Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lâm Văn Hoàng phát biểu
tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Thanh tra và 64 năm thành lập Thanh tra GTVT ngày 23/11.
Ngày 23/11/1945, cách đây tròn 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 64 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt với nhiệm vụ thường xuyên nghiên cứu và giải quyết các đơn, thư khiếu nại và phản ánh của các tầng lớp nhân dân từ khắp các địa phương gửi lên Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 23/11/1945, đã đánh dấu sự ra đời và trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam nói chung và Thanh tra Bộ GTVT nói riêng.
Có thể nói việc thành lập Ban thanh tra đặc biệt thể hiện vai trò và sự cần thiết của công tác thanh tra đối với chính quyền ngay từ buổi đầu mới thành lập; thanh tra trở thành một chức năng thiết yếu của quản lý và là một thiết chế giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân thuộc các cấp chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, xử lý các vi phạm pháp luật, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1955-1975), công tác thanh tra bám sát những nhiệm vụ cấp thiết, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo của Ðảng và Chính phủ trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc, chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.
Sau giai đoạn có nhiều biến động từ 6/1956 đến năm 1961 khi Bộ Giao thông và Bưu điện được tổ chức lại, ngày 26/5/1961, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện đã ban hành Quyết định số 433/QĐ ngày 26/5/1961 về tổ chức bộ máy của Bộ trong đó thành lập lại Ban Thanh tra Bộ Giao thông và Bưu điện (tiền thân của Thanh tra Bộ GTVT ngày nay). Ban Thanh tra Bộ lúc này có nhiệm vụ “giúp lãnh đạo Bộ tiến hành công tác kiểm tra, tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ và các chủ trương chính sách của Ngành”, nhân sự Ban Thanh tra có 05 người chính thức (cuối năm 1961, lãnh đạo Bộ điều động bổ sung thêm 14 cán bộ công tác trong 3 tháng và 1 cán bộ hỗ trợ trong 6 tháng).
Trải qua hơn 64 năm xây dựng và phát triển, lớp lớp cán bộ Thanh tra Bộ GTVT đã không ngừng góp phần vun đắp, xây dựng tổ chức ngày càng lớn mạnh và thực sự đáng tự hào như ngày hôm nay. Lực lượng Thanh tra GTVT đã có mặt suốt chiều dài đất nước và trên tất cả các lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và từng bước khẳng định vị trí quan trọng, không thể thiếu mình trong công tác quản lý nhà nước về GTVT.
Với sự đoàn kết, gắn bó, tin tưởng nhau, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và từng cán bộ, thanh tra viên Thanh tra Bộ luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, hoạt động ngày càng đi vào nề nếp và thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, xử lý vi phạm, phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Cán bộ, công chức, Thanh tra Bộ qua các thời kỳ luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị, thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm, chấn chỉnh quản lý, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT.
Dưới sự quan tâm chỉ đạo của đồng chí Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ GTVT, các cấp ủy Đảng, trong những năm qua, Thanh tra Bộ đã quyết tâm đổi mới cách nghĩ, cách làm, năng động, sáng tạo, đoàn kết nhất trí nỗ lực hết mình tập trung vào nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, đồng thời tiếp tục tăng cường hoàn thiện thể chế, củng cố tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng khó khăn, phức tạp hơn.
Bí thư Đảng uỷ, Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lâm Văn Hoàng
và Chủ tịch Công đoàn, Phó Chánh Thanh tra Nguyễn Thị Thanh Hiền
tặng hoa tri ân các đồng chí nguyên Chánh Thanh tra Bộ
Trong suốt chặng đường xây dựng và trưởng thành, nhiều tập thể và cá nhân của Thanh tra Bộ đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng nhiều Huân huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, tại đại hội thi đua yêu nước toàn quốc Ngành Thanh tra vừa qua, Thanh tra Bộ GTVT là đơn vị duy nhất trong khối thi đua Kinh tế ngành đã vinh dự được nhận bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị 167/CT-TTCP về thực hiện hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng giai đoạn 05 năm từ 2016 – 2020.
Thành tựu to lớn đó cũng nói lên sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của lớp lớp các thế hệ cán bộ, công chức Thanh tra Bộ GTVT, đã trung thành, tận tuỵ, gương mẫu, liêm khiết, khách quan, công tâm trong công tác. Trong thời gian tới cùng với việc hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng trong khu vực và quốc tế của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ cách mạng công nghệ thông tin 4.0, công tác quản lý nhà nước ngành GTVT nói chung và hoạt động thanh tra GTVT nói riêng sẽ đặt ra những yêu cầu mới cao hơn. Đây là thời cơ, vận hội nhưng cũng là khó khăn và thách thức cần sức sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết của lực lượng Thanh tra Bộ GTVT trong thực thi công vụ.
Thanh tra Bộ GTVT sẽ đánh giá đầy đủ, toàn diện, sâu sắc hơn bối cảnh hiện nay để có quyết tâm cao, phát huy ưu điểm, kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém; phấn đấu phát huy hơn nữa vai trò của thanh tra, không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả trong hoạt động thanh tra, làm cho hoạt động thanh tra thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước, là một trong những cơ chế hữu hiệu trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Tập thể Thanh tra Bộ GTVT chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí nguyên Chánh Thanh tra Bộ GTVT
Với mục tiêu đó, Thanh tra Bộ GTVT tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: Một là, xây dựng lực lượng liêm chính, chuyên nghiệp, kỷ cương. Hai là, tăng cường vai trò của Thanh tra Bộ trong công tác quản lý nhà nước về thanh tra. Ba là, tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn, để tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác phòng, chống tham nhũng. Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thanh tra, bảo đảm kết luận thanh tra chính xác, khách quan, kịp thời, khả thi và đúng pháp luật. Trong đó chú trọng công tác rà soát, phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cấp có thẩm quyền kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước. Năm là, mở rộng phạm vi, nội dung thanh tra bao trùm toàn bộ các lĩnh vực quản lý của Bộ GTVT, tăng cường tính phòng ngừa đặc biệt là những lĩnh vực còn thiếu, còn bất cập trong thể chế, chính sách quản lý của nhà nước dễ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng thanh tra: "Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới"; "Cán bộ Thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được"; “Kiểm tra cẩn thận; nghe không được thiên lệch, nghe một bên, nên nghe người này, nghe người kia; phải khách quan, chớ do ý muốn và suy nghĩ chủ quan của mình”; "Đối với cán bộ, được làm công tác thanh tra là một vinh dự, vì sao? vì công tác thanh tra là một công tác quan trọng, Đảng và Chính phủ có tin cậy mới giao cho làm việc ấy"...Toàn thể cán bộ, công chức Thanh tra Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong thời gian tới.
Lâm Văn Hoàng, Chánh Thanh tra Bộ GTVT