Vinalines thiệt hại nghìn tỷ vì dịch Covid-19

Thứ sáu, 13/03/2020 10:11

Dịch Covid-19 khiến Vinalines điêu đứng khi sản lượng hàng hóa sụt giảm nghiêm trọng, giá cước vận chuyển cũng lao dốc.

Dịch Covid-19 kéo dài khiến các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển,
vận tải biển của Vinalines “đứng ngồi không yên” (Ảnh minh họa)

Diễn biến kéo dài của dịch Covid-19 khiến các mảng kinh doanh chính là cảng biển và vận tải biển của Vinalines điêu đứng khi sản lượng hàng hóa sụt giảm nghiêm trọng, giá cước vận chuyển cũng lao dốc.

Doanh thu “hụt” nặng

Ông Nguyễn Viết Nhâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Cam Ranh (đơn vị thành viên cua Tổng công ty Hàng hải VN - Vinalines) cho biết, theo thống kê, sản lượng hàng hóa qua cảng Cam Ranh trong 2 tháng đầu năm đã giảm từ 3 - 5% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 500.000 tấn (cùng kỳ năm 2019), xuống khoảng gần 470.000 tấn. Nguyên nhân là do số lượng vận chuyển đá từ Trung Quốc về Việt Nam bị sụt giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19.

“Dự kiến, trong tháng 3/2020, lượng hàng đến cảng sẽ tiếp tục tụt sâu, có thể chạm ngưỡng 10% khi hàng hóa sang Trung Quốc bắt đầu rơi vào tình trạng “khan hàng”, ông Nhâm nói.

Theo ông Bùi Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải biển VN (Vosco), doanh nghiệp (DN) vận tải lớn nhất thuộc Vinalines, dịch Covid-19 kéo dài cũng đang khiến Vosco điêu đứng. “Riêng tháng 2/2020, 5 con tàu của Vosco đã phải nằm chờ hàng tại các cảng khu vực Đông Nam Á vì không có hàng vận chuyển (clinker, than...). Khu vực Đông Bắc Á giá cước rất thấp, các tàu cố chạy, doanh thu cũng không đủ bù chi phí hoạt động”, ông Hoài nói và cho biết, việc tàu phải nằm chờ lấy hàng còn khiến DN phải bỏ ra khoản chi phí ngày tàu (cố định) tương đối lớn như: Lương thuyền viên, khấu hao, nhiên liệu, vật tư… Mức chi phí cho tàu to khoảng 6.000 - 7.000 USD/ngày, tàu nhỏ khoảng 3.000 - 4.000 USD/ngày.

Cũng theo ông Hoài, hiện một số tàu của Vosco đang hoạt động cầm chừng với mặt hàng clinker. Tuy nhiên, giá cước của hàng hóa này cũng đang giảm rất sâu. Nếu cùng kỳ năm trước, cước vận chuyển là 9 - 9,5 USD/tấn, hiện mức giá này đã giảm khoảng 30 - 40%. Giá cước lao dốc trong khi chi phí tăng gấp đôi do tàu phải sử dụng nhiên liệu mới (hàm lượng lưu huỳnh 0,5%) theo quy định của IMO chênh lệch với giá nhiên liệu cũ từ 200 - 250 USD/tấn dầu.

“Dự kiến, nếu dịch Covid-19 kéo dài hết quý II/2020, mức lỗ của Vosco trong 6 tháng đầu năm sẽ tăng khoảng 88 tỷ đồng”, ông Hoài nói và cho rằng, hoạt động của DN sẽ còn nhiều biến động, mức lỗ có thể tăng cao hơn khi sang tháng 3, hàng container nội địa cũng có nguy cơ giảm do luồng hàng đi Trung Quốc và giao lưu trong nước hạn chế dần...

Cùng khó khăn như Vosco, đại diện Công ty Vận tải biển Vinalines cho biết, đơn vị này cũng đang dự kiến tăng lỗ trong 6 tháng khoảng 82 tỷ đồng so với kế hoạch.

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines cho biết, theo nghiên cứu của một số tổ chức, công ty chuyên nghiên cứu ngành hàng hải (Sea-Intelligence, ICS), chỉ trong vòng 10 tuần lễ, kể cả dịp Tết Nguyên đán và thời điểm dịch bệnh bùng phát, vận tải biển thế giới đã sụt giảm hơn 1,7 triệu teus. Giá cước vận tải đường biển trung bình tiếp tục sụt giảm tới 80% kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Riêng Vinalines, ước tính trong 2 tháng đầu năm, sản lượng vận tải biển đã giảm gần 40%, doanh thu Công ty mẹ giảm gần 20%.

“Nếu diễn biến dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 3 hoặc sang quý II/2020 mới trở lại bình thường, đội tàu của Tổng công ty sẽ giảm doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận sẽ giảm khoảng 500 tỷ đồng. Với tình hình này, nhóm tàu đóng mới bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) của Vinalines sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ gốc và lãi”, ông Hải thông tin.

Trông chờ hỗ trợ từ Chính phủ

Do tác động của dịch Covid-19, Đại hội cổ đông lần thứ nhất của Tổng công ty Hàng hải VN dự kiến sẽ lùi sang quý II/2020 (tháng 5 hoặc tháng 6) thay vì quý I như dự kiến ban đầu để đảm bảo hiệu quả hoạt động sau khi chuyển sang mô hình Công ty cổ phần.

Ông Bùi Việt Hoài cho rằng, hiện thị trường vận tải rất khó dự đoán khi thời điểm kết thúc dịch còn chưa được xác định. Tất cả các dự đoán về sự tăng trưởng của các nhóm hàng hóa tiềm năng, hướng phục hồi, kế hoạch phát triển chỉ có thể thực hiện khi dịch chấm dứt.

Ngoài ra, bức tranh thị trường vận tải biển năm 2020 cũng được dự báo rất ảm đạm khi tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hải của thế giới xuống còn 2,2% so với ước tính 2,5% trước đó.

Trong bối cảnh khó khăn đó, Chủ tịch HĐQT Vosco mong thời gian tới, Chính phủ sẽ xem xét, chỉ đạo các bộ, tập đoàn, tổng công ty xuất nhập khẩu có vốn Nhà nước (như vận chuyển than phục vụ nhà máy nhiệt điện của các Tập đoàn Điện lực, Dầu khí) thực hiện đấu thầu trong nước với các tiêu chí phù hợp để nâng cao khả năng trúng thầu của DN vận tải biển Việt Nam.

Đối với trường hợp phải tổ chức đấu thầu quốc tế thì xem xét có giải pháp để chỉ đạo chủ hàng giành sản lượng hàng hóa nhất định với giá bằng với giá thắng thầu để giao cho đội tàu trong nước thực hiện, phát triển trong thời gian lâu dài.

Còn theo lãnh đạo Vinalines, bên cạnh các nỗ lực cơ cấu lại các nguồn lực, tiết giảm chi phí, đẩy mạnh công tác thị trường của DN… tới đây, Vinalines sẽ kiến nghị Chính phủ có những chính sách hỗ trợ “cấp cứu sơ bộ” mang tính ngắn hạn như: Giãn thời gian nộp thuế, giảm lãi suất cho vay.

“Về lâu dài, Vinalines cũng sẽ nghiên cứu, xin ý kiến các cấp chức năng xem xét về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nếu như dịch bệnh kéo dài đến hết quý II/2020 để phù hợp với tình hình thực tiễn”, lãnh đạo Vinalines chia sẻ.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:216042
Lượt truy cập: 176.734.759