Rốt ráo đẩy tiến độ các đại dự án giao thông

Thứ năm, 06/08/2020 11:17

Những chuyển động tích cực tại nhiều dự án lớn, trong đó có Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Bộ GTVT hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2020.

Sáng đèn suốt đêm

Nếu không có gì thay đổi, bắt đầu từ ngày 8/8/2020, các đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư 3 dự án thành phần Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vừa được Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây) sẽ đồng loạt phát hành hồ sơ mời thầu toàn bộ 13 gói thầu xây lắp tại các dự án này. Các gói thầu này sẽ được Bộ GTVT triển khai theo hình thức đấu thầu rộng rãi công khai trong nước, 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.

Ông Hồ Ngọc Loan, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, đơn vị quản lý Dự án thành phần xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 cho biết, cho đến sáng ngày 5/8, cả 5 gói thầu xây lắp đều đã được Bộ GTVT phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán chi phí xây dựng.

“Chúng tôi đang huy động toàn bộ nhân sự của Ban và đơn vị tư vấn làm ngày đêm để hoàn thiện hồ sơ mời thầu các gói thầu theo đúng yêu cầu của Bộ GTVT”, ông Loan cho biết.

Được biết, kể từ khi Quốc hội chính thức ban hành Nghị quyết số 117/QH/2020 ngày 19/6/2020, không chỉ Ban quản lý dự án Thăng Long, Ban quản lý dự án 7 - những đơn vị đang trực tiếp quản lý 3 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông chuyển đổi là đoạn Mai Sơn - Ọuốc Lộ 45; Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết... mà nhiều đơn vị tham mưu trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản khác thuộc Bộ GTVT đã làm việc không có ngày nghỉ cuối tuần để hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh; thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu.

Đây là những công việc rất phức tạp về trình tự thủ tục thường mất ít nhất 6-9 tháng để xử lý nay buộc phải hoàn thành chỉ trong vòng hơn 1 tháng.

Ông Trần Quang Tuyến, Phó Tổng giám đốc Công ty Xây dựng liên hợp Vạn Cường, một nhà thầu lớn, có kinh nghiệm tham gia nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn cũng rất ngạc nhiên với tiến độ triển khai 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chuyển đổi nói trên.

“Chúng tôi cũng chỉ dám kỳ vọng là sẽ nhận được thông báo mời thầu một vài gói thầu xây lắp vào tháng 9/2020. Việc Bộ GTVT phát hành ngay 13/13 gói thâu xây lắp tại 3 dự án với quy mô vốn lên tới hơn 20.000 tỷ đồng trong tháng 8/2020 sẽ là cú hích rất lớn cho thị trường xây dựng vốn ngủ đông từ nhiều năm nay”, ông Tuyến đánh giá.

Sự kỳ vọng của ông Tuyến là có cơ sở bởi với quy mô trung bình của một gói thầu xây lắp vào khoảng 1.500 tỷ đồng, nếu được triển khai đúng kế hoạch, 3 dự án sẽ tạo một khối lượng công ăn việc làm rất lớn cho cả chuỗi ngành xây dựng từ thi công xây lắp, khai thác cung ứng vật tư, vật liệu đến nhập khẩu máy móc thiết bị công trình.

Hiện áp lực đối với các đơn vị quản lý dự án vẫn còn rất lớn bởi ngay khi phát hành hồ sơ mời thầu, họ cũng chỉ còn khoảng hơn 1 tháng để hoàn tất công tác tuyển chọn nhà thầu, kịp khởi công những gói thầu đầu tiên trong tháng 9/2020 theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

“Chúng tôi được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và các đồng chí lãnh đạo Bộ được giao phụ trách yêu cầu phải tập trung nguồn nhân lực tốt nhất, với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao nhất nhằm rút ngắn tối đa thời gian đấu thầu”, một lãnh đạo Ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT cho biết.

Ngoài việc phải rút ngắn thời gian chọn thầu, công tác tổ chức đấu thầu cũng được lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một cách khách quan, minh bạch, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về Đấu thầu và các quy định pháp luật liên quan.

“Phải tổ chức tuyển chọn được các nhà thầu có năng lực tốt về nhân lực, trang thiết bị và tài chính, có kinh nghiệm để thi công dự án; đồng thời cũng phải lựa chọn được các Tư vấn giám sát đảm bảo năng lực, trách nhiệm cao nhằm đảm bảo công tác giám sát tiến độ của Dự án một cách chặt chẽ, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Đối với 5 dự án đường cao tốc Bắc - Nam triển khai theo hình thức PPP, hiện Bộ GTVT đã hoàn thành sơ tuyển và phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư của 5/5 dự án cuối tháng 7/2020 (tính đến nay đã có 14/16 Nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển mua Hồ sơ). Dự kiến tháng 12/2020 lựa chọn xong nhà đầu tư và khởi công các dự án đầu năm 2021.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác GPMB, đến nay công tác GPMB của 11 dự án thành phần đã bàn giao 569,9/653,61km (đạt 87,3%), dự kiến hoàn thành trong đầu quý IV/2020.

Do Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua 13 tỉnh nên việc xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật của các địa phương gặp nhiều khó khăn. Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đơn vị có liên quan bám công trường, bám địa bàn để xử lý dứt điểm các vướng mắc, kịp bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư và các đơn vị thi công.

“Phải tổ chức tuyển chọn được các nha thầu có năng lực tốt về nhân lực, trang thiết bị và tài chính, có kinh nghiệm để thi công dự án; đồng thời cũng phải lựa chọn được các Tư vấn giám sát đảm bảo năng lực, trách nhiệm cao nhằm đảm bảo công tác giám sát tiến độ của Dự án một cách chặt chẽ, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn thể nói.

Khơi thông đồng vốn giải ngân

Không chỉ các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm do Bộ GTVT quản lý cũng đang có những chuyển động rất tích cực.

Từ khoảng 3 tháng nay - ngay khi đợt giãn cách xã hội vì Covid - 19 kết thúc, trừ một bộ phận nhỏ nhân sự làm công tác nội nghiệp, phần lớn cán bộ, kỹ sư tinh nhuệ nhất đã được Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đưa vào công trường Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn trực tiếp tháo gỡ vướng mắc cho các nhà thầu.

Chính thức khởi công gói thầu đầu tiên vào tháng 9/2019 nhưng cũng phải đến đầu quý II/2020, toàn bộ 11 gói thầu xây lắp thuộc Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng mức đầu tư 7.699 tỷ đồng sử dụng vốn ngân sách mới được triển khai đồng loạt. Như thông lệ, đây thường là quãng thời gian chạy rốt đa, cả chủ đầu tư và nhà thầu vẫn còn nhẩn nha để huy động máy móc, nhân sự đến công trường. Tuy nhiên, với tư cách là một trong những “mỏ vàng” giải ngân của toàn ngành Giao thông, Dự án đã được lệnh thốc ngay từ đầu với mục tiêu trong năm 2020 phải giải ngân tối thiểu 1.500 tỷ đồng.

Ngoài việc bám công trường, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thi công, Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn còn được đại diện chủ đầu tư áp dụng mô hình quản lý, giám sát tiến độ, các công tác triển khai bằng công nghệ camera, flycam... để theo sát mọi diễn biến thực tế trên công trường.

Cho đến giữa tháng 7/2020, sau khi đã dồn sức, huy động tổng lực, Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã giải ngân được 900 tỷ đồng, có khả năng cao để hoàn tất mục tiêu giải ngân được Bộ GTVT ấn định dù chỉ còn thi công rầm rộ thêm 1- 2 tháng nữa khi mùa mưa bão bắt đầu.

“Với cách làm tương tự nhưng ở một số công trình khác, trong năm 2020, chúng tôi hy vọng có thể giải ngân được khoảng 3.500 tỷ đồng vốn đầu tư công, vượt một chút kế hoạch đầu tư công được giao hồi đầu năm”, ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết.

Tại Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai III – TP. Hà Nội tại Ban quản lý dự án Thăng Long - một trong những công trình giao thông trọng điểm do Bộ GTVT triển khai cũng đang được các nhà thầu Việt Nam, Nhật Bản khẩn trương hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để có thể thông xe vào tháng 10/2020.

Nếu hoàn thành đúng tiến độ, Dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ sớm phát huy hiệu quả đầu tư do đây là công trình có tầm quan trọng đặc biệt trong mạng lưới giao thông TP. Hà Nội khi không chỉ góp phần hoàn thiện đường vành đai III phía Bắc, giảm ách tắc giao thông cho các tuyến từ nội thành đến sân bay Nội Bài mà còn còn phục vụ phát triển đô thị Hà Nội lên phía Bắc, giãn mật độ dân cư trong nội đô.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, từ đầu năm 2020, Bộ GTVT đã nghiêm túc thực hiện và đề ra nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt các dự án đầu tư công quy mô lớn với trọng tâm là: cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; tăng cường trách nhiệm các cơ quan tham mưu, quy định cụ thể thời gian xử lý thủ tục phê duyệt, thủ tục thanh toán; tăng cường kiểm tra hiện trường để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác GPMB; chủ động điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn năm giữa các dự án.

“Các chủ đầu tư được yêu cầu rà soát, xây dựng quy định trình tự, thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ thanh toán nội bộ tại đơn vị, đảm bảo rút ngắn thời gian xử lý và phù hợp với các quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm cán bộ, phòng, ban không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán. Thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định”, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu.

Nhờ triển khai một loạt các giải pháp quyết liệt nói trên, kết quả giải ngân kế hoạch của Bộ GTVT đến nay đã có chuyển biến tích cực, công tác kế hoạch dần đi vào nề nếp và đạt được một số kết quả khả quan.

Bố trí kế hoạch và giải ngân các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông

Thực hiện Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội, các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, phía Đông đã được Thủ tưởng Chính phủ giao 49.500 tỷ đồng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Đến nay, theo tiến độ triển khai, các dự án đã được bố trí kế hoạch các năm 2018, 2019, 2020 được 16.357 tỷ đồng (142 tỷ đồng KH2018, 7.472 tỷ đồng KH2019, 8.743 tỷ đồng KH2020).

Trong đó, riêng năm 2020 cần giải ngân 9.368 tỷ đồng (8.743 tỷ đồng KH năm, 625 tỷ đồng KH kéo dài); đến nay đã giải ngân 4.806 tỷ đồng, đạt 51,3%; số vốn còn lại 4.562 tỷ đồng sẽ được giải ngân hết trong các tháng cuối năm 2020.

Cho đến hết tháng 7/2020, bằng rất nhiều giải pháp quyết liệt, bám sát công trường, Bộ GTVT với tư cách là một trong những đầu tàu giải ngân lớn nhất cả nước giải ngân được 42% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, nằm trong top 10 bộ, ngành và địa phương có kết quả giải ngân tốt nhất cả nước.

Được biết, trong các tháng cuối năm 2020, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch năm 2020. Cụ thể, Bộ đã chỉ đạo các Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn; thủ tục điều chỉnh thiết kế, dự toán; thủ tục quyết toán các dự án; thúc đẩy tiến độ, chất lượng thi công công trình...; trên cơ sở đó rà soát, điều chỉnh kế hoạch giải ngân chi tiết hàng tháng từ nay tới cuối năm của từng dự án, từng chủ đầu tư để đảm bảo khả thi, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.

Đặc biệt, theo Quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 mới có hiệu lực và thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ GTVT đã chủ động cắt, chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ thực hiện tốt; hiện Bộ đã thực hiện điều hòa điều chỉnh kế hoạch đợt đầu tiên cho 12 dự án, với tổng giá trị vốn điều hòa 679 tỷ đồng.

“Trong tháng các tháng tới, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục điều chỉnh kế hoạch đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc điều chỉnh kế hoạch đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch được giao”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Ngoài quyết tâm và nỗ lực của Bộ GTVT, còn nhiêu yếu tố khách quan rất cần Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo giải quyết; đặc biệt là đối với công tác GPMB của các dự án lớn như đường bộ cao tốc Bắc-Nam, một số dự án ODA, thủ tục giải ngân cho các dự án BT, dự án đường bộ cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và các thủ tục liên quan điều chỉnh kế hoạch trung hạn, kéo dài thời gian thực hiện giải ngân đối với nguồn vốn kéo dài, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án ODA... để tạo điều kiện cho Bộ hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguồn: https://baodautu.vn/

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:162797
Lượt truy cập: 176.066.042