Những con đường được đổ bê tông trải dài, sạch đẹp, nối giữa những thôn, bản vùng sâu, vùng xa đã góp phần phát triển KT-XH và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Quản Bạ. Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM huyện Quản Bạ Bùi Văn Học cho biết: “Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn đã huy động được sự vào cuộc tích cực của người dân. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 9 buổi tuyên truyền cho 600 lượt người dân, huy động 3.565 công lao động làm đường giao thông. Năm nay, tổng nguồn vốn NTM được cấp là 67.821 triệu đồng, huyện đã giải ngân 1.949,1 triệu đồng để làm các công trình; trong đó, làm đường bê tông nông thôn. Nhờ các chính sách đúng đắn, người dân đồng tình ủng hộ, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn đã bê tông hóa được gần 60%”.
Bà con thôn Ma Sào Phố, xã Nghĩa Thuận làm đường bê tông nông thôn
Được đi trên con đường bê tông mới làm xong, nhân dân thôn Nà Sài, xã Đông Hà đều vui mừng, phấn khởi. Phó Bí thư Chi bộ thôn Nà Sài, Ly Mí Thề, chia sẻ: “Được sự quan tâm đầu tư của nhà nước hỗ trợ thôn trên 50 tấn xi măng làm đường giao thông. Ngay khi có chủ trương, thôn đã tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, mọi người đều hưởng ứng nhiệt tình, sẵn sàng đóng góp ngày công và tiền của. Tuyến đường dài 300 m, rộng 3 m được hoàn thiện, nâng tỷ lệ đường được bê tông hóa của thôn lên 90%”. Những tuyến đường bê tông được hoàn thành đã tạo diện mạo nông thôn mới khang trang, đẹp đẽ và phục vụ cho sinh hoạt của người dân.
Qua công tác tuyên truyền, mỗi người dân đều hiểu được quyền và trách nhiệm của bản thân, gia đình trong việc thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng NTM. 6 tháng đầu năm nay, huyện đã thực hiện được 4.588 m đường bê tông. Trưởng thôn Ma Sào Phố (xã Nghĩa Thuận), Hầu Sính Mua, chia sẻ: “Bà con rất vui mừng khi có đường bê tông đi lại thuận lợi, người dân cũng đã đổi mới tư duy làm ăn, phát triển kinh tế. Trước kia, việc đi lại khó khăn, mỗi lần chở nông sản đi bán rất vất vả, bây giờ nhiều hộ đã thử sức trong việc kinh doanh, buôn bán tổng hợp, góp vốn xây dựng các mô hình chăn nuôi kết hợp làm trang trại trồng cây ăn quả, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế”.
Phong trào làm đường bê tông nông thôn cũng đang được triển khai tại xã Cán Tỷ, Chủ tịch UBND xã, Nguyễn Duy Huân, cho biết: “Là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, nhiều thôn, bản trên núi cao, giao thông đi lại rất vất vả, chính vì vậy, lãnh đạo xã đã xác định, đường giao thông là điều kiện tiên quyết để phát triển KT-XH tại địa phương. Hằng năm, xã ưu tiên xin nguồn vốn hỗ trợ xi măng để bê tông hóa đường giao thông. Việc triển khai làm đường bê tông nông thôn cần có sự vào cuộc quyết liệt của địa phương; trong đó, công tác tuyên truyền, vận động và huy động sức dân là yếu tố quan trọng.
Bên cạnh thực hiện phong trào làm đường, chính quyền địa phương cũng chú trọng đến việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì các tuyến đường đã hoàn thành, góp phần kéo dài tuổi thọ công trình, nâng cao hiệu quả đầu tư và tiết kiệm nguồn lực cho xã hội.