Đồng Nai: Hiệu quả từ mô hình xã hội hóa giao thông nông thôn

Thứ hai, 08/06/2020 09:25

Từ huyện thuần nông, Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) đang từng bước chuyển mình trở thành địa phương phát triển năng động bằng việc thành lập các khu, cụm công nghiệp chế biến nông sản và phụ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tuyến đường GTNT do chính quyền và nhân dân cùng làm trên địa bàn xã Xuân Tây.

Ngoài ra, huyện cũng hình thành các vùng chuyên canh cây công - nông nghiệp; đầu tư mạnh cho hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

* Chính quyền và nhân dân đồng thuận

Xác định hạ tầng là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, 5 năm gần đây, H.Cẩm Mỹ đã đầu tư nâng cấp, mở rộng, làm mới 17 tuyến đường huyện và nhựa hóa, bê tông hóa hơn 450 tuyến đường xã, với tổng chiều dài gần 720km, kinh phí đầu tư trên 778 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp tiền, hiến đất và công lao động gần 136 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân đã đóng góp cùng với chính quyền thực hiện hàng trăm tuyến đường tổ, ấp phục vụ nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa, làm thay đổi diện mạo nông thôn và góp phần tạo sự phát triển đồng đều kinh tế - xã hội giữa các vùng.

Xác định GTNT đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội các  vùng nông thôn, những năm qua, chính quyền và nhân dân H.Cẩm Mỹ đã thực hiện hàng trăm cây số đường kết nối vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn với các tuyến quốc lộ, đường cao tốc qua địa bàn tạo sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa giữa các vùng.

Nằm ở phía Bắc H.Cẩm Mỹ, vài năm gần đây, xã Xuân Bảo có sự “bứt phá” mạnh mẽ về kinh tế, trở thành một trong những địa phương đầu tiên của huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ông Nguyễn Văn Đức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Bảo chia sẻ, để tạo động lực phát triển đồng bộ và bền vững, từng bước đổi mới bộ mặt nông thôn, hằng năm, xã cho rà soát, đánh giá và tổ chức lấy ý kiến nhân dân về thực hiện các công trình công cộng như: đường giao thông, đường điện, công trình thủy lợi theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Trên cơ sở thống nhất thứ tự ưu tiên, chính quyền và nhân dân cùng làm.

Theo cách làm này, đến nay, 100% đường GTNT trên địa bàn xã được cứng hóa, bê tông hóa. Toàn xã có hơn 2,2 ngàn hộ sử dụng điện thường xuyên và an toàn, đạt tỷ lệ 100%; hệ thống thủy lợi cho sản xuất nông nghiệp được đảm bảo. Xã Xuân Bảo dần hình thành được các vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao như: bơ, sầu riêng, cây cảnh.

Khoảng 8 năm trở lại đây, xã nghèo Lâm San có sự vươn lên mạnh mẽ. Đây là cơ sở để chính quyền và nhân dân thực hiện hàng loạt công trình hạ tầng, một trong những tiêu chí “khó” trong xây dựng nông thôn mới. Ông Đào Minh Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Lâm San cho biết, xã Lâm San chính thức thoát nghèo năm 2012, 3 năm sau trở thành xã nông thôn mới và năm 2018 được công nhận nông thôn mới nâng cao. Địa phương đang đặt mục tiêu cuối năm 2020 “về đích” xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện và “xóa sổ” hộ nghèo.

Chia sẻ về việc thực hiện tiêu chí hạ tầng GTNT, ông Đào Ngọc Minh cho hay, thời gian đầu cũng khó khăn, chính quyền phải đề xuất ứng vốn thí điểm 1-2 tuyến đường ấp, làm xong đường, cán bộ xã mời người dân đến tham quan, thấy đường sạch đẹp, đi lại tiện lợi, nông sản bán được giá cao hơn, người dân đã tự bàn với nhau góp tiền làm đường GTNT, đường điện. Đến nay, hơn 90% tuyến đường ấp được bê tông, 100% đường xã đổ nhựa.

* Tạo sự đồng bộ về hạ tầng

Những năm gần đây, xã Xuân Tây trở thành điểm sáng trong thực hiện xã hội hóa đường GTNT ở H.Cẩm Mỹ. Chỉ trong 3 năm, xã thực hiện được hơn 150 tuyến đường GTNT với tổng chiều dài gần 80km, nâng tỷ lệ bê tông hóa lên 85%. Nhiều tổ, ấp tự nguyện có đơn đăng ký thực hiện công trình đường ấp.

Ông Đỗ Quang Thúy, Chủ tịch UBND xã Xuân Tây cho biết, để người dân hiểu, đồng thuận và chủ động đăng ký với chính quyền thực hiện các công trình hạ tầng là điều không dễ. Trước đó, địa phương đã triển khai sâu rộng chính sách hỗ trợ, chương trình xã hội hóa GTNT của tỉnh cho người dân hiểu; lên phương án huy động sự đóng góp và tổ chức họp dân để chọn ra phương án tốt nhất cho từng tuyến đường; xã cho các tổ, ấp đăng ký làm đường GTNT, tổ chức thi tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, vừa phát triển được các tuyến đường mới, vừa giữ gìn các đường đã thực hiện trước đó. “Chúng tôi đặt mục tiêu năm 2021 là 100% tuyến đường ấp được bê tông hóa và chắc chắn sẽ đạt được” - ông Thúy chia sẻ.

Theo UBND H.Cẩm Mỹ, 5 năm qua địa phương đã chi gần 778 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông, trong đó khoảng 659 tỷ đồng nguồn ngân sách, còn lại huy động các nguồn trong nhân dân, doanh nghiệp. Từ số tiền này, đã có hàng trăm tuyến đường ấp, xã, huyện được xây mới, nâng cấp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội các vùng nông thôn.

Theo Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Trần Văn Chiến, để khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương, tạo sự đồng bộ hạ tầng kết nối với các huyện, thành phố trong tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các cấp chính quyền huyện đang tập trung huy động nguồn lực giải phóng mặt bằng các tuyến giao thông trọng điểm qua địa bàn như: Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn huyện, Hương lộ 10 kéo dài, mở rộng Quốc lộ 56…

Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực trong nhân dân thực hiện bê tông và nhựa hóa các tuyến đường, điện thắp sáng, kênh mương nội đồng đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản, hàng hóa. Về phía huyện, trong giai đoạn tới, huyện sẽ tính toán đầu tư nhiều tuyến đường kết nối các xã, vùng sản xuất nông nghiệp với các đường chính và cao tốc, các khu công nghiệp mới; đầu tư các tuyến đường trọng điểm hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao; kêu gọi nhà đầu tư triển khai hạ tầng cho các khu, cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch

Nguồn: Báo Đồng Nai

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:28746
Lượt truy cập: 176.985.745

 

EMC Đã kết nối EMC