là 7.477 tấn, từ ga Đồng Đăng sang Trung Quốc là 2.100 tấn (chủ yếu là hàng nông sản, điện tử, linh kiện điện tử, kim loại…).
Trong lĩnh vực hàng hải, các Cảng vụ Hàng hải đã phối hợp chặt chẽ đối với cơ quan quản lý chuyên ngành tại cảng, như: Biên phòng; Trung tâm Kiểm dịch Y tế; Các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển; ... trong việc kiểm tra, kiểm soát các tàu thuyền, thuyền viên vào, rời cảng trong khu vực quản lý. Đặc biệt lưu ý đối với các tàu thuyền đến từ trung tâm vùng dịch như tàu thuyền hành trình từ Trung Quốc đến cảng và ngược lại. Cơ quan kiểm dịch giám sát chặt chẽ từng tàu biển từ Trung Quốc đến cảng (100% thuyền viên được kiểm tra y tế ngay khi tàu đến cảng).
Riêng đối với tàu khách đến cảng, Trung tâm kiểm dịch y tế chủ động nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp lữ hành để yêu cầu thuyền viên và hành khách khai y tế trước khi tàu đến cảng, khuyến cáo không cho phép thuyền viên nhiễm dịch nhập cảnh. Đối với thuyền viên, hành khách trong quá trình tàu đến cảng có triệu chứng của dịch thì phối hợp với nhân viên y tế trên tàu kịp thời cách ly tại các phòng bệnh viện trên tàu trước khi thông báo cho cơ quan y tế tỉnh, thành phố. Ngoài ra còn bố trí thiết bị đo thân nhiệt kiểm tra đối với thuyền viên, hành khách đi bờ.
Các cơ quan, đơn vị thường xuyên cập nhật, hướng dẫn các biện pháp phòng hộ cá nhân cho công chức, viên chức đơn vị theo hướng dẫn của ngành y tế; mua và phát khẩu trang cho toàn thể công chức, viên chức và yêu cầu công chức, viên chức làm thủ tục có tiếp xúc với thuyền viên, hành khách, đại lý tàu phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn của Bội Y tế. Phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế tại địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tới các tổ chức, cá nhân liên quan. Phối hợp với Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng tổ chức cách ly tại tàu đối với thuyền viên trên các tàu đã ghé qua những cảng thuộc Trung Quốc hoặc những vùng có dịch, kiểm soát chặt chẽ người lên xuống tàu. Phối hợp với Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng, Chi cục Thú y, Cục Hải quan kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, động vật vận chuyển trên tàu từ Trung Quốc và các vùng có dịch về cảng biển.
Hiện tại, trong khu vực quản lý của các đơn vị chưa phát hiện trường hợp thuyền viên, hành khách làm việc trên tàu biển, người lao động tại doanh nghiệp cảng biển; viên chức, công chức của cơ quan quản lý nhà nước tại cảng bị nhiễm dịch bệnh nCoV.
Làm tốt công tác khử trùng, vệ sinh môi trường phương tiện vận chuyển hành khách,
bến xe, nhà ga hàng không, ga đường sắt, bến tàu, trụ sở làm việc, cơ sở y tế…
Về lĩnh vực đường bộ, Tổng cục ĐBVN đã triển khai thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona trong công tác quản lý vận tải và quản lý phương tiện và người lái; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Đã chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp ứng phó và kiểm soát dịch bệnh; quán triệt công chức, viên chức, người lao động chấp hành các biện pháp phòng dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng cường thông tin, truyền thông trên website Tổng cục các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đăng tải các bản tin về tình hình dịch chính xác, kịp thời; các biện pháp để công chức, viên chức, người lao động và người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang lo lắng, phối hợp với các cơ quan chức năng phòng, chống dịch hiệu quả. Thực hiện hướng dẫn tại Công văn số 568/BYT-DP ngày 08/02/2020 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn thực hiện Công văn số 808/VPCP-KGVX Tổng Cục đường bộ xây dựng phương án phòng, chống dịch chặt chẽ cho lái xe chở hàng qua biên giới đảm bảo không lây lan bệnh dịch.
Lĩnh vực Đường thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo yêu cầu các đơn vị trực thuộc phổ biến, tuyên truyền đến công chức, viên chức và người lao động toàn ngành về các biện pháp phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona; Các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng liên quan thực hiện các giải pháp, phổ biến các khuyến cáo phòng, chống dịch cho hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên các phương tiện thủy và tại các cảng bến thủy nội địa; đặc biệt đối với người đi trên phương tiện vận tải đường thủy qua biên giới khi nhập cảnh, xuất cảnh; Thường xuyên cập nhật đăng tải nội dung chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, các khuyến cáo, biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trên website của Cục; Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan Cục thực hiện, sử dụng các trang thiết bị y tế (đeo khẩu trang y tế, sử dụng dung dịch rửa tay diệt khuẩn tại khu vực thang máy của cơ quan; thực hiện công tác khử trùng tại Cục…) theo các hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng ngừa dịch bệnh.
Khử trùng, vệ sinh môi trường trụ sở làm việc
Cục Y tế GTVT (thường trực Ban Chỉ đạo Bộ GTVT) thường xuyên theo dõi, bám sát, cập nhật diễn biến tình hình dịch và bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia để tham mưu Trưởng ban chỉ đạo Bộ GTVT triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, nghiêm túc công tác phòng chống dịch, hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh trong ngành và toàn cộng đồng. Cập nhật hàng ngày hoạt động phòng chống dịch của các đơn vị thuộc Bộ GTVT để kịp thời báo cáo Trưởng ban và Ban chỉ dạo Quốc gia. Yêu cầu các đơn vị y tế ngành GTVT tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tiếp nhận, cách ly, vận chuyển người bệnh theo đúng hướng dẫn phân tuyến điều trị của Bộ Y tế.
Tiếp tục chỉ đạo khử trùng, vệ sinh môi trường cơ sở y tế, phương tiện vận chuyển hành khách, bến xe, nhà ga hàng không, ga đường sắt, bến tàu… Chỉ đạo, giám sát, kiểm tra quyết liệt công tác chuẩn bị vật tư, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện, nhân lực, khu vực cách ly y tế đối với các đơn vị trực thuộc. Tính đến hết ngày 27/02/2020, các đơn vị khám chữa bệnh ngành GTVT báo cáo chưa có trường hợp nào nghi ngờ nhiễm Covid-19 đến khám và điều trị.
Thực hiện Công văn số 753/UBND – BCĐ ngày 13/2/2020 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc, Bệnh viện GTVT Vĩnh Phúc cử đoàn công tác gồm 02 bác sỹ và 03 điều dưỡng tham gia hỗ trợ chuyên môn cho Trạm y tế Thị trấn Gia Khánh (Huyện Bình Xuyên) từ ngày 13/2/2020 trong công tác khám bệnh, kiểm soát, phát hiện sớm các trường hợp viêm đường hô hấp cấp, hướng dẫn y tế cơ sơ sở phun khử trùng môi trường theo quy định, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lan rộng.
Phối hợp cùng Bộ Y tế, xây dựng hướng dẫn quy trình kiểm dịch y tế, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của phương tiện và người điều khiển phương tiện để áp dụng tại các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu biên giới đường sắt, đường bộ...đã được ban hành tại Công văn số 829/BYT-MT ngày 21/02/2020 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn công tác kiểm dịch y tế phòng chống COVID-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Trong thời gian tiếp theo, Ban Chỉ đạo Bộ GTVT sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo, định hướng của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh do COVID-19, tăng cường công tác thông tin, truyền thông tới người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng để chuẩn bị mở lại các đường bay và các cửa khẩu khi hết dịch; có các giải pháp giảm thiểu tác động của dịch bệnh với hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hành khách, vận chuyển hàng hóa... trong mọi lĩnh vực của ngành GTVT.