Xây dựng lộ GTNT ấp liền ấp ở huyện Đông Hải.
Bức xúc của nông thôn
Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành nên hệ thống GTNT không ngừng được đầu tư nâng cấp và xây mới. Nhiều dự án, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng trong niềm phấn khởi của người dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM thì GTNT là một trong những tiêu chí “cứng” rất khó thực hiện. Bởi, với điều kiện tự nhiên đặc thù là vùng sông nước với hệ thống kênh rạch chằng chịt, nền đất yếu nên các công trình GTNT phải “gánh” thêm nhiều khoản chi phí phát sinh. Mặt khác, do hệ thống GTNT liên ấp, liên xã, hệ thống cầu giao thông không được đầu tư đồng bộ nên thường xảy ra tình trạng cầu làm xong thì lộ đã xuống cấp hoặc hư hỏng, gây khó khăn và cản trở việc lưu thông, giao thương hàng hóa của người dân. Như tuyến đường từ ấp Nhạc Khị - Bàu Sen (thị trấn Hòa Bình) kéo dài đến ấp 38 (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) chỉ khoảng 6km, nhưng gần 2 năm nay đã xuống cấp trầm trọng, lớp nhựa mặt đường bong tróc tạo thành những rãnh sâu lỏm chỏm đất đá. Nhiều người dân cho biết, có không ít trường hợp bị té ngã, va quẹt vì tránh ổ voi, ổ gà khi lưu thông trên tuyến đường này. Chị Trần Thị Kim Linh (ngụ ấp Láng Giài, thị trấn Hòa Bình) chia sẻ: “Con đường này xuống cấp lâu lắm rồi mà chưa thấy chính quyền họp bàn để sửa chữa hoặc làm mới. Đến mùa mưa là bà con mạnh ai nấy kiếm đường vòng để đi, dù xa hơn chút nhưng đảm bảo an toàn. Tôi mong Nhà nước sớm sửa chữa tuyến lộ này để chúng tôi đi lại được thuận tiện hơn”.
Hay như tuyến đường Rạch Rắn - Cầu Vịnh (xã Long Điền, huyện Đông Hải) hiện nay cũng đã xuống cấp, mặt đường xuất hiện nhiều chỗ sụt lún tạo thành hố sâu, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tình trạng này đã được người dân phản ánh nhiều trong các đợt tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Ông Trần Thanh Hồng (xã Long Điền, huyện Đông Hải) nói: “Mùa này không có mưa nên chạy xe mình còn nhìn thấy “ổ voi” để mà tránh, chứ mùa mưa xuống là không biết đâu mà lần. Tôi cũng đã từng bị té ngã trên tuyến đường này do không phát hiện hố sâu. Đường sá thế này đi lại thấy bất an quá”…
Người dân xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long) trồng hoa hai bên đường,
góp phần bảo vệ công trình và làm đẹp cảnh quan nông thôn.
Khơi dậy sức dân
Với quyết tâm xây dựng hoàn thiện hạ tầng nông thôn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư, trong đó ưu tiên cho các công trình GTNT bức xúc.
Theo kế hoạch xây dựng GTNT năm 2020, toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 210 công trình cần đầu tư, với tổng chiều dài gần 444km và kinh phí trên 424 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách của huyện, nguồn nhân dân đóng góp và các nguồn khác chiếm khoảng 77 tỷ đồng và sẽ được triển khai làm 3 giai đoạn. Giai đoạn I, cao điểm bắt đầu từ tháng 3; giai đoạn II từ tháng 6 và giai đoạn III sẽ hoàn thành trong tháng 9/2020 để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Từ tổng mức đầu tư xây dựng các công trình GTNT cho thấy, nhu cầu vốn là rất lớn trong khi nguồn ngân sách có hạn. Do vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tranh thủ và huy động sự ủng hộ từ các tập đoàn, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đầu tư bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ xi măng, sắt… Vấn đề quan trọng còn lại chính là các địa phương cần tập trung khơi dậy sức dân cùng chung tay với tỉnh đóng góp cho những công trình “ích nước lợi nhà”. Bài học kinh nghiệm ấy đã được chứng minh qua 10 năm XDNTM: nhân dân tham gia đóng góp 585.683 triệu đồng và doanh nghiệp đóng góp 962.292 triệu đồng.
Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là cùng với huy động nguồn lực, các địa phương cần xây dựng nên các mô hình hay để phát huy và sử dụng có hiệu quả các công trình GTNT. Song song đó, nâng cao trách nhiệm của người dân đối với các công trình GTNT đã đưa vào sử dụng, tránh trường hợp công trình xuống cấp nhanh chóng do thiếu sự quan tâm và hỗ trợ từ người dân.
Một mô hình cần được các địa phương tham khảo và học tập hiện nay là mô hình trồng hoa hai bên bờ bao các tuyến đường GTNT ở huyện Phước Long. Cái lợi của mô hình này là vừa góp phần chống sạt lở, bờ bao được gia cố vững chắc, vừa góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường nông thôn, phục vụ phát triển du lịch sinh thái vườn. Cụ thể, huyện Phước Long phát động chị em phụ nữ trồng hoa và đến nay đã thực hiện được hơn 80 tuyến đường với tổng chiều dài trên 160km.
Với khí thế chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, xây dựng GTNT thật sự trở thành một phong trào thi đua rộng khắp. Với phong trào này, chắc chắn sẽ thúc đẩy để tất cả mọi người cùng quyết tâm thực hiện, góp phần xây dựng nông thôn Bạc Liêu ngày càng giàu đẹp.