Đường cao tốc nâng tầm vị thế của tỉnh Cao Bằng (Ảnh minh họa)
Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, kinh tế - xã hội tỉnh từng bước thay đổi, đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, hiện nay Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo, thu ngân sách còn nhiều hạn chế, thu nhập bình quân đầu người thấp... Một trong những nguyên nhân chính được xác định đó là hệ thống giao thông kém, không có cảng hàng không, không có đường sắt, không có đường thủy…
Giao thương giữa Cao Bằng với các địa phương khác qua các tuyến đường bộ Quốc lộ 3, Quốc lộ 4A, Quốc lộ 34, Quốc lộ 34B, Quốc lộ 4C, đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường này tiêu chuẩn kỹ thuật còn thấp, đường nhỏ hẹp, quanh co, nhiều đèo cao nguy hiểm… Do vậy các tuyến giao thông này không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh xác định kinh tế cửa khẩu là một trong những động lực quan trọng nhằm đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế, tạo động lực lan tỏa cho các vùng kinh tế khác. Việc sớm triển khai đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối, nhất là tuyến đường cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) là hết sức cấp thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỳ vọng sẽ tạo sự phát triển đột phá, nâng tầm vị thế về kinh tế, đầu tư, quốc phòng, an ninh cho tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới.
Trong 2 năm qua, Tập đoàn Đèo Cả cùng tỉnh nghiên cứu dự án giao thông cao tốc một cách tổng thể và có những nghiên cứu, đề xuất quan trọng, hiệu quả với việc tối ưu hóa phương án tuyến bằng cách điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) kết nối vào tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) có chiều dài 17,5 km, xây dựng các công trình hầm giao thông xuyên núi, cầu cạn vượt địa hình nhằm giảm chiều dài tuyến cao tốc, giảm chi phí đầu tư và kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn.
Ngày 10/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng: xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (Quyết định số 1212/QĐ-TTg). Cơ cấu nguồn vốn gồm vốn chủ sở hữu, vốn huy động của nhà đầu tư và phần vốn nhà nước. Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93 km từ Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đến xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng); giai đoạn 2 (hoàn thiện) đầu tư tiếp khoảng 22 km từ huyện Quảng Hòa đến Cửa khẩu Trà Lĩnh.
Giai đoạn 1 của dự án triển khai từ năm 2020 - 2024, giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2025. Về phương án tài chính của dự án, chủ trương đầu tư dự án của Chính phủ cũng chỉ ra nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia trong dự án, nhà đầu tư sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư; được hoàn vốn bằng thu phí kín trên toàn tuyến cao tốc và thu phí trên tuyến nối vào thành phố Cao Bằng.
UBND tỉnh và Tập đoàn Đèo Cả chủ động triển khai việc khảo sát địa hình, khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa vật lý; tiến hành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, lập hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng cho từng địa phương để quản lý quy hoạch, trích đo giải thửa. Đồng thời, Tập đoàn Đèo Cả mời đối tác từ Cộng hòa Liên bang Đức nghiên cứu, khảo sát triển khai thiết kế công trình gắn với nét văn hóa đặc trưng của tỉnh; phối hợp thực hiện kiến trúc cảnh quan một số công trình trên tuyến đường bộ cao tốc đảm bảo ít ảnh hưởng nhất đến Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Tuyến đường cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) hoàn thành sẽ góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.