Thời điểm hiện tại, nhiều thuyền viên Việt Nam vẫn rất hoang mang khi hợp đồng lao động hết hạn
nhưng thời gian về nước chưa được xác định do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)
Các trở ngại đến từ chính sách kiểm soát dịch Covid-19 tại các quốc gia và các chi phí liên quan…
Thuyền viên chưa thoát “vòng xoáy” Covid-19
Đại diện bộ phận quản lý thuyền viên của Công ty CP Viet Cement Terminal chia sẻ vừa phải trải qua quá trình làm thủ tục rất vất vả để đưa được hai thuyền viên người Ấn Độ lên bờ sau khi thời gian hợp đồng kết thúc.
“Mất gần một tháng “lặn lội” dưới sự hướng dẫn từ Cục Hàng hải VN, đơn vị mới hoàn thiện các bước theo quy định, từ việc xin chủ trương của tỉnh, chờ kết quả xét nghiệm, giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2, cho đến làm công văn gửi Cục Xuất nhập cảnh/Bộ Chỉ huy Biên phòng địa phương để lấy Visa cho hai thuyền viên hồi hương”, đại diện này bày tỏ.
Dù vậy, theo ông Võ Hồng Khánh, Giám đốc một công ty vận tải biển tại Hải Phòng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không phải thuyền viên nào cũng may mắn như hai thuyền viên Ấn Độ kể trên. Nguyên nhân là do chính sách kiểm soát dịch tại các nước như: Singapore, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn rất chặt chẽ. Cùng đó, do các tuyến bay quốc tế từ Việt Nam vẫn chưa được mở lại nên việc đưa thuyền viên sang cảng nước ngoài thay gần như không thể.
“Do quá cần thay thế lao động khi thuyền viên quá hạn hợp đồng, một số doanh nghiệp áp dụng kiểu “đánh tỉa”. Trong đó, bộ phận khai thác của hãng tàu sẽ cố gắng chọn một chuyến hàng về Việt Nam hoặc có hành trình chạy qua cảng biển Việt Nam để ghé vào thay người. Mặc dù vậy, không phải chủ tàu nào cũng thực hiện cách này bởi những “gánh nặng” liên quan đến chi phí”, ông Khánh nói.
Cũng theo ông Khánh, theo quy định, thuyền viên đi tàu chạy tuyến quốc tế về Việt Nam trước khi lên bờ sẽ phải trải qua quá trình cách ly 14 ngày tại khu tập trung và 14 ngày tại nơi cư trú. Phí cách ly tại mỗi địa phương lại có mức khác nhau (tùy thuộc vào chất lượng ăn, ở).
Điển hình như Bình Thuận đang tính phí cách ly khoảng 100 - 120 USD/ngày/thuyền viên (bao gồm cả chi phí ăn uống); Dung Quất khoảng 800 USD/ngày/3 thuyền viên. Chưa kể chủ tàu còn phải lo cảng phí, phí đại lý. Nhiều chủ tàu thay thế thuyền viên nước ngoài tại Việt Nam, họ không có nơi cư trú nên phải mất chi phí cách ly cả 28 ngày. Do đó, không phải chủ tàu nào cũng có khả năng thay đổi nhiều thuyền viên cùng lúc.
“Mới đây nhất, chúng tôi thực hiện thay thế cho 7 thuyền viên rời tàu và 7 thuyền viên xuống tàu tại khu vực cảng biển Quảng Ninh với tổng chi phí khoảng 4.000 USD”, ông Khánh thông tin.
Bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng Phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, theo thống kê của các cảng vụ hàng hải, hiệp hội, công ty cung ứng thuyền viên, tại Việt Nam hiện có khoảng 2.145 sỹ quan, thuyền viên đang bị mắc kẹt ở nước ngoài hoặc chuẩn bị hết hạn hợp đồng lao động cần hỗ trợ về nước.
“Nếu lựa chọn giải pháp thay thuyền viên tại Việt Nam, đối với tàu thuyền vào cảng để bốc dỡ hàng hóa rất thuận lợi. Tuy nhiên, đối với tàu thuyền chỉ ghé vào cảng để thay thuyền viên mà không bốc dỡ hàng hóa, chủ tàu phát sinh rất nhiều chi phí như: Phí cảng biển, chi phí nhiên liệu, chi phí ngày thuê tàu, phí kiểm dịch…”, bà Thương nói.
Đề xuất chuyến bay ưu tiên, giảm phí, lệ phí hàng hải
Bà Thương cũng cho biết, để giải quyết các trường hợp chủ tàu đề nghị gia hạn hợp đồng cho thuyền viên hồi hương, Cục Hàng hải VN có văn bản gửi các hiệp hội chủ tàu, các chủ tàu Việt Nam, đại lý tàu biển, các tổ chức quản lý và cung ứng thuyền viên về việc gia hạn thời gian làm việc trên tàu cho thuyền viên theo hướng dẫn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
“Cục Hàng hải VN cũng có văn bản gửi các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp để rà soát số lượng thuyền viên có nhu cầu thay thế trong thời gian tới để có cơ sở làm việc với Cục Lãnh sự đề xuất giải pháp hỗ trợ cho thuyền viên được giải quyết hồi hương trong thời gian sớm nhất”, bà Thương thông tin.
Cũng theo đại diện Cục Hàng hải VN, để tạo điều kiện tốt nhất cho thuyền viên về nước, đơn vị này đã có văn bản tổng hợp vướng mắc khó khăn, đề xuất giải pháp gửi Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các nước xem xét đưa thuyền viên Việt Nam hết hạn hợp đồng đang mắc kẹt ở nước ngoài vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay của Chính phủ Việt Nam; Đồng thời, đề xuất Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi Thông tư số 261/2016, quy định đối với tàu thuyền vào cảng thay thế thuyền viên trong thời gian dịch bệnh mà không thực hiện bốc dỡ hàng hóa thuộc đối tượng được miễn các khoản phí, lệ phí hàng hải hoặc được giảm 50 - 70% mức phí, lệ phí theo quy định.
“Cục Hàng hải VN cũng kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với UBND cấp tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho chủ tàu Việt Nam trong việc đưa thuyền viên cách ly với mức chi phí phù hợp khả năng chi trả của DN”, bà Thương nói.
Theo thống kê của Cục Hàng hải VN, từ tháng 2/2020 - 31/7/2020, tại khu vực cảng biển Hải Phòng đã giải quyết cho 832 thuyền viên quốc tịch Việt Nam và 130 thuyền viên quốc tịch nước ngoài nhập cảnh. Tại khu vực cảng biển Quảng Ninh, từ 1/3 - 4/8/2020 giải quyết cho 569 thuyền viên trong đó có 404 thuyền viên Việt Nam và 165 thuyền viên nước ngoài. Tại khu vực cảng biển Vũng Tàu, từ 1/3 - 3/8/2020 giải quyết cho 514 thuyền viên. Tại khu vực cảng biển Quảng Trị, từ đầu năm đến ngày 3/8/2020 giải quyết cho 3.914 thuyền viên nhập cảnh từ Trung Quốc về cảng biển Cửa Việt. Tại khu vực cảng biển TP HCM từ tháng 3 - 8/2020 giải quyết cho 1.011 thuyền viên.