Ảnh minh họa
Ngày 23/4, Sở GTVT đã có Thông báo điều chỉnh phương án hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, đơn vị quản lý và khai thác bến xe khách, đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy nội địa, đơn vị hoạt động thí điểm xe điện 4 bánh và các cơ quan đơn vị có liên quan.
Theo đó, vận tải hành khách cố định nội tỉnh, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe điện 4 bánh hoạt động thí điểm, xe du lịch, bến khách ngang sông: Tiếp tục thực hiện theo Công điện khẩn số 10/CĐ-UBND ngày 19/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh; thông báo số 08/TB-SGTVT ngày 19/4/2020 của Sở GTVT về tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải hành khách và đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Sở GTVT cho phép hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, gồm: xe cố định, xe hợp đồng và xe du lịch.
Với xe cố định, Sở GTVT yêu cầu chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo biểu đồ đã được phê duyệt đối với tuyến từ Thanh Hóa đi/đến các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa 50% theo biểu đồ đã được phê duyệt đối với tuyến từ Thanh Hóa đi/đến các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 1 chuyến/tuyến).
Đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được hoạt động khi được sự đồng ý của Sở GTVT các tỉnh, thành phố nơi tuyến xe đi qua. Trường hợp không thống nhất được với các đơn vị bến xe khách đối lưu thì đề nghị tạm dừng hoạt động và báo cáo Sở GTVT bằng văn bản để tổng hợp báo cáo Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ Việt Nam.
Đối với xe hợp đồng, xe du lịch: chỉ hoạt động tốt đa 30% tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải khi hoạt động vận chuyển hành khách từ Thanh Hóa đi/đến các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải khi hoạt động vận chuyển hành khách từ Thanh Hóa đến các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 1 xe/đơn vị kinh doanh vận tải).
Sở GTVT cũng yêu cầu, trong quá trình hoạt động, các phương tiện không được chở quá 50% sức chở theo quy định và không quá 20 người trên một chuyến xe.
Mặt khác, người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn và thực hiện khai báo y tế, lập đầy đủ danh sách hành khách; hành khách được bố trí ngồi xen kẽ giữa các hàng ghế đảm bảo khoảng cách an toàn; hạn chế nói chuyện, ăn uống trong chuyến đi; không khạc nhỗ bừa bãi; khuyến khích thông gió tự nhiên trên phương tiện (mở cửa kính đối với xe taxi, xe khách..).
Trong quá trình di chuyển, nếu hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở cần thông báo với tiếp viên hoặc nhân viên phục vụ trên phương tiện, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị kịp thời.
Các đơn vị quản lý và khai thác bến xe khách tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT và hướng dẫn của ngành Y tế. Đồng thời, chủ động liên hệ với các bến xe ngoài tỉnh để sắp xếp, bố trí và theo dõi biểu đồ khai thác vận tải hành khách liên tỉnh của các đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến đảm bảo theo quy định. Thực hiện quản lý phương tiện tuyến vận tải hành khách cố định được hoạt động tối đa theo quy định. Theo đó, chỉ cho xuất bến đối với những phương tiện chở không quá 50% số ghế và không quá 20 người trên một chuyến xe.
Sở cũng yêu cầu Phòng Quản lý vận tải phối hợp với các đầu bến điều chỉnh biểu đồ chạy xe tuyến cố định liên tỉnh theo quy định; yêu cầu các đơn vị vận tải theo hợp đồng, du lịch đăng ký số lượng phương tiện hoạt động liên tỉnh để quản lý giảm sát.
Giao Thanh tra Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Phòng quản lý vận tải và các lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.