Phương tiện cơ giới đường bộ tăng mỗi năm khoảng 10% (phần đông là ở khu vực nông thôn). Nhưng không ít người dân mua xe gắn máy rồi tự tập, tự chạy, tự hướng dẫn nhau theo kiểu đúc kết kinh nghiệm, như trước đây điều khiển phương tiện thuỷ. Năm 2019, lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông đã phát hiện trên 4.200 trường hợp không giấy phép lái xe, những tháng đầu năm nay vi phạm thuộc trường hợp này vẫn đang chiếm tỷ lệ khá cao.
Tiềm ẩn tai nạn giao thông
Tuần tra, xử lý vi phạm trên các tuyến đường nông thôn cần được thực hiện thường xuyên.
Không giấy phép lái xe, nghĩa là người điều khiển phương tiện chưa qua đào tạo, sát hạch nên không có kỹ năng, cách xử lý khi có tình huống xảy ra trên đường. Trong khi đó hạ tầng GTNT chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường nối với nhau chưa phù hợp, không theo quy hoạch, thậm chí nhiều tuyến đường đấu nối trực diện với đường vào cầu…
Do vị trí đấu nối các tuyến đường với nhau không hợp lý, không đúng với tiêu chuẩn nút giao thông nên rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra tại các vị trí đấu nối trên. Như vụ tai nạn giao thông xảy ra vào cuối tháng 7/2020 tại ấp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân (huyện Cái Nước) làm chết 1 người. Hay vụ tai nạn giao thông xảy ra vào đầu tháng 8/2020 tại đầu dốc cầu Sông Trẹm, thuộc Ấp 18, xã Biển Bạch (huyện Thới Bình), làm chết 1 người.
Đó là minh chứng cho nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra ở khu vực nông thôn trong thời gian qua. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, tình hình tai nạn giao thông khu vực nông thôn những năm gần đây tăng đáng kể. Nếu như năm 2011, tai nạn giao thông khu vực nông thôn chiếm khoảng 11%, đến nay con số này tăng lên hơn 27%, trong đó tai nạn giao thông trên các tuyến đường liên ấp, liên xã, liên huyện đang có xu hướng gia tăng rõ rệt.
Thượng tá Đoàn Thanh Khải, Phó trưởng Công an huyện Thới Bình, cho biết: "Trên địa bàn huyện có 11 xã và thị trấn, trong đó có 6 xã nằm trên tuyến Hành lang ven biển phía Nam, 4 xã nằm trên trục Quốc lộ 63 với nhiều tuyến đấu nối nên phức tạp. Vì vậy, khi phát hiện có lực lượng làm nhiệm vụ trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ Thới Bình - Tân Lộc, người tham gia giao thông rẽ vào các tuyến đường đấu nối, đi vòng tuyến đường nông thôn để né tránh".
“Vi phạm trật tự ATGT khu vực nông thôn thường là chở quá số người quy định, không đội nón bảo hiểm, chạy quá tốc độ và nồng độ cồn. Song, lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự (CSGT-TT) của huyện giới hạn, việc tổ chức tuần tra, kiểm soát các tuyến này chỉ mang tính hỗ trợ công an địa phương, chớ CSGT-TT chưa thể tổ chức thường xuyên được”, Thượng tá Đoàn Thanh Khải trải lòng.
Theo Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Bằng, thời gian gần đây hệ thống đường nông thôn trên địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể. Trục đường liên xã, liên ấp đã được bê-tông đấu nối, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại. Tuy nhiên, đường nhánh xuất hiện ngày càng nhiều, tạo thành những vị trí giao nhau với những khúc quanh, cua gắt nguy hiểm. Trong khi hầu hết các tuyến đường nông thôn hiện nay thiếu các biển báo về tải trọng xe, nơi sụp lún cống xổ vuông tôm, nơi công cộng, trường học… cảnh báo nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện để chủ động xử lý các tình huống, tránh tai nạn có thể xảy ra.
Không có biển báo hiệu, cỏ sậy um tùm làm che khuất tầm nhìn, lấn tràn ra lòng đường, mặt đường rong rêu trơn trượt… cho thấy một số nơi cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, vào cuộc trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Có nhận thức nhưng chưa ý thức
Trao đổi với về công tác đảm bảo trật tự ATGT, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) Nguyễn Hồng Biên cho biết: "Thực trạng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu gia tăng phương tiện. Xã tranh thủ các nguồn vốn để nâng cấp, mở rộng đường sá, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự ATGT sâu rộng trong Nhân dân".
“Có thể nói, Nghị định số 100/2019 về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt” có hiệu lực thi hành với mức xử phạt tăng cao, đại bộ phận người dân đã nhận thức được thế nào là trật tự ATGT. Tuy nhiên, ý thức tự giác chưa cao, không ít người khi đi lại trên tuyến đường ngắn trong xóm không đội nón bảo hiểm, vô tư chở 3, có khi là 4 người trên xe gắn máy… trong tình trạng say rượu”, ông Nguyễn Hồng Biên nhìn nhận.
Theo Thượng tá La Thành Chiến, Phó trưởng Công an huyện Đầm Dơi, đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, Công an huyện đã phân tuyến tuần tra, kiểm soát cũng như quyền hạn xử lý vi phạm. Quá trình tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến người tham gia giao thông nên đã nâng cao nhận thức của người dân, làm giảm tai nạn giao thông những tháng đầu năm nay, nhưng một bộ phận người tham gia giao thông vẫn chưa ý thức tự giác.
Tính đến tháng 8, lực lượng CSGT-TT huyện Đầm Dơi đã tổ chức tuần tra, kiểm soát trên 2.600 lượt, phát hiện, lập biên bản trên 3.780 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 3 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm chạy quá tốc độ, nồng độ cồn, không đội nón bảo hiểm vẫn còn ở mức cao. Đáng chú ý, có trên 110 trường hợp chưa đủ tuổi điều kiện phương tiện.
Người dân chưa ý thức tự giác, một phần do công tác tuần tra của công an địa phương chưa thường xuyên. Điều này cũng khó trách, bởi công an xã lực lượng mỏng mà lại nhiều công việc phải xử lý. Mặt khác, theo Thông tư số 47/2011 của Bộ Công an, công an xã chỉ được kiểm tra, xử lý đối với những lỗi vi phạm quả tang, như không đội nón bảo hiểm, chở quá số người quy định, không có gương chiếu hậu... Còn các lỗi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như lạng lách, chạy quá tốc độ, nồng độ cồn, vi phạm phần đường... thì không thẩm quyền xử lý. Đây cũng là hạn chế trong kiểm soát tình hình ATGT ở nông thôn.
Tóm lại, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, phương tiện tăng nhanh và sự chủ quan của người tham gia giao thông là những yếu tố cộng hưởng, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông khu vực nông thôn./.