Theo ông Nguyễn Quang Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện, giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới, sau khi chia tách và thành lập huyện Nậm Nhùn còn gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn xa, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là các tuyến đường từ huyện tới xã và hệ thống giao thông nông thôn.
Trở lại Nậm Nhùn vào những ngày cuối tháng 6 vừa qua, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay về diện mạo của các vùng quê nơi đây. Rõ nét nhất phải kể đến sự thay đổi ở các tuyến đường giao thông nông thôn. Hình ảnh những con đường mòn đến những con đường đất lầy lội không còn nữa, thay vào đó là những tuyến đường được bê tông hóa, nhựa hóa thuận tiện cho việc đi lại, giao thương của Nhân dân.
Công nhân Công ty TNHH Phú Hưng (thành phố Lai Châu) thi công nâng cấp tuyến đường Noong Kiêng – Nậm Cầy có tổng chiều dài 4km, được khởi công vào tháng 3/2020 với tổng vốn đầu tư 6,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 30a.
Anh Ngô Hồng Kiên – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng cho biết: Những năm gần đây, hệ thống giao thông nông thôn của huyện đã có nhiều khởi sắc. Ngay cả những xã khó khăn như Nậm Pì, Nậm Chà, Nậm Ban cũng có những đổi thay nhất định. Khi mới thành lập huyện, 3 xã này vẫn chưa có đường ô tô đến trung tâm xã. Đặc biệt, đường vào trung tâm xã Nậm Ban chỉ là đường dân sinh, lầy lội, mỗi khi mưa xuống rất khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm" huyện Nậm Nhùn đã huy động sự đóng góp của Nhân dân để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn. Ngoài nguồn vốn của tỉnh và Trương ương, huyện đã huy động các nguồn vốn 30a, 135CP, chương trình nông thôn mới, đề án 3 dân tộc… vào phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn. Đến nay, 10/10 xã trong huyện đã có đường ôtô đến trung tâm. Hơn 110km đường huyện đã được cứng hóa, đạt hơn 99% kế hoạch. Hơn 94% số bản có đường xe máy đi lại thuận lợi, trong đó có nhiều tuyến đường nội bản đã được cứng hóa.
Để đạt được những kết quả đó, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển giao thông nông thôn. Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn phối hợp khảo sát, rà soát, lựa chọn, đưa vào danh mục những tuyến đường cần ưu tiên đầu tư xây dựng trước, đảm bảo phát huy hiệu quả sử dụng. Trên cơ sở thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án của Nhà nước, huyện tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông nông thôn và các công trình thiết yếu khác. Không chỉ dừng ở đó, huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Thông qua công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng Nhân dân thấy được lợi ích khi xây dựng công trình giao thông, người dân các xã, bản hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng, từ đó tích cực tham gia. Tính từ năm 2013 - 2019, người dân toàn huyện đã đóng góp hơn 58 nghìn ngày công lao động và hơn 11 nghìn mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn.
Trao đổi thêm về kinh nghiệm của huyện Nậm Nhùn trong phát triển giao thông nông thôn, ông Nguyễn Quang Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Điều thuận lợi đối với huyện là các đồng chí lãnh đạo huyện cũng như các ban, ngành đoàn thể huyện và 11 xã, thị trấn xác định rõ: Giao thông vận tải là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, đã đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó chú trọng phát triển giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, huyện tăng cường chỉ đạo các đơn vị rà soát các điểm yếu về kết cấu hạ tầng giao thông, nên có những định hướng đúng đắn, tập trung xây dựng các công trình trọng điểm, tháo gỡ khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, tranh thủ nguồn vốn của Chính phủ và nguồn nội lực trong Nhân dân. Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng hoàn thiện, phát triển. Đến nay, hơn 97% số bản có đường xe máy đi lại thuận lợi, trong đó đường nội bản được cứng hóa đạt hơn 63%.
Giao thông nông thôn được nối liền, giao thương thuận tiện, tạo thêm nhiều việc làm mới, giải quyết được vấn đề lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Với sự đầu tư và định hướng của huyện, nhân dân các xã, bản đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.