Điều đó cho thấy vẫn còn rất nhiều người khi tham gia giao thông đã xem nhẹ tính mạng bản thân khi vẫn vi phạm nguyên tắc an toàn.
Nghị định 100NĐ/CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định rất rõ mức xử phạt đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy quá tốc độ quy định.
Theo đó, người điều khiển xe ô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông vi phạm lỗi chạy quá tốc độ tùy theo mức độ có thể bị xử phạt từ 4 triệu đồng đến 12 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá nhiều trường hợp chạy quá tốc độ quy định, nhất là khi đã sử dụng rượu, bia. Hành vi chạy quá tốc độ không chỉ gây nguy hiểm tới tính mạng người điều khiển phương tiện mà còn đe dọa sự an toàn của nhiều người khác…
Chị Nguyễn Thị Hoàng Anh ở phường Quang Trung, TP Uông Bí, cho biết: “Tôi thấy tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, chạy quá tốc độ thường xuyên diễn ra trên các đoạn quốc lộ và tỉnh lộ, đặc biệt là đường Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long).
Không chỉ đi thành từng nhóm mà các đối tượng này còn phóng nhanh, nẹt pô áp sát phương tiện vào người đi đường. Hôm rồi, tôi suýt bị té ngã khi đi xe máy qua đoạn đường này cũng vì một nhóm thanh niên phóng nhanh, lạng lách trên đường”.
Cán bộ Đội CSGT kiểm tra hành chính người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn.
Trên thực tế ít ai biết được rằng, việc chạy quá tốc độ khi xảy ra TNGT nguy cơ tử vong trực tiếp đối với người tham gia giao thông là rất cao. Theo tính toán của các chuyên gia giao thông, tốc độ 70km/h sự va đập sẽ tăng gấp 2 lần so với tốc độ 50km/h; tốc độ 87km/h sự va đập tăng lên gấp 3 lần so với tốc độ 50km/h; tốc độ 100km/h sự va chạm tăng lên gấp 4 lần so với tốc độ 50km/h. Khi tăng tốc độ trung bình 5% thì TNGT tăng 10% và tai nạn chết người tăng 20%.
Theo ông Nguyễn Thiên Vương, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh nhận định, có đến trên 80% các vụ TNGT nghiêm trọng đều có nguyên nhân từ việc chạy quá tốc độ, không làm chủ tốc độ. Việc làm chủ tốc độ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, điều đó không chỉ giúp cho người điều khiển phương tiện dễ xử lý tình huống bất ngờ và việc làm chủ tốc độ cũng sẽ hạn chế được tai nạn nghiêm trọng. Chính vì lẽ đó, xử lý vi phạm tốc độ cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ TNGT xảy ra.
Tuy nhiên, qua thực tế đi xe, có rất nhiều trường hợp vi phạm về tốc độ quy định. Người tham gia giao thông chỉ chấp hành đúng quy định về tốc độ khi đến điểm có lực lượng CSGT, sau khi qua trạm, người điều khiển lại tăng tốc để bù lại thời gian ở những đoạn đường bị khống chế về tốc độ. Điều này có thể nhận thấy rõ nhất là đối với xe khách và xe tải chạy vào ban đêm.
Theo Đại tá Vũ Minh Đức, Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Quảng Ninh thì, việc xử lý về vi phạm tốc độ đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với xe ô tô. Bởi để tránh bị xử phạt và "qua mặt" CSGT, các lái xe ô tô thường báo cho nhau bằng tín hiệu riêng những địa điểm mà lực lượng chức năng đo tốc độ nên cũng rất khó phát hiện để xử lý, khi qua trạm họ lại vi phạm tốc độ.
Để kiềm chế TNGT do phóng nhanh vượt ẩu, không làm chủ tốc độ gây ra, bên cạnh việc xử lý nghiêm của lực lượng chức năng, điều quan trọng là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, chạy đúng tốc độ quy định, đặc biệt phải làm chủ tốc độ kết hợp với việc chú ý quan sát để xử lý kịp thời tình huống bất ngờ có thể xảy ra.