Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Đảm bảo giao thông an toàn thông suốt hệ thống quốc lộ
6 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã trình Quốc hội và báo cáo Bộ Chính trị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, theo hướng điều chỉnh hình thức đầu tư một số dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác đối tác công tư) có sử dụng một phần vốn đầu tư công sang sử dụng 100% vốn đầu tư công; đồng thời, tích cực chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường các giải pháp quản lý, bảo trì đường bộ nhằm đảm bảo giao thông an toàn thông suốt trên toàn bộ hệ thống quốc lộ; trong đó, về lĩnh vực đường bộ, ngành GTGT đã và đang xử lý 28 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Sơn kẻ 82km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 564 biển báo, sửa chữa, bổ sung 32km hộ lan tôn sóng. Về lĩnh vực đường sắt, các đơn vị đã thực hiện xóa bỏ 21 lối đi tự mở; xây gờ, gồ giảm tốc tại 46 vị trí; thu hẹp 20 lối đi tự mở; giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tại 49 vị trí. Về lĩnh vực đường thủy nội địa, ngành đang triển khai phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp tuyến vận tải Chợ Đệm - Bến Lức; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải thủy Ninh Bình - Thanh Hóa. Về lĩnh vực hàng hải, đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự án đầu tư xây dựng công trình nạo vét luồng hàng hải Phan Thiết; đang triển khai lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình các đèn biển…
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị, triển khai các dự án trọng điểm của ngành GTVT cũng được tập trung chỉ đạo, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bám sát kế hoạch đề ra, đặc biệt là công tác triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành, mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất; cải tạo đường cất/hạ cánh, đường lăn CHK quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; thu phí không dừng...
Đặc biệt, năm 2020, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (QLDA), đăng ký kế hoạch khởi công 25 công trình, dự án và hoàn thành đưa vào khai thác 31 công trình, dự án. 6 tháng đầu năm 2020, các chủ đầu tư, ban QLDA đã hoàn chỉnh các thủ tục khởi công 11 dự án. Ngoài các dự án đã được triển khai trước đó như: Dự án nâng cấp quốc lộ (QL) 57, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Bến Nước, cầu Suối Cóc và phần đường dẫn hai đầu cầu thuộc đường Hồ Chí Minh qua Tuyên Quang; dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội – Vinh; dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn…, ngày 29/6/2020, Bộ GTVT cũng đã khởi công 2 dự án đường lăn sân bay của CHK Nội Bài, Tân Sơn Nhất theo lệnh khẩn cấp…
7 dự án được tập trung thi công và đưa vào khai thác trong 6 tháng đầu năm gồm: tuyến tránh quốc lộ (QL) 1 đoạn qua TP. Tân An; dự án thành phần 2 thuộc dự án cầu Cổ Chiên, dự án cầu Thịnh Long, dự án nâng cấp QL 217; dự án cầu Sông Chùa; dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc; mở rộng đoạn Km1051+845 - Km1055+280 qua tỉnh Quảng Ngãi.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án
Cũng theo Bộ GTVT, dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2020, Bộ GTVT sẽ khởi công 7 dự án, trong đó có 3 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1; hoàn thành 25 dự án, trong đó có dự án trọng điểm như: cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh và đường lăn tại CHK quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Cả năm 2020, số dự án dự kiến khởi công là 18, ít hơn kế hoạch 7 dự án. Trong đó, 2 dự án là tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến nối QL91 với tuyến tránh TP. Long Xuyên chậm thủ tục, đến nay mới ký hiệp định vay vốn. 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP của dự án cao tốc Bắc - Nam phải điều chỉnh từ đấu thầu nhà đầu tư quốc tế sang đấu thầu nhà đầu tư trong nước.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, từ nay đến cuối năm, ngành GTVT sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án GTVT trọng điểm như: Dự án sân bay Long Thành; nhà ga T3; các dự án liên quan đến VEC; thu phí không dừng; tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Trong đó yếu tố chất lượng công trình, dự án sẽ phải đặt lên hàng đầu, bởi đây mới là uy tín của ngành GTVT.
Bên cạnh đó, ngành GTVT cũng sẽ tiếp tục tập trung vào công tác cải cách hành chính và thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất cũng như quy trình công tác để rút ngắn thời gian, giảm lưu lượng giao thông cũng như kinh phí cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào mọi khâu của ngành GTVT; …
Hiện tại, ngành GTVT đang trong giai đoạn khó khăn, đang phải xử lý nhiều tồn tại hàng chục năm trước. Một số dự án không đạt tiến độ như kỳ vọng. Nhiệm vụ được giao rất nặng nề, trong khi xã hội yêu cầu chất lượng phục vụ ngày một cao, nên mỗi cán bộ, mỗi người lao động cần cố gắng nỗ lực hơn nữa thì mới đạt được kết quả như mong muốn.