Điều này khẳng định việc triển khai xử “phạt nguội” đã phát huy hiệu quả trong việc răn đe, ngăn ngừa các lỗi vi phạm về trật tự ATGT, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và hình thành văn hóa giao thông cho người dân. Song trên thực tế, việc xử “phạt nguội” cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan chức năng phối hợp giải quyết.
Theo Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hải, Đội trưởng Đội tuyên truyền Phòng CSGT, Công an tỉnh (người trực tiếp giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT qua hệ thống camera giao thông) hiện số trường hợp bị phạt nguội tự giác đến nộp phạt rất thấp, do thiếu chế tài cưỡng chế người vi phạm…Cùng với đó là vướng mắc trong xác định người vi phạm để xử phạt. Bởi thực tế có nhiều người thuê, mượn, mua bán nhưng chưa sang tên, đổi chủ phương tiện vi phạm.
Giám sát, phân tích lỗi và xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ thông qua hệ thống camera.
Ngoài ra, khi camera giao thông phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng ra quyết định xử phạt nguội và gửi thông báo đến chủ sở hữu phương tiện, nhưng do chủ phương tiện không phải là người trực tiếp điều khiển phương tiện ở thời điểm vi phạm nên khó cưỡng chế. Để xử lý được tình trạng này thì cơ quan chức năng cần bổ sung chế tài xử phạt đối với chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên đổi chủ khi mua, bán phương tiện, nhằm nâng cao trách nhiệm các bên khi thực hiện giao dịch. Nếu xảy ra vi phạm bị xử phạt nguội, những phương tiện chưa làm thủ tục sẽ áp dụng xử phạt với cả người đứng tên đăng ký phương tiện, từ đó xử phạt nguội mới thực sự đủ sức răn đe.
Thống kê của Ban ATGT tỉnh, từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/9/2020 thông qua hệ thống camera giám sát đã phát hiện thông báo 3.726 trường hợp vi phạm, nộp Kho bạc Nhà nước 4,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu thống kê rất nhỏ, bởi hệ thống camera ghi nhận số trường hợp vi phạm là rất lớn nhưng số trường hợp thực tế có đủ dấu hiệu chứng minh vi phạm lại rất thấp. Nguyên nhân vào buổi tối, ánh sáng yếu, camera khó nhận diện đầy đủ các ký tự biển số xe. Hệ thống không nhận diện được khi tín hiệu đèn là các mũi tên dẫn đến việc khi mũi tên xanh bật sáng thì các phương tiện được rẽ trái nhưng hệ thống vẫn báo lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; nhiều phương tiện chỉ vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu đường bộ, vạch sơn kẻ đường nhưng hệ thống vẫn báo lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Quy trình “phạt nguội”:Lực lượng CSGT ghi hình các xe vi phạm trên đường, đồng thời phát hiện các xe vi phạm qua hệ thống giám sát tự động (camera và máy đo tốc độ). Hình ảnh sẽ được chuyển cho bộ phận trích xuất hình ảnh, trích xuất các trường hợp vi phạm. Mỗi trường hợp vi phạm phải bảo đảm đủ các yếu tố pháp lý, gồm: Không gian vi phạm (địa điểm hoặc tuyến đường vi phạm); thời điểm vi phạm, lỗi vi phạm và biển số xe. CSGT sẽ in thông báo vi phạm thể hiện đầy đủ nội dung vi phạm gửi công an phường, xã, thị trấn. Công an địa phương chuyển thông báo vi phạm đến chủ xe và mời chủ xe tới trụ sở để nộp phạt.
Trong khi đó, quá trình xác minh và xử lý vi phạm phức tạp, nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, công sức. Từ việc phát hiện và thu thập hình ảnh dữ liệu về phương tiện vi phạm trật tự ATGT, lực lượng chức năng tiến hành thẩm định lại hành vi vi phạm đối chiếu theo quy định của pháp luật, sau đó mới xác định chủ phương tiện. Việc này là hết sức khó khăn, bởi có nhiều xe mua bán sang nhượng qua nhiều người, ở nhiều địa phương khác nhau nhưng chưa làm thủ tục sang tên, chưa kể có nhiều phương tiện đeo biển số giả, biển số không rõ chữ, số… Thậm chí trong quá trình làm việc với chủ phương tiện để xác định người điều khiển phương tiện, chủ xe thường không hợp tác, không nhận là người điều khiển phương tiện hoặc cho mượn…Vì thế xác lập biên bản vi phạm hành chính (đối với một số hành vi phải tước giấy phép và tạm giữ phương tiện) thường rất khó thực hiện, bởi nhiều người vi phạm ở tỉnh ngoài, trong khi giữa các địa phương chưa có cơ chế phối hợp.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa ảnh hưởng tới quá trình triển khai thực hiện xử phạt nguội là trang thiết bị, máy móc đường truyền hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác. Hiện phòng PC08 mới chỉ có 1 máy tính để lọc và xử lý vi phạm nên các cán bộ phải thay nhau làm việc vào cả ngoài giờ hành chính và ban đêm mới giải quyết hết các trường hợp vi phạm…
Để việc “phạt nguội” phát huy hiệu quả thì bên cạnh việc khai thác hiệu quả trang thiết bị và gần 300 camera đã lắp đặt, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ lắp thêm khoảng 3.200 camera ở 1.038 vị trí trên toàn tỉnh. Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho cơ quan chức năng trong việc việc giám sát, ghi hình, xử lý các trường hợp vi phạm, góp phần bảo đảm ANTT, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cho toàn dân. Tuy nhiên, để việc xử phạt nguội phát huy được hiệu quả vẫn cần một cơ chế chính sách phù hợp, mang tính ổn định, lâu dài để triển khai áp dụng vào thực tiễn.