Từ sau năm 2030 bắt buộc thực hiện “xanh hóa” cảng biển Việt Nam

Thứ tư, 02/12/2020 19:02

Chiều 02/12, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Cảng thông minh và cảng xanh: Hướng phát triển cho cảng Việt Nam” dưới hình thức trực tuyến với 60 điểm cầu trong và ngoài nước.

Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Hoàng Hồng Giang cho biết, hệ thống cảng biển Việt Nam hiện phân thành 6 nhóm, với 45 cảng biển đang hoạt động được đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Trong đó, khu vực Cái Mép - Thị Vải có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 200.000 DWT.

Hiện nay, tổng số bến cảng được công bố là 286 bến cảng với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Hàng năm, lượng hàng hoá thông qua cảng biển đều tăng trưởng hai con số. Riêng năm 2020, dự kiến sản lượng hàng hoá qua cảng biển Việt Nam đạt khoảng 700 triệu tấn.

“Theo ước tính, những dịch vụ liên quan đến vận tải hành khách và hàng hóa tại cảng biển đang vận chuyển khoảng 20% ​​lượng chất thải trên toàn cầu đổ ra biển. Cảng càng bận rộn, nguy cơ ô nhiễm ở các cảng đó càng cao, tạo ra tác động tiêu cực đến môi trường. Ngày nay, mạng lưới khai thác, vận hành cảng và logistics toàn cầu cũng ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, từ áp lực về việc cắt giảm chi phí vận hành, đến việc đảm bảo các biện pháp an ninh phù hợp từ việc đối mặt với áp lực chuyển đổi dần theo “hướng xanh hóa” và chống lại biến đổi khí hậu, đến việc làm cách nào để theo dõi và sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra hàng ngày”, Phó cục trưởng Hoàng Hồng Giang nói.

Theo Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang, trước những vấn đề môi trường đang đặt ra trong khai thác cảng biển, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, hoạt động khai thác cảng biển trên thế giới đang được “xanh hóa” theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế.

“Đây là xu hướng chiến lược trong sự phát triển cảng biển trên thế giới nhằm kiểm soát các tác nhân gây ô nhiễm, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phòng ngừa tốt các sự cố, rủi ro môi trường, hạn chế phát thải các chất gây hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu”, Phó Cục trưởng chia sẻ và cho biết thêm, cùng với đó, khái niệm Cảng thông minh (Smart Port) đã ra đời nhằm kết hợp các phát triển kỹ thuật số và các công cụ khai thác vận hành cảng truyền thống và năng lực kinh nghiệm của các nhà khai thác cảng; cho phép tối ưu hóa hoạt động của Cảng gấp nhiều lần mà vẫn cắt giảm được chi phí trong khai thác, nâng kích thước tàu tiếp nhận, nâng cao năng suất, hiệu suất của cảng.

Bà Trần Thị Tú Anh trình bày Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam

Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường (Cục Hàng hải VN) Trần Thị Tú Anh cho biết, trước nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác cảng biển, Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam đã được tổ chức xây dựng từ tháng 01/2019. Đến tháng 10/2020 được Bộ GTVT phê duyệt và giao Cục Hàng hải VN phối hợp với Hiệp hội Cảng biển Việt Nam và các DN cảng biển triển khai thực hiện.

Cảng xanh tại Việt Nam sẽ được xây dựng trên 6 nhóm tiêu chí chính (tập trung chủ yếu vào các cảng tổng hợp và cảng contianer) với thang điểm cụ thể, gồm: Nhận thức về cảng xanh (điểm tối đa là 5 điểm), Sử dụng tài nguyên (điểm tối đa là 15 điểm), Quản lý chất lượng môi trường (điểm tối đa là 50 điểm), sử dụng năng lượng (điểm tối đa là 15 điểm), ứng dụng công nghệ thông tin (điểm tối đa là 5 điểm), giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng (điểm tối đa là 10 điểm).

“Để được xem xét công nhận cảng xanh, cảng biển phải đạt được tối thiểu 60% số  điểm của các tiêu chí (đạt tổng điểm tối thiểu 60/100 điểm); Đồng thời, doanh nghiệp phải có tài liệu chứng minh cho việc thực hiện từng tiêu chí”, bà Tú Anh thông tin.

Cũng theo bà Tú Anh, để Đề án Phát triển cảng xanh đạt được hiệu quả, giai đoạn 2020 - 2025, một số nhiệm vụ chính sẽ đợc tập trung thực hiện như: Thí điểm mô hình cảng xanh tại một số cảng biển Việt Nam; Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý, quy hoạch, đầu tư, xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển cho phù hợp với các tiêu chí cảng xanh; Đề xuất cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các DN thực hiện tiến trình phát triển cảnh xanh tại Việt Nam,…

Giai đoạn 2025 - 2030, Cục Hàng hải sẽ phối hợp nghiên cứu, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chí cảng xanh, triển khai áp dụng và đánh giá kết quả áp dụng tự nguyện tiêu chí cảng xanh tại các cảng biển Việt Nam; Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, các bon thấp, thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển,…

Từ sau năm 2030, việc áp dụng tiêu chí cảng xanh trong quy hoạch đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam sẽ triển khai áp dụng bắt buộc.

Còn theo bà Phạm Thị Thúy Vân (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn), nghiên cứu cho thấy, vận tải biển chiếm 3 - 4% lượng khí thải CO2 do con người tạo ra trên toàn thế giới. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 6% vào năm 2020 và 17% lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2050 nếu không được kiểm soát. Trong đó, châu Á và châu Phi dự báo sẽ có mức tăng phát thải mạnh nhất do lưu lượng cảng tăng trưởng mạnh và các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm rất hạn chế.

Đặc biệt, theo thông tin được công bố trên Diễn đàn Giao thông Quốc tế, lượng phát thải từ tàu biển làm phát sinh gần 12 tỷ Euro mỗi năm tại 50 cảng lớn nhất. Khoảng 230 triệu người trực tiếp tiếp xúc với khí thải tại 100 cảng hàng đầu thế giới về lượng khí thải vận chuyển (CH4, CO, CO2 và Nox). Vì vậy, việc xây dựng, “xanh hóa” cảng biển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ giúp giảm khí phát thải tại khu vực cảng biển, tăng hiệu quả kinh tế khai thác kinh tế cảng và bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Chia sẻ về kinh nghiệm “xanh hóa” cảng biển, bà Phạm Thị Thúy Vân cho biết, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị sở hữu Cảng Tân Cảng Cát Lái - cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC), đã tập trung vào các tiêu chí như: Tiết kiệm nguồn tài nguyên; Chất lượng môi trường cảng; Sử dụng năng lượng sạch tại cảng, xử lý chất thải tại cảng, ứng dụng công nghệ 4.0…

Những tiêu chí đó được “cụ thể hóa” thông qua các hoạt động: Thay thế thiết bị nâng hạ bằng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện (tiết kiệm 1,5 - 2 triệu USD phí nhiên liệu/năm); Tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 Teus (thay thế được khoảng 2.000 xe ô tô chở container), Áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút còn 6 phút, triệt tiêu văn bản giấy tại cảng khoảng 30.000 - 50.000 tờ/ngày; Trồng cây xanh dọc tuyến bến tàu và đường giao thông,…

Tại Hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng, ông Richard Willis, Giám đốc lĩnh vực khai thác và công nghệ cảng biển thuộc Royal Haskoning DHV cho biết, Cảng thông minh là cảng vận hành tiết kiệm được cả năng lực, tài chính, thời gian và không gian. Trong đó, “số hóa” dữ liệu là một trong những yếu tố then chốt. Dữ liệu được số hóa này phải được liên thông giữa các doanh nghiệp cảng và đơn vị quản lý để đưa ra quyết định vận hành hợp lý.

Không chỉ vậy, tại cảng thông minh (như ở New Zealand) còn được đầu tư hệ thống đo đạc từ xa, theo dõi hoạt động, tốc độ của máy móc. Từ đó kiểm soát được sự hao mòn của máy móc một cách chính xác, tăng mức độ an toàn trong suốt quá trình khai thác cảng.

Hay như tại cảng biển ở Hamburrg (Đức) được ứng dụng trí tuệ nhân tạo dự đoán trước thời gian tạo ra ùn tắc tại các cảng, phỏng đoán trước các xu thế của hàng hóa bằng cách nghiên cứu dữ liệu lịch sử và dữ liệu về hàng hóa sắp tới cảng, từ đó đưa ra phương án vận hành cảng tối ưu nhất.

H.N

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:209230
Lượt truy cập: 176.376.085