Đường giao thông nông thôn ở xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn được
Nhà nước đầu tư và nhân dân đóng góp để bê tông hóa, giúp nhân dân đi lại thuận lợi
Xác định phát triển giao thông nông thôn (GTNT) là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tạo đà thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; bởi vậy, những năm qua, huyện Văn Chấn đã triển khai, thực hiện tốt mọi nguồn lực đầu tư của Nhà nước kết hợp với huy động nguồn lực từ nhân dân để từng bước hoàn thiện hệ thống đường GTNT trên địa bàn.
Theo đó, năm 2020, huyện Văn Chấn đã xây dựng kế hoạch kiên cố hóa trên 40km đường GTNT, với tổng nguồn vốn huy động đạt trên 51 tỷ đồng và huy động được hàng nghìn lượt công lao động của nhân dân.
Trong đó, công trình đường láng nhựa tại xã Bình Thuận với chiều dài hơn 1km, mặt đường rộng 7m, hiện đã hoàn thiện đưa vào sử dụng và đây là công trình đường do huyện quản lý.
Còn lại, đường đi các thôn, bản do xã quản lý chủ yếu là đường bê tông và tiến độ thi công đạt trên 90%; tu sửa hơn 300 km đường các loại như: khơi thông, nạo vét cống rãnh, đắp kè do sạt lở, sụt lún, lấp, vá ổ gà, dọn đất trên mặt đường do sạt lở bồi lấp...
Ngoài ra, huyện còn kiên cố 5 km đường giao thông nội đồng, đường vào các khu vục sản xuất chè, cam tại các xã: Đại Lịch, Nghĩa Tâm, Thượng Bằng La, Bình Thuận, Gia Hội, Nậm Búng...
Hệ thống cầu, cống cũng được quan tâm đầu tư và năm 2020 huyện đã dành nhiều tỷ đồng để xây dựng hệ thống cầu cống, điển hình như: cầu bê tông ở thôn Tặng Chang, xã An Lương với chiều dài 54m, có tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ đồng.
3 công trình cầu bê tông cốt thép thay thế cầu treo tại các xã: Tú Lệ, Gia Hội và Đồng Khê do nguồn vốn LRAMP của Bộ Giao thông Vận tải đầu tư; cầu bê tông cốt thép thay thế cầu treo tại thị trấn Nông trường Trần Phú với chiều dài 70 m, rộng 7 m do nguồn vốn ngân sách tỉnh đầu tư; tu sửa 7 cầu treo.
Cùng đó là hàng chục ngầm tràn liên hợp khác ở các địa phương, góp phần quan trọng giúp nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn, nhất là mùa mưa lũ.
Để công tác xây dựng GTNT được triển khai thuận lợi, huyện đã chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao hiểu biết và ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc làm đường GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, hàng năm huyện luôn đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra. Nhiều xã, thị trấn cũng nhờ đó mà hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, điển hình như các xã: Đại Lịch, Tân Thịnh, Nghĩa Tâm, Thượng Bằng La, Chấn Thịnh...
Hay như xã Nậm Búng ở vùng thượng huyện; tuy kinh tế - xã hội còn có những khó khăn nhất định, song với sự quan tâm của các cấp, ngành và sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, xã đã có 26 trên tổng số gần 34km đường GTNT được kiên cố, đạt trên 76%.
Riêng năm 2020, xã được đầu tư hơn 2km tại thôn Chấn Hưng, thôn Nậm Cưởm, với sự tham gia của bà con đóng góp công sức đã thi công và hoàn thành sớm thuận lợi cho việc đi lại, phát triển kinh tế của nhân dân.
Ông Phan Luận - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Búng cho biết: "Xác định đường GTNT là huyết mạch quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, nên hàng năm ngoài các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, địa phương cũng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con tham gia theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”; đặc biệt là việc hiến đất mở rộng nền đường luôn đảm bảo mặt bằng cho thi công thuận lợi”.
Từ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, hết năm 2020, toàn huyện có trên 10km đường đô thị thì đã cứng hóa trên 7km; đường do huyện quản lý có trên 256km, cứng hóa được hơn 116km; đường nông thôn do xã quản lý có trên 450km, cứng hóa được 180km.
Toàn huyện có trên 40 cầu treo thì có 27 cầu được thay thế mặt cầu bằng sắt; cầu giàn thép huyện có 3 cầu; cầu bê tông cốt thép dài từ 10m trở lên toàn huyện có 30 cầu và trên 1.800 cống thoát nước các loại cơ bản đều đảm bảo sử dụng ổn định giúp nhân dân đi lại được an toàn, thông suốt.