Thứ trưởng - Tổng thư ký IMO Việt Nam Nguyễn Văn Công đánh giá cao kết quả
Văn phòng thường trực Ban Thư ký IMO Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng thư ký IMO Việt Nam Nguyễn Văn Công đánh giá cao kết quả Văn phòng thường trực Ban Thư ký IMO Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
“Văn phòng thường trực Ban Thư ký IMO Việt Nam đã tham mưu kịp thời để Việt Nam tham gia vào những công ước cần thiết, triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công ước của IMO, đặc biệt là sự phối hợp trong xây dựng văn bản QPPL, “nội luật hóa” công ước IMO để quy định pháp luật đi vào cuộc sống hiệu quả nhất”, Thứ trưởng đánh giá.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, hiện việc đào tạo lực lượng chuyên gia thông hiểu pháp luật quốc tế, am hiểu lĩnh vực hàng hải để tham gia các cuộc họp của IMO và các tổ chức trực thuộc IMO còn hạn chế. Việt Nam chưa thực sự chủ động tham gia vào các tổ chức thuộc IMO và chưa có tiếng nói mạnh mẽ.
“Vì vậy, Văn phòng thường trực IMO Việt Nam cần chủ động nghiên cứu, đưa ra chương trình đào tạo đề xuất Bộ GTVT và các cấp có thẩm quyền nhằm đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi ngoại ngữ, nắm chắc chuyên môn tham gia các cuộc họp của IMO, tham gia vào các văn kiện, báo cáo, công ước của IMO, tiến tới mục tiêu cử cán bộ có mặt trực tiếp, tham gia với tư cách là đại diện Việt Nam tại IMO hoặc thông qua Đại sứ quán tại Vương quốc Anh để nâng cao vị thế, tiếng nói của Việt Nam trong tổ chức quan trọng này”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu.
Đối với 8 phát hiện của Đoàn đánh giá IMO trong năm 2019, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cũng đề nghị Văn phòng thường trực IMO Việt Nam tiếp tục tham mưu công tác triển khai khắc phục, trong đó, đặc biệt lưu ý đến phương tiện thủy nội địa, tàu cá; Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời phổ biến những quy định quan trọng, đảm bảo hoạt động trong lĩnh vực hàng hải diễn ra thuận lợi, hiệu quả.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Phó Tổng Thư ký IMO VN Lê Tuấn Anh đề nghị tái khởi động
Đề án chiến lược đưa Việt Nam tham gia nhóm C Đại hội đồng IMO
Tham luận tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế kiêm Phó Tổng Thư ký IMO Việt Nam Lê Tuấn Anh cũng cho rằng, 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã tích cực tham gia hầu hết các cuộc họp của Ủy ban, tiểu ủy ban thuộc IMO. Tuy vậy, sự đóng góp của Việt Nam trong Tổ chức IMO, trong khu vực và trên thế giới đối với lĩnh vực hàng hải còn hạn chế chưa thể hiện được vai trò và hình ảnh của mình. Tại các cuộc họp ngoài báo cáo của trưởng đoàn, Việt Nam vẫn chưa có những thảo luận chuyên sâu.
“Trên cơ sở đó, thời gian tới, Việt Nam phải có phương án cử cán bộ theo dõi các cuộc họp của IMO để nắm bắt thông tin, kịp thời có đóng góp xây dựng, góp ý kiến/đề xuất đối với quy định mới hoặc sửa đổi của IMO; Đồng thời tái khởi động Đề án chiến lược đưa Việt Nam tham gia nhóm C Đại hội đồng IMO để tăng năng lực, vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam”, ông Lê Tuấn Anh đề xuất.
Trước đó, Trưởng Văn phòng IMO Việt Nam Trần Thị Tuyết Mai Anh cho biết, thời gian qua, văn phòng thường trực của Ban Thư ký IMO Việt Nam đã luôn duy trì tuyên truyền, phổ biến các văn kiện, tài liệu do Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) phát hành, các kết luận, nghị quyết cuộc họp, kỳ họp của IMO tới cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hàng hải. Đặc biệt, đã kịp thời thông báo các thông tri IMO về các khuyến nghị liên quan đến ứng phó đại dịch Covid-19. Đồng thời, triển khai thực hiện các quy định mới của IMO áp dụng cho tàu biển, công trình biển như: Công ước quốc tế về Kiểm soát các hệ thống chống hà độc hại của tàu, Công ước Quản lý nước dằn, Công ước về tái sinh tàu, thu thập và báo cáo dữ liệu tiêu thụ/sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh 0,50%…
“Văn phòng thường trực IMO VN cũng đã triển khai 3 nhiệm vụ môi trường, bao gồm: Đánh giá ảnh hưởng của hoạt động cảng biển nhóm 5 đến môi trường; Khảo sát, đánh giá, xây dựng lộ trình quốc gia về giảm phát thải khí thải từ hoạt động tàu biển; Khảo sát, đánh giá hiện trạng, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với công tác vận chuyển hàng nguy hiểm bằng tàu biển.
Thời gian qua, Ban Thư ký IMO VN cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất thiết lập vùng biển đặc biệt nhạy cảm tại Việt Nam và làm thủ tục gửi IMO thẩm định, công bố theo quy định trong năm 2020; Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống thu gom, tiếp nhận và xử lý chất thải từ tàu biển tại cảng biển”, bà Trần Thị Tuyết Mai Anh cho biết.
Tuy nhiên, trong tháng 1/2019, nhóm công tác của IMO đã đến Việt Nam đánh giá việc thực hiện các Công ước của IMO mà Việt Nam là thành viên, trong đó, Đoàn đã có 8 phát hiện mà Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo quy định, kế hoạch hành động khắc phục các phát hiện này sẽ được Việt Nam thực hiện, hoàn thành trong 3 năm kể từ khi Đoàn công tác của IMO đánh giá Việt Nam.
H.N