Lễ động thổ tuyến cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn)
Cao Bằng là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt, vị trí địa lý cách xa trung tâm kinh tế lớn của cả nước, xa sân bay, xa cảng biển; đường bộ là loại hình giao thông duy nhất kết nối với bên ngoài, các địa phương khác và thị trường lớn Trung Quốc. Song, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại Cao Bằng vừa thiếu, vừa yếu, các tuyến đường hiện tại quy mô nhỏ, quanh co, đèo dốc gây mất an toàn giao thông và đặc biệt nguy hiểm trong thời tiết mưa bão, thời gian di chuyển lâu…
Giao thông không thuận lợi là một trong những nguyên nhân hạn chế sự giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với các vùng, miền trên cả nước, hạn chế khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển du lịch, lưu thông hàng hóa.
Việc xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) hiện đại, kết nối giữa Cao Bằng với các tỉnh trong khu vực và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, là bước tiến quan trọng tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, đồng thời thiết lập nên tuyến vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc qua Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc) - Trà Lĩnh (Cao Bằng, Việt Nam) nối với Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, hướng ra biển thông quan các cảng Hải Phòng và nối với đường Hồ Chí Minh, đường sắt xuyên Á đến các nước ASEAN.
Với việc tối ưu hóa phương án xây dựng nối vào tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn), xây dựng các công trình hầm xuyên núi, cầu cạn vượt địa hình nhằm giảm chiều dài tuyến cao tốc, giảm chi phí đầu tư và kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, chiều dài của tuyến cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng giảm còn 115 km với tổng vốn đầu tư trên 21.000 tỷ đồng, giảm trên 50% chi phí đầu tư so với tổng số vốn đầu tư dự kiến quy hoạch trước đó.
Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo dự án và các tổ giúp việc, ban hành Công văn số 130/HĐND ngày 3/7/2020 về việc cam kết bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương để đầu tư dự án với 20% vốn ngân sách địa phương, tương đương 2.500 tỷ đồng. Thống nhất chủ trương bố trí tối đa thêm 10% tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án trong trường hợp cần thiết.
Với quy mô 4 làn xe, được thiết kế tốc độ 80 km/giờ, điểm đầu cao tốc tại nút giao khu vực Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn). Điểm cuối cao tốc tại nút giao vào Khu kinh tế Cửa khẩu Trà Lĩnh và Quốc lộ 34, thuộc Khu kinh tế Cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng).
Sau khi cao tốc hoàn thành, thời gian di chuyển từ Cao Bằng đi Hà Nội và ngược lại sẽ rút ngắn từ 6 - 7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ tham gia giao thông và giảm nguy cơ mất an toàn giao thông. Tạo tiền đề phát huy các lợi thế sẵn có của tỉnh, tăng thu ngân sách bền vững từ dịch vụ du lịch, thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, giải quyết vấn đề thu ngân sách hằng năm của tỉnh, giảm áp lực điều tiết các nguồn hỗ trợ từ Trung ương.
Thời gian tới, tỉnh xác định phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, ưu tiên hạ tầng giao thông và đô thị động lực theo hướng bền vững, liên kết vùng là một trong những khâu đột phá để phát triển. Toàn tỉnh tập trung ưu tiên thi công các tuyến đường trọng điểm trong đó có cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; hiện đại hóa giao thông đến các khu du lịch, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi phía Bắc; rút ngắn thời gian lưu thông, giảm chi phí vận tải, tăng tính cạnh tranh và mở rộng giao thương hàng hóa, giảm ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông.