Biểu dương đóng góp xây dựng cầu
Đến nay, các tuyến đường trên toàn huyện đến trung tâm các xã đều được láng nhựa và bê tông hóa, các cầu liên xã được sửa chữa, nâng cấp. Hiện, trên địa bàn huyện Chợ Mới có tổng cộng 351 cây cầu, trong đó có 168 cầu bê tông, 25 cầu sắt và 158 cầu gỗ.
Theo đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh, huyện Chợ Mới thực hiện 99 cầu, bao gồm 61 cầu thuộc dự án Nam Vàm Nao và xã hội hóa 38 cầu nông thôn.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chung sức đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, 184 cây cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui của chính quyền địa phương và nhân dân.
Trong 184 cầu giao thông nông thôn, từ nguồn xã hội hóa 100 cầu bê tông, 33 cầu sắt, tải trọng 3,5 tấn, với tổng kinh phí hơn 163,517 tỷ đồng, 12.444 ngày công lao động, nhân dân hiến gần 500m2 đất và 51 cầu sắt mạ kẽm trọng tải từ 8 - 13 tấn từ nguồn kiểm soát lũ vùng đê bao Nam Vàm Nao, với tổng kinh phí 298,410 tỷ đồng.
Tổng số vốn xã hội hóa gần 462 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 203,9 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ 351,8 triệu đồng, vốn huyện đối ứng hơn 1,769 tỷ đồng, vốn xã, thị trấn 668,5 triệu đồng, vốn doanh nghiệp 123,84 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 68,8 tỷ đồng...
Theo UBND huyện Chợ Mới, từ nguồn lực nhân dân, doanh nghiệp đóng góp đã hình thành nhiều cầu giao thông quy mô lớn có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, kết nối liên vùng như: cầu Mỹ Luông - Tấn Mỹ 106,664 tỷ đồng; cầu thị trấn Chợ Mới - Tân Long 119 tỷ đồng; cầu Long Kiến - Long Giang 35 tỷ đồng, cầu Long Điền B - Long Giang 4,9 tỷ đồng, cầu kênh xáng A-B (thị trấn Chợ Mới) 3,9 tỷ đồng, cầu Hòa An 3,1 tỷ đồng, cầu Nguyễn Văn Thới (Kiến An) 2,34 tỷ đồng, cầu Tấn Thuận (Tấn Mỹ) 1,1 tỷ đồng, cầu Hai Đường (ngọn Xẻo Môn, Long Điền B) 1,2 tỷ đồng...
Ngoài đóng góp kinh phí xây dựng cầu, Chợ Mới còn hình thành nhiều đội xây cầu từ thiện, cùng với nhân dân và bà con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo làm không công.
Có đội huy động cả trăm người, cùng góp công, góp của, miệt mài xây nên những cây cầu bê-tông vững chắc, niềm vui của họ là được xóa những chiếc cầu gỗ yếu ở địa phương.
Tới nơi xây cầu giao thông từ nguồn xã hội hóa, trong những ngày cao điểm đổ sàn, huy động gần cả trăm người làm, người vác đá, xi măng, người trộn hồ... và còn có cả đội phục vụ nấu cơm, nước uống; người đến cho gạo, thịt, tàu hủ...
Từ thiết kế đến xây dựng, tất cả đều làm không công, với tinh thần rất nhiệt tình và sốt sắng. Chưa kể quá trình xây cầu người cho cát, cho đá, xi-măng, cửa hàng vật liệu xây dựng bán với giá rẻ...
Tận mắt chứng kiến những cây cầu bê-tông thay thế những cây cầu gỗ xuống cấp, người dân tại khu vực rất đỗi vui mừng.
Ông Võ Văn Mộng (ngụ ấp An Thái, xã Hòa Bình) cho biết: “Bà con rất mừng vì có cầu bê tông vững chắc, thuận tiện đi lại, máy cày, máy xới qua lại chở lúa về nhà dễ dàng...”.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Ngô Hoàng Hiếu cho biết, năm 2020, huyện dự kiến xã hội hóa thêm 12 cầu giao thông với tổng số tiền 3,6 tỷ đồng. UBND huyện sẽ tiếp tục vận động nhân dân, sức người và đất đai bằng nhiều hình thức để xóa dần cầu gỗ trên địa bàn. Trong đó tập trung vận động các doanh nhân thành đạt của địa phương và những tấm lòng thiện nguyện có tâm đóng góp cho quê hương.
Cầu giao thông từ thành thị đến nông thôn Chợ Mới ngày nay được bê tông hóa, nối liền những con đường nông thôn, góp phần thúc đẩy giao thông thuận lợi cho bà con nông dân kịp thời vận chuyển sản phẩm nông sản, phục vụ hiệu quả tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Dấu ấn những bảng vàng hiện hữu bên cầu là nơi ghi nhớ những tình cảm, kết nối những tấm lòng chung tay xây dựng quê hương, nông thôn mới.
Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện Chợ Mới đã huy động nguồn đóng góp xã hội hóa gần 462 tỷ đồng để xây dựng 184 cầu giao thông nông thôn, vượt 85 cầu giao thông so kế hoạch đề ra của Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh.