Kế hoạch ứng phó đại dịch Covid-19 tại các cơ sở bảo đảm hoạt động bay của Tổng công ty được ban hành từ ngày 26/3/2020 sau khi được sự đồng ý của Cục Hàng không Việt Nam nhằm bảo đảm trong mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh, công tác cung cấp dịch vụ của Tổng công ty được liên tục, thống nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi chuyến bay cất hạ, cánh và các hoạt động bay quá cảnh trong hai vùng thông báo bay của Việt Nam. Theo kế hoạch, có 5 cấp độ ứng phó được thiết lập, căn cứ vào thực tế diễn biến của dịch bệnh tại từng thời điểm.
Ngày 1/4/2020, căn cứ tình tình thực tế của từng cơ sở và diễn biễn dịch bệnh tại từng địa phương, Tổng công ty đã quyết định công bố cấp độ ứng phó đối với từng cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm bảo hoạt động bay tại từng khu vực.
Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội
Hiện tại, Tổng công ty đã công bố kích hoạt cấp độ 3 (màu cam) có hiệu lực từ 07h00 ngày 01/4/2020 đến hết ngày 15/4/2020 đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tại Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội (ATCC Hà Nội), Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài và một số đài, trạm thông tin dẫn đường giám sát tại khu vực Nội Bài, Vân Đồn. Các Đài Kiểm soát không lưu tại các sân bay địa phương và các đài, trạm thông tin dẫn đường giám sát còn lại thuộc khu vực phía Bắc được kích hoạt cấp độ 2 (màu vàng).
Tại khu vực miền Nam, cấp độ 3 (màu Cam) cũng đã được kích hoạt và có hiệu lực từ 07h00 ngày 03/4/2020 đến hết 15/4/2020 đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận Tân Sơn Nhất, Đài Kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất và một số cơ sở cung cấp dịch vụ phụ trợ kèm theo như bảo đảm kỹ thuật, tìm kiếm cứu nạn, khí tượng, đội rada Tân Sơn Nhất, Cà Mau. Đối với tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay còn lại thuộc phạm vi quản lý của Công ty Quản lý bay miền Nam được kích hoạt cấp độ 2 (màu Vàng).
Đối với khu vực miền Trung kích hoạt kế hoạch ứng phó cấp độ 3 (màu cam) tại Trung tâm Kiểm soát tiếp cận-tại sân Đà Nẵng, Rada Sơn Trà, Rada Quy Nhơn có hiệu lực từ 19h00 ngày 04/04/2020 đến hết ngày 15/04/2020. Kích hoạt cấp độ 2 (màu vàng) đối với tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ đảm bảo hoạt động bay còn lại thuộc phạm vi quản lý của Công ty Quản lý bay miền Trung.
Đối với các cơ sở thuộc Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay, kích hoạt kế hoạch ứng phó cấp độ 3 (màu cam) tại Đài VOR/DME/ADS-B Đà Nẵng; VOR/DME/ADS-B/VHF tại ACC Hồ Chí Minh. Các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay còn lại thuộc phạm vi quản lý của Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay tại miền Trung và miền Nam được kích hoạt cấp độ 2.
Như vậy, toàn bộ các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của Tổng công ty đã được kích hoạt kế hoạch ứng phó đại dịch theo kế hoạch. Các đơn vị đã triển khai các phương án về chuyên môn như tính toán nhập phân khu, vị trí kiểm soát, bố trí lực lượng trực tại mỗi vị trí trên cơ sở mật độ lưu lượng bay và điều kiện trang thiết bị kỹ thuật, đồng thời triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về y tế trong việc khử trùng, khử khuẩn, đồ bảo hộ y tế khi cần thiết. Một nội dung quan trọng trong kế hoạch này là triển khai lực lượng chốt làm việc và sinh hoạt tại cơ sở 24/24 giờ.
Lực lượng lao động của từng cơ sở được chia thành 3 nhóm (A-B-C), mỗi nhóm làm việc liên tục trong 15 ngày 24/24 giờ. Trong 15 ngày đầu, Nhóm A sẽ trực chốt tại cơ sở, Nhóm B sẽ làm nhiệm vụ dự phòng, sẵn sàng thay thế khi có bất kì thành viên nào trong Nhóm A được xác định là F1 hoặc F0 (cả Nhóm A sẽ được cách ly), Nhóm C nghỉ tại gia đình. Cả hai nhóm B và C tuyệt đối không di chuyển khi không thực sự cần thiết, hạn chế tiếp xúc với người khác. 15 ngày tiếp theo, Nhóm B sẽ trực chốt, Nhóm C dự phòng và Nhóm A nghỉ tại gia đình. Tại các Trung tâm Kiểm soát không lưu (ACC), Trung tâm Kiểm soát tiếp cận (APP), Đài Kiểm soát không lưu (TWR), lực lượng lao động được cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Các đơn vị đã tổ chức công tác hậu cần, đảm bảo tốt các điều kiện ăn nghỉ, sinh hoạt tại đơn vị cho nhân viên chốt trực.
Kế hoạch ứng phó đại dịch covid-19 của Tổng công ty được xây dựng trên cơ sở hướng dẫn của Tổ chức các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (CANSO), tham khảo kinh nghiệm của Cơ quan kiểm soát không lưu của Châu Âu (Eurocontrol), Cơ quan Quản lý bay của Ý (ENAV), Canada (Nav Canada) và chia sẻ, trao đổi phương pháp tiến hành với các đồng nghiệp tại Thái Lan, Singapore. Đến thời điểm này, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực đã chủ động xây dựng và sớm thực hiện kế hoạch ứng phó đại dịch tại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.