Đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ VN kiểm tra
công tác hoàn thiện sửa chữa trước khi thông xe cầu Thăng Long.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện, công tác thi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã cơ bản hoàn tất theo hợp đồng. Ông đánh giá cao các chuyên gia, cán bộ, kỹ sư, công nhân người Việt Nam đã khẳng định được trình độ trong việc sử dụng công nghệ mới (công nghệ UHPC).
“Sau khi được sửa chữa, khả năng chịu lực của cầu sẽ tăng gấp ba lần so với trước đây, độ bền của bê tông UHPC có thể lên tới trên 30 năm. Đây là một công nghệ được sử dụng thành công khi sửa chữa mặt cầu, chắc chắn trong thời gian tới, công nghệ này sẽ được sử dụng nhiều hơn trong việc sửa chữa các kết cấu hạ tầng” - Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cho biết.
Quá trình thi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long được quản lý, giám sát chặt chẽ
Ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nhiệm vụ phân luồng, tổ chức giao thông cho các phương tiện qua cầu Thăng Long trong thời gian sửa chữa đã được Vụ tham mưu, chỉ đạo các đơn vị, khảo sát đánh giá, tổ chức phân luồng phương tiện từ xa. Khi bắt đầu cấm cầu thì các phương tiện đã nắm bắt được thông tin nên gần như không xảy ra ùn tắc.
Trong thời gian tới, cầu Thăng Long sẽ được lắp đặt hệ thống cân tự động, phát hiện các phương tiện quá tải, sử dụng hình thức phạt nguội đối với các phương tiện vi phạm.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ trực tiếp có mặt tại hiện trường, nghe báo cáo tiến độ dự án (03/11/2020).
Trước đó, trực tiếp có mặt tại hiện trường và nghe báo cáo tiến độ sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh đây là Dự án đột phá trong việc ứng dụng công nghệ mới vào công tác sửa chữa đường bộ của Ngành Đường bộ, Thứ trưởng yêu cầu số 1 là phải thực hiện đúng quy trình, đảm bảo chất lượng công trình. Tiến độ có thể nhanh chậm một vài ngày, có tính toán hợp lý, không ép về tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng dự án. Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị cần chú ý vấn đề giải ngân, an toàn lao động và chế độ chính sách đối với công nhân lao động.
Được biết, Dự án sửa chữa cầu Thăng Long được thực hiện bằng giải pháp Cào bóc và làm sạch lớp phủ mặt cầu cũ, hàn các đinh neo trên bản mặt thép, bổ sung lưới cốt thép, rồi rải lớp bê tông siêu tính năng UHPC với lượng sợi thép gia cường cần thiết. Qua đó tạo ra kết cấu liên hợp giữa bê tông UHPC với sàn thép hiện hữu, tạo thành mặt cầu liên hợp siêu nhẹ.
Mặc dù đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới, nhưng đối với Việt Nam đây vẫn là công nghệ mới. Trước khi áp dụng vào sửa chữa cầu, Bộ GTVT đã có những nghiên cứu và thực nghiệm kỹ càng và quá trình thi công thực tế được quản lý, giám sát chặt chẽ từ quy trình thi công của các nhà thầu, từ nguyên liệu đầu vào, tới việc hàn đinh neo và đổ bê tông...
Xuân Nguyên