Bắc Ninh: Nâng cao văn hóa giao thông học đường

Thứ ba, 29/09/2020 12:44

Mùa tựu trường đã đến, mối lo bảo đảm ATGT cho các em học sinh lại đặt nặng trách nhiệm lên vai gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về ATGT cho học sinh ở các cấp học vẫn là giải pháp tối ưu nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông cho các em, từng bước hình thành nét văn hóa giao thông trong học đường.

Hàng trăm cổng trường ATGT được xây dựng; gần 60 trường học áp dụng mô hình “đi đến trường an toàn - về đến nhà an toàn”; giáo dục ATGT được đưa vào chương trình học tập… là những nỗ lực đáng kể của ngành chức năng, các trường học trong tỉnh, nhằm giảm tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng cho các em học sinh khi lưu thông trên đường.

Song có lẽ vẫn chưa đủ khi mỗi năm có tới gần 10.000 người tử vong vì tai nạn giao thông, trong đó khoảng 30 % nạn nhân đang ở lứa tuổi học sinh (Thống kê từ Ban ATGT Quốc gia). Nguyên nhân chính là do tính hiếu động của tuổi học trò, các em thích thể hiện bản thân, bất chấp Luật Giao thông, thường đi dàn hàng ngang trên đường, hoặc phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, tạt đầu các phương tiện tham gia giao thông khác, không đội mũ bảo hiểm…; các bậc phụ huynh thì thiếu giám sát, quan tâm và các thầy, cô giáo khó kiểm soát hành vi của các em khi rời khỏi ghế nhà trường, dẫn đến những hậu quả đau lòng, đáng tiếc xảy ra. Điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc, phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình- nhà trường- xã hội để vừa giáo dục, trau dồi kiến thức, kỹ năng ATGT vừa giám sát các em học sinh khi đi đến trường và về nhà an toàn.

Cổng trường ATGT tại trường Trần Quốc Toản (thành phố Bắc Ninh).

Thực tế cho thấy, nhiều năm nay, Ban ATGT tỉnh, ngành chức năng, các địa phương, các trường học đồng loạt vào cuộc, thực sự quan tâm và có nhiều giải pháp hữu hiệu bảo đảm ATGT cho học sinh. Vào đầu mỗi năm học, ngành Giáo dục luôn xây dựng, ban hành kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT song hành với kế hoạch, chương trình học tập đến tất cả các trường học trong tỉnh. Yêu cầu các trường học ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về ATGT giữa gia đình và nhà trường; chấp hành nghiêm các quy tắc giao thông đường bộ; quán triệt cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên không uống rượu, bia khi lái xe, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe máy điện; không vượt quá tốc độ quy định, không vượt đèn đỏ, không sử dụng điện thoại khi lái xe; thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa về ATGT, các cuộc thi “học sinh với ATGT”, “nói không với tai nạn giao thông”... Đồng thời gắn trách nhiệm người đứng đầu quản lý trường học nếu để học sinh vi phạm bị ngành chức năng nhắc nhở nhiều, hoặc xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đối với học sinh của trường mình trong thời gian học tập tại trường, nhằm đưa trật tự ATGT học đường vào nền nếp.

Trong công tác bảo đảm trật tự ATGT chung của tỉnh, nhóm tham gia giao thông là học sinh luôn được quan tâm hàng đầu. Ban ATGT tỉnh thường xuyên phối hợp với ngành chức năng thành lập tổ tuyên truyền nhằm phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông cũng như nhận biết những rủi ro, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đến từng đối tượng học sinh ở các bậc học; triển khai có hiệu quả Dự án “đi đến trường an toàn, về đến nhà an toàn”, chương trình “ATGT cho nụ cười ngày mai”, các cuộc thi “tìm hiểu pháp luật về ATGT” đến học sinh ở 100% trường học trong tỉnh. Từ đó, dần hình thành ý thức, thói quen chấp hành Luật Giao thông ở lứa tuổi học sinh.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh đánh giá: Trật tự ATGT tại các cổng trường học thực sự được bảo đảm. Tuy nhiên, khi lưu thông trên đường, vẫn còn một bộ phận học sinh thiếu ý thức, phóng nhanh, vượt ẩu, bất chấp các quy tắc giao thông, tín hiệu giao thông trên đường nên đòi hỏi ngành Giáo dục phải xây dựng, thực hiện nghiêm túc kế hoạch bảo đảm ATGT xuyên suốt năm học. Ban ATGT cũng tăng cường thời lượng tuyên truyền, áp dụng nhiều hình thức, kỹ năng giáo dục kiến thức pháp luật ATGT một cách sinh động để các em dễ hiểu, dễ tiếp cập và từng bước đúc rút được bài học quý báu cho bản thân khi tham gia giao thông trên đường. Có như vậy mới từng bước nâng cao văn hóa giao thông học đường, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc do tai nạn giao thông gây ra ở lứa tuổi học sinh.

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:76853
Lượt truy cập: 176.518.325