Tất cả các học sinh trường Tiểu học thị trấn Phú Thái đều được cha mẹ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông
Nhiều cách làm hay
Sau hơn 6 năm thành lập, mô hình "Vận động gia đình đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ khi tham gia giao thông" của Hội Phụ nữ thị trấn Phú Thái ngày càng được mở rộng và mang lại hiệu quả rõ nét.
Trước đây, nhiều người cho rằng người lớn cần đội MBH khi tham gia giao thông, còn trẻ em thì không nên chưa có thói quen đội MBH cho trẻ.
Nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn từ thực trạng này, Hội Phụ nữ thị trấn Phú Thái đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND thị trấn thành lập mô hình để tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân thay đổi suy nghĩ, đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông.
Ngày mới thành lập, mô hình chỉ có 16 thành viên là ban chủ nhiệm và tình nguyện viên. Ban chủ nhiệm phân công mỗi thành viên phụ trách từng khu dân cư rà soát, lập danh sách các hộ gia đình có con từ 6-16 tuổi để tới nhà vận động, tuyên truyền. Thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ phụ nữ, Ban chủ nhiệm mô hình đều lồng ghép để tuyên truyền.
Hội Phụ nữ thị trấn chủ động phối hợp Ban An toàn giao thông (ATGT) thị trấn và các nhà trường trên địa bàn tổ chức các buổi học ngoại khóa tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho học sinh. Ngày mới thành lập, mô hình gặp nhiều khó khăn như một số hộ chưa tán thành, chưa phối hợp với tổ tuyên truyền; có người cho rằng đội MBH ảnh hưởng không tốt tới đốt sống cổ của trẻ... Nhờ kiên trì thuyết phục, vận động, đến nay, mô hình đã thu hút 915 thành viên tham gia. 100% số thành viên hằng năm đều ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thực hiện nghiêm đội MBH đúng quy cách và tiêu chuẩn.
Cứ dịp khai giảng năm học mới hoặc hưởng ứng Tháng ATGT, chị Trần Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cộng Hòa lại tham gia các buổi nói chuyện tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho các em học sinh trong xã. Nội dung các bài nói chuyện của chị Hương xoay quanh các quy định của pháp luật được cụ thể hóa bằng những câu chuyện giao thông, những mẩu chuyện vui chị sưu tầm được qua sách báo, mạng xã hội. Các buổi trò chuyện đều có sự tương tác với học sinh bằng những câu hỏi dễ hiểu, gần gũi. Có nhiều câu hỏi ở dạng tình huống để các em học sinh tự tìm cách trả lời.
"Do vị trí xã nằm ngay đường 5, nhiều học sinh phải đi qua quốc lộ mới tới trường nên các em rất cần kiến thức, kỹ năng để tự bảo đảm an toàn cho mình. Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với Ban Giám hiệu các trường tổ chức các buổi học ngoại khóa để giúp các em hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật giao thông", chị Hương chia sẻ.
Phát huy vai trò của phụ nữ
Là địa bàn có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua, mật độ người tham gia giao thông đông nên Hội Phụ nữ huyện Kim Thành đã sớm nhận thức được vai trò của phụ nữ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Các cấp hội phụ nữ huyện đã xây dựng nhiều mô hình, đảm nhận các phần việc tại cơ sở như "Phụ nữ với công tác bảo đảm an ninh trật tự, ATGT", tuyến đường phụ nữ tự quản, hưởng ứng phong trào "Toàn dân tham gia tự quản, bảo đảm trật tự giao thông"...
Các cấp hội phụ nữ huyện còn lồng ghép thực hiện phong trào với cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" với tiêu chí "gia đình không có thành viên vi phạm pháp luật"...
Hội Phụ nữ các xã, thị trấn phối hợp cùng các nhà trường tuyên truyền cha mẹ học sinh chung tay xây dựng “Cổng trường an toàn”…
Chị Phạm Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: “Thông qua việc tuyên truyền, xây dựng các mô hình giúp các hội viên nhận thức rõ hơn những nguy cơ tiềm ẩn khi tham gia giao thông, nhất là với trẻ nhỏ. Nhờ vậy, ý thức tham gia thông nói chung, ý thức bảo vệ con em mình trước hiểm họa tai nạn giao thông của nhiều chị em đã được nâng lên. Từ thay đổi suy nghĩ, thói quen sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn huyện”.
Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ huyện tiếp tục chỉ đạo cơ sở hội duy trì và thành lập các mô hình bảo đảm ATGT nói chung, đặc biệt các mô hình bảo đảm ATGT cho trẻ em; vận động cán bộ, hội viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chấp hành Luật Giao thông đường bộ.