Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn- Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh
tiếp thu kiến nghị của các đơn vị tại buổi làm việc
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải. Hiện, Sở Giao thông Vận tải quản lý cấp giấy đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu vận tải cho 38 doanh nghiệp, hợp tác xã và 118 hộ kinh doanh với gần 400 phương tiện vận tải các loại; quản lý 45 tuyến vận tải hành khách; quản lý cấp giấy phép hoạt động tạm thời 06 bến thủy nội địa.
Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/6/2020, Sở Giao thông Vận tải đã sát hạch, cấp gần 27.000 giấy phép lái xe mô tô, ô tô; cấp đổi gần 63.000 giấy phép lái xe các loại. Trong kỳ báo cáo, có 23 danh mục các dự án về giao thông được điều chuyển chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng từ Sở Giao thông vận tải về Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh. Hiện, Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư 03 dự án gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3B đoạn Xuất Hóa – Cửa khẩu Pò Mã; Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương; Dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể. Từ năm 2016 đến nay, các tuyến đường tỉnh được bố trí khoảng 140 tỷ đồng để duy tu, bảo trì; gần 500 tỷ thực hiện duy tu, bảo trì các tuyến quốc lộ ủy thác. Các dự án giao giao thông đã giúp cải thiện năng lực giao thông của tỉnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phục vụ dân sinh, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Những tồn tại, hạn chế của Sở Giao thông Vận tải trong thực hiện pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông được chỉ ra: Việc quản lý các loại hình xe hợp đồng đón khách tại nhà, xe máy nông nghiệp, xe máy chuyên dùng còn khó khăn, bất cập; bộ cân kiểm tra trọng tải xe trang bị cho các huyện hoạt động không hiệu quả; nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, nhiều công trình có trong kế hoạch chưa được bố trí vốn kịp thời nên triển khai chậm; tình trạng xây dựng công trình trái phép lấn chiếm đất của giao thông và hành lang an toàn đường bộ diễn biến phức tạp, chưa được xử lý dứt điểm…
Đối với Ban An toàn giao thông tỉnh, các cơ quan thành viên đã triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương. Từ năm 2016 đến tháng 6/2020, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố phối hợp tổ chức hơn 3.000 đợt tuyên truyền pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và quần chúng Nhân dân. Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong kỳ báo cáo, toàn tỉnh xảy ra 272 vụ tai nạn giao thông đường bộ (trong đó 144 vụ tai nạn nghiêm trọng,10 vụ tai nạn rất nghiêm trọng, 01 vụ đặc biệt nghiêm trọng) làm chết 119 người, bị thương 328 người, thiệt hại tài sản ước khoảng 7,2 tỷ đồng. So sánh qua các năm, nhìn chung tai nạn giao thông giảm cả 03 tiêu chí là số vụ, số người bị chết và số người bị thương.
Sở Giao thông Vận tải và Ban An toàn giao thông tỉnh kiến nghị: Cấp có thẩm quyền cấp đủ kinh phí để phục vụ cho công tác duy tu, bảo trì các tuyến đường tỉnh; cấp kinh phí trả nợ khối lượng khắc phục hậu quả bão lụt, bảo đảm giao thông đã được phê duyệt quyết toán; tăng cường trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng chức năng để thực thi nhiệm vụ; đề nghị HĐND tỉnh bổ sung cho phép chi thực hiện các nhiệm vụ đặc thù của Ban An toàn giao thông các cấp; đưa công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương…
Những đề xuất, kiến nghị của Sở Giao thông vận tải và Ban An toàn giao thông tỉnh được Đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp làm cơ sở kiến nghị với cấp, ngành chức năng nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.