Diễn tập PCCC-CNCH tại Hầm đường bộ qua đèo Cù Mông.
Nhiều nguy cơ mất an toàn
Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã xảy ra nhiều vụ cháy liên quan đến các phương tiện giao thông.
Điển hình như vào tháng 3/2020, tại Bến xe Nam TP Tuy Hòa đã xảy ra vụ cháy ô tô. Vào thời điểm trên, ô tô tải 78C-038.93 đang đỗ tại bến xe thì bốc cháy. Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh Phú Yên phải điều động 2 xe chữa cháy cùng 16 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng đầu cabin xe tải bị cháy rụi. Hay như ngày 18/12/2020, trên Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Đông Hòa, một container chở hàng đã bị lật, nằm ngang dưới ruộng nước và bốc cháy phần đầu xe. Lực lượng chức năng cùng người dân đã kịp thời cứu được tài xế, hàng hóa và dập tắt đám cháy.
Hiện nay, đa số xe khách, xe du lịch đều lắp thêm các thiết bị điện ngoài thiết kế của xe để phục vụ nhu cầu giải trí, khiến nguồn điện của xe bị quá tải, dẫn đến nguy cơ chập, cháy rất cao. Khi cháy, nổ xảy ra không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của hành khách cũng như người tham gia giao thông. Theo ông Nguyễn Bá Khải, Phó Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, tâm lý chủ quan của các chủ phương tiện, tài xế trong công tác PCCC là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy, nổ. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh năm nào cũng có sự cố cháy phương tiện giao thông.
Cao điểm phòng cháy chữa cháy
Bến xe liên tỉnh là một trong những đơn vị có số phương tiện ra vào bến tăng đột biến trong dịp Tết. Theo đó, các nguy cơ về cháy nổ cũng tăng cao. Ông Hoàng Phó Lãnh, Giám đốc Bến xe liên tỉnh cho biết: Để đảm bảo an toàn trên các phương tiện, Ban quản lý bến xe thường xuyên kiểm tra các phương tiện chữa cháy được trang bị tại bến. Đồng thời yêu cầu các nhà xe phải bố trí đầy đủ bình cứu hỏa, các phương tiện chữa cháy cấp thời ngay trên xe; kiên quyết không cho xuất bến các xe không đảm bảo an toàn.
Tại hầm đường bộ Đèo Cả, để đảm bảo an toàn PCCC-CNCH cho các phương tiện, hành khách trong lúc qua hầm, đơn vị quản lý đã đầu tư trên 50 tỉ đồng để trang bị các phương tiện và thiết bị phục vụ công tác giám sát và xử lý khi có sự cố xảy ra. Theo ông Huỳnh Tấn Diệu, Giám đốc Xí nghiệp Vận hành khai thác trạm thu phí, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, trong công tác quản lý hầm thì PCCC là quan trọng nhất vì nó liên quan đến việc đảm bảo tính mạng con người, cũng như đảm bảo tài sản, phương tiện khi lưu thông qua hầm.
Các trang thiết bị được lắp đặt sẽ giúp thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ) khi cần thiết. Vừa qua, đơn vị đã tổ chức diễn tập PCCC-CNCH theo phương án 3C, 3A tại hầm đường bộ qua đèo Cả và đèo Cù Mông để nâng cao kỹ năng xử lý tình huống. Ngoài ra, Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm đường bộ đèo Cả còn thường xuyên tổ chức diễn tập PCCC dưới sự giám sát của các ngành chức năng.
Theo trung tá Đào Thế Hải, Phó Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Phú Yên, kiến thức cũng như kỹ năng PCCC-CNCH rất quan trọng trong việc quản lý, điều khiển phương tiện. Công tác kiểm tra PCCC-CNCH được đơn vị triển khai thường xuyên theo định kỳ. Trong dịp cao điểm cuối năm, lực lượng cảnh sát PCCC-CNCH sẽ tổ chức kiểm tra công tác này tại các bến xe, nhà ga cũng như một số đơn vị vận tải để nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên, người lao động và các lái xe, phụ xe.
Để ngăn ngừa tình trạng cháy, nổ trên các phương tiện vận tải, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH đề nghị các chủ phương tiện không lắp đặt thêm thiết bị điện, phụ kiện không đúng thiết kế của nhà sản xuất nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện khi lưu thông trên đường.