Một trong những địa phương đi đầu trong công tác xã hội hóa cầu nông thôn là xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn). Giai đoạn 2010-2015, địa phương xây dựng 8 cây cầu bê tông và nâng cấp mở rộng 7 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng kinh phí trên 9,4 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 3,5 tỷ đồng.
Vĩnh Trạch còn có 2 đội xây dựng cầu nông thôn. Từ năm 2016 đến nay đã thực hiện vận động xây dựng mới 4 cây cầu bê-tông nông thôn, với kinh phí trên 1,1 tỷ đồng. Xã còn có 1 đội thi công tự nguyện nhằm duy tu, bảo dưỡng đường giao thông với 10 thành viên.
Chủ tịch UBMTTQVN xã Vĩnh Trạch Huỳnh Công Tấn cho biết: “Nhờ thực hiện công khai hóa việc xây dựng cầu nông thôn từ vận động vật chất đến sự đóng góp từng cá nhân, nhân dân rất đồng tình và đồng thuận với việc xã hội hóa xây dựng “nhịp bờ vui” trên vùng đất này.
Nếu 10 năm trước, đa phần là cầu sắt cũ kỹ, xuống cấp thì nay đã được thay mới bằng những nhịp cầu bê-tông kiên cố, thuận lợi cho người dân giao thương, đi lại. Xã Vĩnh Trạch còn có đội thi công cầu tình nguyện của chú Tám Chuyền hay chú Tư Sang, không chỉ góp ngày công xây dựng cầu, mà còn cùng địa phương vận động kinh phí xây dựng”.
“Nhịp bờ vui” vững chãi với sự chung sức,
đồng lòng của chính quyền địa phương và nhân dân
Dẫn chúng tôi đi sâu vào ấp Trung Bình Nhất (xã Vĩnh Trạch), chú Tấn cho biết sẽ cho phóng viên “mục sở thị” cây cầu bê tông vừa hoàn thành, dù nơi đây khá hẻo lánh. Men theo con đường quê nhỏ đến cuối đường, cây cầu kiên cố đã xuất hiện. Là người túc trực gần 2 tháng suốt quá trình thi công, chú Tô Thanh Phước (sinh năm 1949, ngụ ấp Trung Bình Nhất) phấn khởi khi cây cầu được mình và anh em xóm làng góp công xây dựng được quan tâm, tìm hiểu.
“Hồi trước, cây cầu cũ bằng sắt và đã mục, rỉ sét! Hầu như chỉ có xe gắn máy là qua lại được, còn xe 4 bánh thì thua. Vào mùa vụ, việc vận chuyển lúa của bà con gặp nhiều khó khăn. Biết được việc địa phương xã hội hóa xây cây cầu mới (tổng kinh phí 480 triệu đồng), chúng tôi mừng lắm nên mọi người đều góp chút công, ít sức để sớm nhìn thấy cây cầu mới. Dù cực nhưng ai cũng thấy vui!” - chú Phước chia sẻ.
Không trực tiếp bỏ công xây dựng cầu nhưng chị Dương Thị Liễu (49 tuổi, ngụ ấp Trung Bình Nhất) góp sức bằng việc lo chuyện hậu cần, nấu cơm ngày 3 buổi cho đội thi công. “Dù phải thức sớm đi chợ và bận rộn với việc cơm nước mỗi ngày nhưng tôi rất vui khi nghĩ đến ngày cây cầu mới hoàn thành, bà con chúng tôi đi lại thuận tiện, giao thương dễ dàng hơn” - chị Liễu bày tỏ.
Những cây cầu nông thôn được xây dựng thời gian qua đều mang đậm dấu ấn sự chung tay của nhà nước, nhân dân và các đơn vị, cá nhân tài trợ. Nhiều năm qua, MTTQ phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tăng cường công tác vận động các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng nhiều cây cầu giao thông nông thôn.
Theo Ban Vận động quỹ “Vì người nghèo” huyện, năm 2019 vận động nhân dân, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện ủng hộ xây dựng 11 cây cầu, với tổng kinh phí trên 2,8 tỷ đồng (trong đó nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng, ngân sách nhà nước 100 triệu đồng, nhân dân đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng). Để phát triển kinh tế - xã hội ổn định, Thoại Sơn xác định vấn đề đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn là nền tảng quan trọng.
Theo đó, giai đoạn 1991-2000, huyện đã tiến hành nâng cấp, mở rộng, rải cát 588km đường nông thôn; sửa chữa làm mới 185 cầu gỗ. Trong đó, kinh phí nhân dân đóng góp trên 5 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2000-2010, với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những đề án xây dựng giao thông nông thôn, xóa cầu gỗ, cầu sắt vừa và nhỏ… đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, mang lại kết quả ngoài mong đợi.
Cụ thể, huyện đã hình thành hệ thống đường nông thôn với tổng chiều dài hơn 430km; xây mới 197 cầu bê tông, cầu treo; lắp gần 270km đèn đường chiếu sáng nông thôn với tổng kinh phí đầu tư gần 800 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 35%. Thành quả này đã góp phần thúc đẩy các thế mạnh của địa phương, tạo nhiều bứt phá trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất.
Điển hình là huyện đã thu hút được 2 doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp Phú Hòa, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng được huyện quan tâm, đầu tư phát triển.
Tiếp nối chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, giai đoạn 2011-2019, huyện Thoại Sơn bước vào thời kỳ đổi mới với các chương trình, hành động mang tính lịch sử là thực hiện công tác an sinh xã hội và xây dựng NTM. Giai đoạn này, huyện đã xóa 46 cầu gỗ, cầu sắt vừa và nhỏ, đồng thời xây mới 132 cây cầu với tổng kinh phí trên 106 tỷ đồng, trong đó huy động nhân dân hơn 42 tỷ đồng.
Vinh dự là huyện nông thôn mới đầu tiên của An Giang, Thoại Sơn hôm nay ngày càng vươn lên giữa vùng đất “Chín Rồng”, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao. Và việc xã hội hóa cầu nông thôn phần nào góp thêm thành tựu rực rỡ đó.