Chủ động phòng ngừa, tăng cường giải pháp
Bắc Ninh có hơn 120km đường thủy (với 3 tuyến sông chính chảy qua là sông Cầu, sông Đuống và sông Thái Bình). Hiện, trên các tuyến sông này đang có khoảng 37 bến đò ngang sông và hàng chục cảng, bến thủy nội địa hoạt động tấp nập hàng ngày. Vì thế việc bảo đảm ATGT đường thủy nội địa, đặc biệt trong mùa mưa bão luôn là vấn đề cấp bách, được các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm, chỉ đạo.
Trao đổi về công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy trong mùa mưa bão, ông Phạm Hồng Minh, Phó Giám đốc Đoạn Quản lý Đường thủy Nội địa (QLĐTNĐ) số 4 cho biết: “Phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm ATGT trên tuyến đường thủy nội địa là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của đơn vị. Trước mỗi mùa mưa bão, Đoạn QLĐTNĐ số 4 đều quán triệt đến các trạm QLĐTNĐ trực thuộc, chủ động phòng ngừa, tích cực tuyên truyền và thực hiện triệt để phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) làm nòng cốt trong việc phòng chống bão, lũ. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với lực lượng chức năng, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông ĐTNĐ cũng như các biện pháp phòng, chống bão lũ đến các tầng lớp nhân dân, đồng thời thông báo các khu vực neo đậu tránh trú bão trên các tuyến sông đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm nghề vận tải thủy biết để kịp thời điều động phương tiện vào nơi tránh trú bão, lũ an toàn và thuận lợi”.
Đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT tỉnh) kiểm tra hoạt động bảo đảm ATGT
tại Công ty cổ phần khai thác cảng ICD (Đức Long, Quế Võ).
Đầu tháng 7, dưới cái nắng gay gắt như đổ lửa, Trạm phó Trạm Quản lý Đường thủy nội địa Minh Đạo (Tiên Du) Nguyễn Văn Vịnh đưa chúng tôi đi kiểm tra hoạt động phòng, chống va đập, bảo đảm an toàn trên tuyến sông Đuống (từ km 25- 48). Với thâm niên gần 20 năm trong nghề, anh Vịnh tỏ rõ kinh nghiệp khi nắm vững từng đoạn nông, sâu, hay luồng nước lên xuống trên tuyến mình quản lý. Đến mỗi khúc sông, chỉ cần nhìn qua anh có thể đoán được các thông số về mực nước, dòng chảy một cách tường tận. Vừa đi, anh vừa nói: Thời điểm này chưa có mưa lớn nên lưu lượng nước vẫn nằm trong giới hạn an toàn, nhưng chỉ vài tuần nữa thôi, khi mùa mưa bắt đầu, nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước tăng, dòng chảy mạnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều tiết giao thông, nhất là trên những công trình đang thi công hay “điểm đen” TNGT... trên các tuyến sông. Vì thế việc cảnh báo, dẫn tầu thuyền qua lại an toàn trong mùa mưa bão là hết sức cần thiết.
Tại công trường xây dựng cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành. Nhìn từ trên đê, những trụ nối nhịp đang vươn mình sừng sững ra giữa dòng sông. Bất chấp cái nắng cháy da, cháy thịt, hàng ngày vẫn có hàng chục công nhân hăng say bám trụ. Dù dưới chân họ tiếng động cơ, tiếng còi hú của tầu thuyền qua lại nhộn nhịp, song họ vẫn cần mẫn, chú tâm vào công việc. Ông Nguyễn Văn Thống, Chỉ huy trưởng Chốt điều tiết giao thông cho biết: Mỗi ngày ở đây đều có hơn trăm tầu, thuyền trọng tải lớn qua lại. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh nên nhiệm vụ bảo đảm lưu thông an toàn thông suốt được đặt lên hàng đầu. Với phương châm “Không lơ là, chủ quan, luôn luôn chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống nên dù lực lượng mỏng, song chúng tôi vẫn bố trí gác trực, cảnh báo từ xa cho các tầu, thuyền lưu thông qua đây an toàn 24/24h”.
Xuôi theo dòng sông Đuống, kíp tuần tra của Đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT tỉnh) do Thiếu tá Hoàng Việt Hùng phụ trách dẫn chúng tôi đi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn của các cảng, bến bãi dọc tuyến sông Đuống. Qua kiểm tra, nắm bắt thì đa số các cảng, bến bãi đều tuân thủ nghiêm qui định, đặc biệt không khai thác, vận hành trong mùa mưa bão. Dừng chân tại Công ty Cổ phần khai thác cảng ICD (Đức Long, Quế Võ), chúng tôi được Trung tá Trần Văn Cường, Giám đốc Công ty chia sẻ: Dù phải đến cuối tháng 10, chúng tôi mới bắt đầu vận hành khai thác mặt nước, nhưng hiện tại Công ty đã triển khai đầy đủ các hạng mục kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối khi vận hành. Theo thiết kế, cảng chúng tôi có thể tiếp nhận các tầu có tải trọng gần 4 nghìn tấn ra vào. Vì thế toàn bộ khu vực lòng sông đều đã được khơi thông, nạo vét, bề mặt được kè đá và đổ bê tông; hệ thống phao, đèn tín hiệu cảnh báo, trục cẩu đều được lắp đặt đúng qui trình, qui định…
Giao thông đường thủy còn nhiều bất cập
Nói về những bất cập trong công tác tổ chức giao thông đường thủy, ông Phạm Hồng Minh, Phó Giám đốc Đoạn Quản lý Đường thủy Nội địa (QLĐTNĐ) số 4 khẳng định: Qua thực tế kiểm tra, rà soát công tác tổ chức giao thông trên các tuyến sông trong thời gian qua, đơn vị nhận thấy vẫn còn một số bất cập, thiếu sót cần khắc phục. Điển hình như trên một số đoạn của sông Cầu, tắc luồng chạy tàu chỉ cho phép các phương tiện có mớn nước đến 1,5m. Nhưng thực tế, rất nhiều phương tiện có mớn nước trên 2,0m đi lại nên những lúc nước xuống thấp gây ách tắc làm cản trở giao thông.
Đoạn cầu Hồ (sông Đuống) do kết cấu lòng sông hẹp (như nút cổ chai), hai bên đều được kè đá nên mỗi khi nước dâng cao sẽ khiến dòng chảy xiết, tạo ra những vùng xoáy ngầm. Vì thế khi các tầu thuyền qua lại nếu không có kinh nghiệm rất dễ đâm, va chạm vào trụ cầu, hay va vào nhau. Còn tại gầm cầu Thị Cầu (sông Cầu) lại có khoảng không tĩnh giữa mặt nước và gầm cầu quá thấp, khi nước dâng cao sẽ khiến một số tầu thuyền trọng tải lớn không thể qua lại được. Nếu không được cảnh báo sớm, các tầu thuyền khi qua đây rất dễ gây TNGT.
Mặt khác, việc quản lý và quy hoạch các bến bãi vật liệu xây dựng, các khu vực khai thác cát, sỏi của các địa phương còn nhiều bất cập; phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép, đậu đỗ lấn chiếm luồng chạy tàu cũng như đặt lồng thả cá dưới lòng sông còn diễn ra khá phổ biến… Những việc làm này không chỉ gây cản trở giao thông, tăng nguy cơ tai nạn mà còn phá vỡ quy luật của dòng chảy, gây sạt lở, đổ, gãy mất báo hiệu và gây ô nhiễm môi trường... Đáng nói là vẫn còn phương tiện kém chất lượng, thiếu trang thiết bị an toàn (cứu sinh, cứu đắm, phòng chống cháy nổ)... thậm chí người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, không đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn tham gia điều khiển phương tiện, dẫn đến mất an toàn về giao thông ĐTNĐ…
Vì bình yên sông nước
Để công tác bảo đảm ATGT đường thủy được bảo đảm, nhất là trong mùa mưa bão có hiệu quả, theo Thiếu tá Nguyễn Văn Quang, Đội trưởng đội CSGT đường thủy thì ngoài việc tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền các kiến thức về phòng chống bão lũ, Luật Giao thông đường thủy tới mọi tầng lớp nhân dân.
Các trạm QLĐTNĐ cần chủ động nắm vững luồng lạch, điều chỉnh báo hiệu cho phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là tại các khu vực giao thông trọng điểm, các cầu vượt sông xung yếu như cầu Thị Cầu, cầu Như Nguyệt và cầu Hồ. Khi có chiều cao tĩnh không và chiều rộng khoang thông thuyền hẹp, không bảo đảm an toàn cho phương tiện hoặc đoàn phương tiện qua cầu thì phải triển khai đầy đủ hệ thống báo hiệu chỉ dẫn và thường xuyên điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến của mực nước lũ để các phương tiện nắm khi điều động phương tiện qua cầu an toàn, tránh được các sự cố va chạm vào trụ cầu, hoặc mắc kẹt dưới cầu.
Ban ATGT tỉnh tích cực tuyên truyền về các cuộc vận động xây dựng bến đò văn hóa như: “Bến đò văn hóa - an toàn”, “Đoạn sông tự quản an toàn”, “Bến đò kiểu mẫu”, “Người đi đò mặc áo phao”… Đặc biệt, đẩy mạnh Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” nhằm từng bước xây dựng đội ngũ những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ có trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ nội địa.