Đề án số 3333 giúp Đảng bộ, chính quyền và
người dân xã Phú An Hòa hoàn thành công trình đưa vào sử dụng
Thúc đẩy xây dựng giao thông
Bối cảnh khó khăn không làm tỉnh “bó tay ngồi chờ”. Sáng kiến Đề án số 3333 của UBND tỉnh về xây dựng GTNT giai đoạn 2018 - 2020 (gọi tắt là Đề án số 3333) ra đời tháng 7-2018, nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng GTNT ở tỉnh cù lao.
Đề án số 3333 áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng GTNT bằng hình thức: “Nhà nước hỗ trợ vật liệu để xây dựng mặt đường (bao gồm lớp móng cấp phối đá dăm và lớp bê-tông). Phần nhân công, máy thi công và nền hạ giao cho cộng đồng dân cư hưởng lợi trực tiếp từ công trình tự vận động thực hiện”. Mục tiêu của đề án là huy động sức dân đồng hành cùng tỉnh trong thực hiện bê-tông 132,5km đường GTNT. Khi áp dụng cơ chế đặc thù, tỉnh chỉ hỗ trợ chỉ 209 tỷ đồng phần bê-tông mặt đường, phần chi phí san lấp mặt bằng, gia cố nền hạ do người dân đóng góp thực hiện.
Qua 2 năm thực hiện Đề án số 3333, huyện Châu Thành nổi bật với thành tích “Huyện tranh thủ được nguồn vốn 42,7 tỷ đồng để bê tông hóa 37km đường, với tổng số công trình được hỗ trợ 22/81 công trình”, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho biết.
Sở Giao thông vận tải khi vận hành Đề án số 3333 có đưa ra quan điểm, nguồn vốn đề án sẽ được điều chuyển từ những công trình không đảm bảo tiến độ thi công nền hạ sang cho những công trình chính quyền và người dân đã làm sẵn nền hạ. Chính lợi thế cạnh tranh này đã đem lại động lực cho lãnh đạo huyện trong việc thúc bách tiến độ thực hiện nền hạ ở các xã. Nhờ đó, hàng trăm ngàn hộ dân ở 17 xã thuộc huyện Châu Thành được hưởng lợi ích từ 22 công trình GTNT này.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức cho biết: “Chỉ trong 2 năm triển khai Đề án số 3333, đến tháng 6-2020, tỉnh có tổng cộng 81 công trình GTNT (hầu hết là đường xã, cấp B - PV) thuộc Đề án số 3333 đã hoàn thành và đang thi công. Qua đó, giúp 69 xã khó khăn có đường bê-tông đạt chuẩn NTM với tổng chiều dài 131km, đạt 98,8% mục tiêu đề án đưa ra với tổng mức đầu tư khoảng 153 tỷ đồng, tiết kiệm cho ngân sách khoảng 56 tỷ đồng (so với con số khái toán của đề án là 209 tỷ đồng)”.
Vực dậy kinh tế nông thôn
Ông Bùi Văn Miêng - Chủ tịch UBND xã Phú An Hòa, huyện Châu Thành phấn khởi cho biết: “Hoàn thành được đường ĐX.02, ví như một kỳ tích trong lịch sử địa phương xã Phú An Hòa. Xây dựng 3,4km đường bê-tông, trong đó có 1,4km mở mới với kinh phí nhiều tỷ đồng là việc tưởng chừng không thể, nhưng nay chúng tôi đã hoàn thành. Chúng tôi biết ơn người dân của mình vô cùng, không có họ, xã chưa làm được tuyến đường chính này”.
Xây dựng đường ĐX.02 là mơ ước, khát khao nhiều năm qua của chính quyền và người dân xã Phú An Hòa do đây là một trong hai tuyến đường xương sống của Phú An Hòa. Đặc biệt, ĐX.02 còn nối xã với Khu công nghiệp (KCN) Giao Long - KCN lớn nhất tỉnh. Mở ra cơ hội buôn bán, phát triển dịch vụ thương mại, giao lưu hàng hóa cho người dân ấp Phước Hòa, một ấp thuộc “vùng trũng” và còn nhiều khó khăn ở Phú An Hòa. Khi Đề án số 3333 ra đời, chính quyền xã mạnh dạn bắt tay vào xây dựng tuyến đường ĐX.02.
ĐX.02 hay còn gọi là đường Giồng Da, ở Phú An Hòa, có chiều dài 3,4km, trong đó có 1,4km là tuyến đường mở mới. ĐX.02 cùng với quốc lộ 57B, đường huyện 04 là 3 tuyến đường quan trọng dẫn đến KCN Giao Long, nơi có khoảng 40 ngàn công nhân đang làm việc. Nhờ ĐX.02 được xây dựng ngay trước nhà, hàng trăm hộ dân mở ra các loại dịch vụ, buôn bán. “Mỗi ngày chị và cháu tôi có thêm thu nhập hơn 300 ngàn đồng chỉ trong 40 phút buổi sáng bán bánh mì và nước uống. Tôi thấy sinh khí người dân khu vực này ai cũng phấn khởi, mạnh dạn mua bán, kinh doanh”, chú Nguyễn Văn Phẩm, sinh năm 1961, ngụ Tổ nhân dân tự quản số 5, ấp Phước Hòa vui vẻ nói.
Được biết, chú Nguyễn Văn Phẩm đã hiến 150m2 đất mặt tiền và đóng gần 11 triệu đồng làm nền hạ đường ĐX.02. Để có tiền đóng (4 triệu đồng/công đất), chú phải huy động tiền bán bưởi để dành bấy lâu và vợ, con đang làm công nhân góp thêm. Chú Nguyễn Văn Phẩm là người dân có mặt suốt trong nhiều tháng thi công nền hạ. Chú Phẩm đã vận động con cháu, hàng xóm mua loại cống ly tâm có đường kính lớn, cho mượn ván cốt-pha để công trình thi công, thay vì trong thiết kế là cống nhỏ, loại thường, nhằm giảm bớt kinh phí xây dựng cho địa phương.
“Nhờ người dân đồng hành trong xây dựng công trình, đường ĐX.02 hoàn thành ngày 16/12/2019, vượt tiến độ về thời gian thi công. Tổng mức đầu tư khi nghiệm thu 3,6 tỷ đồng, giảm 600 triệu đồng cho ngân sách tỉnh (so với kinh phí tỉnh phê duyệt 4,2 tỷ đồng)”, ông Lê Kim Điền - Phó ban đại diện Ban Quản lý xây dựng công trình xã Phú An Hòa cho biết.
Kết quả của Đề án số 3333 đã cổ động phong trào xây dựng NTM ở Bến Tre, với tinh thần “Nhà nhà thi đua, người người thi đua” chung tay xây dựng NTM. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn tỉnh nhà ngày càng khởi sắc, góp phần đưa xứ cù lao vươn mình, sánh vai với các tỉnh bạn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nhằm hoàn chỉnh các tuyến đường giao thông nông thôn theo Đề án số 3333, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 930/QĐ-UBND ngày 23/4/2020 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thực hiện các công trình cầu, cống, cọc tiêu, biển báo trên các công trình triển khai thực hiện theo Đề án số 3333/ĐA-UBND.
Theo đó, 81 công trình đã và đang thi công sẽ được hỗ trợ thêm kinh phí để xây dựng cầu, cống đồng bộ với đường và lắp hệ thống cọc tiêu, biển báo hoàn chỉnh. Tổng mức đầu tư dự kiến 129,467 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 116,52 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp 12,947 tỷ đồng.