Đồng chủ trì Hội nghị có Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu và Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải. Tham gia hội nghị có đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ GTVT; Cảng vụ ĐTNĐ khu vực, địa phương; Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, Chi cục ĐTNĐ phía Nam; các Hiệp hội vận tải cùng các doanh nghiệp vận tải thủy.
Báo cáo về kết quả giải quyết đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội, doanh nghiệp lĩnh vực đường thủy nội địa, Phòng Vận tải An toàn, Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết thời gian gần đây, Cục đã không ngừng tăng cường công tác quản lý, đồng hành cùng các doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh lĩnh vực vận tải thủy nội địa, đã được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.
Đại diện Phòng Vận tải An toàn - Cục ĐTNĐ Việt Nam trình bày báo cáo
Trong thời gian vừa qua, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã nhận được nhiều kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp về các giải pháp thúc đẩy vận tải thủy, vận tải ven biển. Những kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp là nguồn tham khảo quan trọng để Cục xây dựng các chính sách để phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa. Ngày 29/9/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg về thúc đẩy vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, trong đó có nhiều chính sách xuất phát từ các đề xuất, kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp.
Một số kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT gồm: Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa, vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa trong giai đoạn mới thay thế Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng phương tiện thủy nội địa chỉ phải đóng phí tải trọng một lần khi vào khu vực cảng có hai vùng nước hàng hải và đường thủy nội địa trong cùng một chuyến đi.
Đồng thời, ưu tiên kết nối đường thủy nội địa với cảng biển trên cơ sở đầu tư xây dựng bến thủy nội địa, bến phao neo trong vùng nước cảng biển (Hải Phòng, Nghi Sơn; Bà Rịa - Vũng Tàu; Thành phố Hồ Chí Minh …) nhằm khai thác hiệu quả hạ tầng cảng biển tại khu vực, giảm thiểu tình trạng phương tiện thủy nội địa phải chờ làm hàng, bốc xếp hàng hóa do thiếu cảng, bến; Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để thực hiện trình tự, thủ tục thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu đường thủy Vĩnh Xương - An Giang và Thường Phước - Đồng Tháp đến 22 giờ 00 hàng ngày, tiến tới thực hiện thủ tục 24/24 nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển vận tải thủy qua biên giới Việt Nam - Campuchia;
Bên cạnh việc rà soát, công bố, quản lý các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, giữa các đảo có tiềm năng khai thác vận tải (tuyến Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ, thành phố Đà Nẵng - đảo Lý Sơn và kênh Năm Ô Rô - đảo Hòn Khoai…) cần từng bước đầu tư giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn về tĩnh không các cầu trên các hành lang vận tải thủy chính (Quảng Ninh - Hải phòng - Hà Nội, Hải Phòng- Ninh Bình, Hồ Chí Minh - Cà Mau, vận tải thủy kết nối Campuchia);
Đông đảo các đại biểu tham dự Hội nghị tại 03 điểm cầu
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ưu tiên quỹ đất, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa (đặc biệt sớm triển khai xây dựng các cảng thủy nội địa bốc xếp công-ten-nơ tại khu vực Phù Đổng, các cảng thủy nội địa tại Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, khu vực đồng bằng sông Cửu Long); Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cải tạo và nâng cao năng lực các cảng, bến thủy nội địa; nạo vét vùng nước trước các cảng, bến thủy nội địa đảm bảo phương tiện ra, vào thuận tiện, an toàn.
Tiến hành rà soát các bến thủy nội địa không đủ điều kiện hoạt động và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ không để các bến không đủ điều kiện hoạt động; gắn trách nhiệm của người lãnh đạo đứng đầu địa bàn tại địa phương nếu để tình trạng bến thủy nội địa hoạt động không phép; Nghiên cứu, đề xuất trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét quyết định mức thu hợp lý phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT có văn bản đề nghị HĐND, UBND thành phố Hải Phòng miễn phí cơ sở hạ tầng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải container bằng phương tiện đường thủy nội địa khu vực phía Bắc. Cục ĐTNĐ cũng có văn bản đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải thủy Việt Nam - Campuchia theo tinh thần của Hiệp định về vận tải thủy nội địa giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ hoàng gia Campuchia. Cục cũng đang tiếp tục rà soát, nghiên cứu để giải quyết những kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp…
Tại Hội nghị, đã có trên 15 ý kiến của các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội về hoạt động quy hoạch cảng bến, luồng tuyến; phát triển kết cấu hạ tầng; tháo gỡ những khó khăn tồn tại của vận tải thủy nội địa như các nút thắt điểm đen, điểm nghẽn, các điểm cần xử lý tĩnh không cầu trên các tuyến vận tải thủy chính…
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Giám sát Hải quan (Tổng cục Hải quan), các phòng: Pháp chế, Kế hoạch đầu tư, Vận tải An toàn của Cục ĐTNĐ cũng có ý kiến trả lời về các đề xuất, vướng mắc của các đơn vị nêu trên.
Cục trưởng Bùi Thiên Thu phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Bùi Thiên Thu ghi nhận tất cả các ý kiến tham luận tại Hội nghị cũng như các ý kiến bằng văn bản gửi đến sau Hội nghị ngày hôm nay. Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tiếp thu, tổng hợp tất cả các ý kiến của các đại biểu để sớm báo cáo Bộ GTVT xem xét, xử lý.
Trong thời gian tới, Cục ĐTNĐ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa. Đồng thời, tham mưu Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vận tải thủy. Hoàn thiện Quy hoạch Kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phục vụ phát triển vân tải thủy nội địa.
Cục tiếp tục giải quyết các kiến nghị của các doanh nghiệp: Việc miễn phí cơ sở hạ tầng tại cảng biển Hải Phòng; Áp dụng mức phí nội thủy đối với phương tiện hoạt động trên tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia…
Cục trưởng Bùi Thiên Thu khẳng định dù có khó khăn như thế nào, các doanh nghiệp đề xuất ý kiến thông qua các Cảng vụ đường thủy, Chi cục đường thủy, các đầu mối của Cục, Cục ĐTNĐ Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp cùng với các Cục, các đơn vị có liên quan để xử lý các vấn đề kịp thời, hiệu quả./.
KC