Công nhân thi công bờ kè tuyến đường 129 (đường Võ Chí Công) qua vịnh An Hòa.
Từ đường sá
Ven vịnh An Hòa đầy nắng và gió, chị Nguyễn Thị Hải trú thôn Phái Nhơn, xã Tam Hiệp, cùng đội thợ cật lực đổ bê tông, sửa sang bó vỉa tuyến đường 129 (đường Võ Chí Công) giai đoạn 2, đoạn qua địa bàn huyện Núi Thành.
Chị Hải giãi bày, bản thân chẳng khác gì là công nhân “cơ hữu” của Công ty TNHH Xây dựng Phú Vinh, được nhà thầu thuê làm một số việc phụ, ngay những ngày đầu công trường bước vào thi công. Bởi gần một tháng trở lại đây công ty không nhận người lạ vào làm nữa nhằm đề phòng trường hợp mang mầm bệnh Covid-19 rồi gây lây nhiễm ra công trường.
Đội của Nguyễn Thị Hải còn có một lao động nữ, với các chị việc mang khẩu trang, thậm chí che gần kín đầu là chuyện thường tình để cản bụi bặm và bảo vệ da mặt đỡ bị cháy sạm. Và nay, thói quen kia còn giúp bảo vệ họ giữa thời buổi dịch Covid-19 có thể len lỏi vào công trường.
Chị Hải kể, mấy anh công nhân ngày nào không chịu đeo khẩu trang, sau khi được nhà thầu nhắc nhở và nhận thấy được độ nguy hiểm của dịch bệnh thì nay đã tuân thủ răm rắp.
Trong khu vực nhà điều hành công trường nhà thầu Phú Vinh, dung dịch sát khuẩn tay bố trí tại địa điểm ăn uống, nơi làm việc của cán bộ, nhân viên và cả chỗ rửa tay của khu vệ sinh.
Nhận ra chúng tôi đang ái ngại nhìn bàn ghế bị phủ bụi, dù bao quanh là bờ tường và kính che chắn, kỹ sư Lê Hữu Tùng Hưng - Giám đốc điều hành nhanh nhảu nói: “Anh hết sức thông cảm! Từ bữa thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi không tổ chức họp trong phòng”.
Chỉ tay về phía màn hình, chàng kỹ sư quê gốc Nghệ An này cho hay, khi nào thật sự cần thiết, lãnh đạo công ty mới triệu tập cán bộ chủ chốt họp trực tuyến. Một thuận lợi của Phú Vinh là nhân lực phân tán ở rất nhiều điểm, trải dài khoảng 20km từ Tam Kỳ vào hết Tam Quang (Núi Thành). Mỗi ngày, kỹ sư và công nhân chính bố trí ra công trường khoảng 50 người; cùng thêm 2 đội thợ khác là người địa phương hợp đồng làm đã khá lâu nên rõ ràng về lai lịch.
Đội thợ thì công tuyến đường 129 giai đoạn 2 tuân thủ đeo khẩu trang và làm việc giãn cách.
Tránh tập trung đông người, nhà thầu tăng cường làm đêm; thuê thêm nhà để công nhân ngủ nghỉ, thay vì chỉ bố trí 5 lán trại như trước. Đến bữa ăn, ai nấy dùng khay riêng, không ngồi ăn chung. Trong khi đó, đơn vị tư vấn, giám sát đều có trụ sở tại Đà Nẵng và Quảng Nam, họ thuê chỗ ở độc lập với lán trại công nhân.
Đến công trình cầu
Quan sát công trình cầu Bình Đào (Thăng Bình), mặc dù tiến độ thi công được yêu cầu gấp gáp (phải hoàn thành trước 31.5 năm nay), song chỉ có khoảng chưa tới 20 người làm việc ca ngày.
Một công nhân tâm sự rằng, sau tết đến giờ anh không được về thăm nhà như thường lệ và nhiều ngày rồi tuyệt đối tránh tiếp xúc với người ngoài theo yêu cầu của Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1. Quy định mà nhà thầu này đặt ra là nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng trước hiểm họa Covid-19, vì thế anh em đều vui vẻ chấp hành.
Phó Chỉ huy trưởng công trình cầu Bình Đào - kỹ sư Lương Quang Ngọc chia sẻ, trước và sau ca làm, anh em bắt buộc phải sát khuẩn hai tay, ban đêm không được tụ tập. Chỉ huy công trường không giải quyết nghỉ phép, có cả trường hợp quê ở Hà Nội, Cần Thơ, Nam Định. Tuy nhiên, việc cách ly toàn xã hội cũng ảnh hưởng đến tiến độ, vì không điều động được thêm người vào thi công, nhất là ở Hà Nội. Việc vận chuyển đất bị chậm vì xe tải phải dừng lại nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh.
Trên địa bàn Quảng Nam, Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) đang làm chủ đầu tư xây dựng nhiều dự án, trong đó có cầu Bình Đào và cầu Cẩm Kim (Hội An).
Cán bộ điều hành của ban - ông Giản Viết Quang cho biết, việc thi công vẫn diễn ra nhưng vấn đề đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu. Cho nên, ban thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhà thầu, kể cả đơn vị tư vấn giám sát tập trung 100% quân số tại công trường, không di chuyển ra bên ngoài; nếu muốn đi đâu phải có giấy xác nhận của cấp có thẩm quyền. Cạnh đó, bắt buộc nhà thầu trang bị đầy đủ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, khai báo y tế theo yêu cầu. Ngoài chất lượng và tiến độ, đơn vị tư vấn giám sát cầu Bình Đào còn phải kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng chống dịch Covid-19 từ phía nhà thầu.
Giám sát viên Phạm Văn Sáng chia sẻ, anh cùng 2 đồng nghiệp khác thuê nhà ở riêng gần công trường cầu Bình Đào để tiện việc theo dõi, giám sát. Muốn giãn cách người, nhà thầu phải chia 2 ca, riêng ca tối từ 7 giờ rưỡi đến 11 giờ rưỡi đêm.
Ghi nhận phía bắc cầu Cẩm Kim (phường Thanh Hà, Hội An), phần lớn công nhân Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn (một trong những nhà thầu của dự án) nghiêm túc đeo khẩu trang. Chỗ lán dành cho bảo vệ công trường, bình đựng dung dịch sát khuẩn đặt ngay nơi ra vào để công nhân tiện sử dụng.
Một công nhân chia sẻ, công trường vào buổi tối thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tuy nhiên anh và đồng nghiệp cũng đâu có thời giờ nghĩ đến chuyện ra ngoài, bởi vì tiến độ thi công đang rất căng, phải chia nhiều ca làm việc cật lực để đưa công trình sớm về đích.