Tổng kết Dự án hỗ trợ kỹ thuật kỹ thuật xây dựng hệ thống thống kê vận tải và logistics tại Việt Nam

Thứ ba, 30/06/2020 14:42

Sáng 30/6, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng hệ thống thống kê vận tải và logistic tại Việt Nam. Đây là Dự án với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), do Bộ GTVT chỉ đạo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT phối hợp với Diễn đàn GTVT quốc tế (ITF) thuộc OECD xây dựng Hệ thống thống kê vận tải và logistic tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT phát biểu tại Hội thảo 

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, Dự án hỗ trợ kỹ thuật kỹ thuật xây dựng hệ thống thống kê vận tải và logistics tại Việt Nam đã xây dựng được Bộ chỉ số về logistics, về năng suất logistics, bao gồm cả phương pháp điều tra, thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu.

“Bộ chỉ số này được tham chiếu Chỉ số năng lực logistics (LPI) của WB. Bộ chỉ số của WB được điều tra, đánh giá trên cơ sở đánh giá của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logisitics. Còn với Bộ chỉ số mà chúng tôi xây dựng dựa trên đánh giá của các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bán buôn, tức là các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics. Đây là sự khác biệt, là điểm mới, là chỉ số hỗ trợ rất tốt cho chỉ số LPI, để chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về logistics Việt Nam” - bà Nguyễn Thị Phương Hiền cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Hiền, trên cơ sở của Bộ chỉ số về logistics, đơn vị đã tiến hành cuộc điều tra, khảo sát doanh nghiệp trên toàn quốc. Sau đó xây dựng Bộ chỉ số năng lực logistics Việt Nam; đồng thời xây dựng được ma trận O-D về luồng hàng hóa trên toàn quốc, chia theo 26 mặt hàng chính, với các điểm đi - điểm đến là 63 tỉnh, thành phố và các cửa khẩu đường bộ, hàng không…

“Đây chính là cơ sở quan trọng để hoạch định các quy hoạch, các kế hoạch để phát triển hạ tầng logistics, hạ tầng GTVT. Trước đây, để làm quy hoạch, chúng tôi phải thực hiện điều tra bằng cách “đổ quân” ra đường đếm xe, phỏng vấn người điều khiển phương tiện, phỏng vấn hành khách, chủ hàng… Nhưng với phương thức mới này có thể xác định luồng hàng hóa trên cơ sở sử dụng số liệu của Tổng cục Hải quan về luồng hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là trên hành lang Bắc - Nam ra các cửa khẩu chính đối với 10 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng trên 70% kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam. Cùng đó là xác định luồng hàng hóa trên cơ sở kết quả điều tra về luồng hàng của các doanh nghiệp bán buôn và doanh nghiệp sản xuất” - bà Nguyễn Thị Phương Hiền nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền cũng cho biết, đơn vị đã thực hiện được cuộc điều tra chuyên sâu đối với hai chuỗi cung ứng là dệt may và hàng thủy sản đông lạnh. Thông qua đó đã rút ra được một số phát hiện, đề xuất về hoạch định chính sách để có thể cải thiện năng lực logistics đối với hai chuỗi cung ứng quan trọng này. Bên cạnh những điều tra chuyên sâu về logistics, đơn vị đã làm việc với các Tổng cục, Cục chuyên ngành của Bộ GTVT để tập hợp, thực hiện niên giám thống kê về GTVT bao gồm 3 phần, đó là kết cấu hạ tầng, vận tải và phương tiện.

Toàn cảnh Hội thảo tổng kết Dự án hỗ trợ kỹ thuật kỹ thuật

xây dựng hệ thống thống kê vận tải và logistics tại Việt Nam

PGS, TS. Trịnh Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương khẳng định: “Đây là một trong số ít các nghiên cứu có giá trị khoa học, giá trị thực tiễn và độ tin cậy cao. Dữ liệu về cơ sở hạ tầng thì không quá khó khăn để tìm được nhưng thống kê về logistics thì chưa một cơ quan, ban ngành nào của Việt Nam đưa ra. Vì thế, “Niên giám thống kê vận tải và logistics 2018” đã đáp ứng được mong muốn này. Đây sẽ là tài liệu tham khảo rất hữu ích cho cá nhân tôi và các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách…”.

* Dự án Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng hệ thống thống kê vận tải và logistics tại Việt Nam do WB tài trợ, Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT là chủ dự án, Ban Quản lý dự án 2 là cơ quan quản lý dự án. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và WB đã ký Hiệp định viện trợ không hoàn lại ngày 26/9/2017; thời gian thực hiện dự án 2017 - 2019. Ngày 26/9/2019, WB đã đồng ý gia hạn Hiệp định đến 30/6/2020.

Dự án được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 08/12/2016; phê duyệt điều chỉnh Dự án ngày 28/5/2018 và ngày 12/9/2019 của Bộ GTVT. Tổng mức đầu tư của dự án là 11,810 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại là 11,310 tỷ đồng (tương đương 498.460 USD) và vốn đối ứng là 500 triệu đồng.

Mục tiêu dự án nhằm tăng cường năng lực của Chính phủ trong công tác quy hoạch, chiến lược, ra quyết định; hoạch định, giám sát việc thực hiện chính sách phát triển thể chế logistics, thông qua xây dựng hệ thống quốc gia về thu thập, xử lý và phát hành thống kê logistics hàng năm tại Việt Nam.

Dự án gồm có 04 hợp phần: Hợp phần 1, Xây dựng các chỉ tiêu logistics và phương pháp thu thập, xử lý và báo cáo hàng năm về số liệu vận tải và logistics; Hợp phần 2, Tổ chức khảo sát chuyên sâu để thu thập số liệu theo Sổ tay như hướng dẫn của Hợp phần 1; Hợp phần 3, Chuẩn bị và phát hành Niên giám thống kê vận tải và logistics năm 2018 và Hợp phần 4, Nâng cao năng lực cho Bộ GTVT.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Kết quả dự án: Xây dựng được Bộ chỉ tiêu, phương pháp thu thập, xử lý dữ liệu và xây dựng kiến trúc hệ thống thống kê vận tải và logistics. Các báo cáo Dự án gồm Niên giám thống kê vận tải và logistics năm 2018 và Sổ tay hướng dẫn thu thập, xử lý và các báo cáo kỹ thuật của Dự án. Tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn về cách thức xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê vận tải và logistics, bảng hỏi khảo sát doanh nghiệp và các báo cáo của Dự án. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về các chuyên đề logistics, khảo sát, phân tích, xử lý dữ liệu từ khảo sát doanh nghiệp…

Xuân Nguyên

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:267278
Lượt truy cập: 176.083.992