Toàn bộ nhân viên Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines)
đeo khẩu trang khi làm thủ tục cho hành khách tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Thanh Thúy
Hàng không: Yêu cầu khắt khe với phi công, tiếp viên
Sau khi một số tiếp viên trở về từ Anh dương tính với Covid-19, đồng thời nhiều người khác phải cách ly, Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines đã khẩn trương đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn trong quá trình phục vụ bay. Đoàn trưởng Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines Phan Ngọc Linh cho biết, Đoàn đã yêu cầu cán bộ, nhân viên và tiếp viên phải sử dụng đầy đủ khẩu trang, găng tay y tế, khăn ướt tẩm cồn diệt khuẩn, dung dịch diệt khuẩn, đồ bảo hộ y tế... Đối với các chuyến bay nghỉ lại nước ngoài, tiếp viên không rời khỏi nơi lưu trú...
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng triển khai phương án xếp lịch tổ bay theo nguyên tắc tránh nghi nhiễm chéo dẫn đến thiếu hụt nhân lực; phi công không tiếp xúc gần với người khác; phải mặc đồ bảo hộ khi bay quốc tế... Toàn bộ các chuyến bay quốc tế về Việt Nam và các chuyến bay có hành khách biểu hiện sức khỏe bất thường cũng như các trang thiết bị, phương tiện phục vụ mặt đất như xe trung chuyển tiếp viên, xe đưa đón hành khách trong sân đỗ, xe thang, ống lồng... đều được tiến hành khử trùng. Đối với chuyến bay nội địa, hãng vệ sinh, khử trùng các trang thiết bị, vị trí hành khách thường tiếp xúc như dây đai an toàn, ngăn hành lý, tai nghe, các nút bấm... và duy trì nhiệt độ khoang máy bay luôn ở 26 độ C.
Các hãng hàng không Jetstar, Bamboo Airways, Vietjet cũng khẩn trương yêu cầu cán bộ, nhân viên cũng như khuyến cáo hành khách thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế về việc đeo khẩu trang y tế đúng cách để bảo đảm an toàn; tổ chức phun thuốc khử trùng diệt khuẩn, vệ sinh máy bay; cách ly tổ bay để theo dõi sức khỏe khi trên chuyến bay có hành khách bị phát hiện nhiễm dịch; hủy các chuyến bay tới vùng có dịch... Tại các cảng hàng không, sân bay, từ ngày 16/3, tất cả cán bộ, nhân viên hàng không và hành khách đều phải đeo khẩu trang nhằm ngăn ngừa lây nhiễm. Hành khách nào không có sẽ được phát miễn phí. Với những hành khách không tuân thủ, các hãng sẽ từ chối làm thủ tục bay. Hành khách cũng phải sử dụng khẩu trang trên toàn bộ hành trình.
Đường sắt: Thu thập đầy đủ thông tin hành khách
Theo ông Vũ Thanh Bình, Giám đốc Chi nhánh Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội (Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội) thông tin, để tăng cường phòng, chống dịch, bên cạnh việc phun thuốc diệt khuẩn định kỳ, các đơn vị, tổ tàu, bộ phận lưu trú hằng ngày đều thực hiện vệ sinh sàn, tay nắm cửa, tay vịn ghế toa xe bằng dung dịch Cloramin B. Toàn bộ cán bộ, nhân viên phải đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng dịch; thực hiện việc cấp phát khẩu trang miễn phí cho hành khách (nếu không có), bảo đảm mọi hành khách đi tàu đều đeo khẩu trang và sẽ từ chối chuyên chở nếu khách không chấp hành; tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) về các biện pháp phòng, chống dịch.
Nhân viên đường sắt vệ sinh các toa tàu tại Ga Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh
Từ ngày 17/3, đơn vị tiến hành đo thân nhiệt hằng ngày đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên và khách đến liên hệ công tác. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng (từ ngày 16/3), Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội đã gửi công văn yêu cầu các công ty lữ hành, du lịch ký hợp đồng thuê toa xe chủ động tăng cường tuyên truyền và cấp khẩu trang cho hành khách, thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang trong suốt quá trình đi tàu.
Thông tin thêm, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, các hành khách mua vé, nhất là qua hệ thống bán vé trực tuyến và điện thoại, đều được yêu cầu cung cấp thông tin (số chứng minh nhân dân, điện thoại, lịch trình) để tiện cho việc theo dõi phòng, chống dịch. Việc thu thập thông tin tuy có gây chút phiền hà, song qua công tác tuyên truyền, hầu hết hành khách đã chấp hành. Các toa tàu nếu chở hành khách đã được kết luận dương tính với Covid-19 và các toa liền kề được cắt riêng để phun thuốc khử trùng.
Trong giai đoạn vừa qua, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã có 78 trường hợp nhân viên thuộc diện cách ly để phòng chống dịch Covid-19, trong đó có 4 nhân viên cách ly tập trung đến nay có kết quả âm tính và đã trở lại làm việc. Số còn lại đều thực hiện tự cách ly tại gia đình và sức khỏe vẫn ổn định.
Nhìn nhận về những giải pháp của ngành Đường sắt, nhân viên Dương Hải Yến (Chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội) cho biết: “Trong những ngày cả nước cao điểm chống dịch như hiện nay, nhiều lúc cũng căng thẳng, song mỗi nhân viên, tiếp viên trên tàu đều ý thức nghiêm việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, từ đó góp phần lan toả tới hành khách”.
Còn bà Nguyễn Thị Điệp (phố Thụy Khuê, Hà Nội) kể, đã đi chuyến tàu từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh cách đây vài ngày. Trong suốt hành trình, theo hướng dẫn của nhân viên đường sắt, bà đều đeo khẩu trang. “Đây là giải pháp cần thiết để phòng, chống dịch nên tôi hoàn toàn tự nguyện tuân thủ”, bà Nguyễn Thị Điệp nói.
Rõ ràng, trong giai đoạn hiện nay, những giải pháp của ngành Hàng không, Đường sắt để phòng, chống dịch Covid-19 là thực sự cần thiết. Qua đó, góp phần ngăn chặn dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng nói chung, hành khách và nhân viên trong ngành nói riêng.