Vận tải biển container đối phó với đại dịch COVID-19

Thứ tư, 17/02/2021 10:10

Các tàu container đã hoạt động bận rộn trong đại dịch COVID-19, khi mà người tiêu dùng không thể ra ngoài nhà để giao dịch mua bán hàng hóa trực tiếp hoặc tham gia các hoạt động giải trí công cộng.

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia trong ngành hàng hải, vận tải container bằng đường biển đang vượt qua đại dịch COVID-19, được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc và sự thiếu hụt tàu.

Chỉ số cước vận tải container toàn cầu Freightos Baltic Index (FBX) đã tăng gần gấp 4 lần đối với tuyến Trung Quốc - Châu Âu kể từ đầu tháng 11/2020, đạt 7.827 USD ngày 05/02/2021.

Chỉ số FBX cho các container từ Trung Quốc đi đến bờ biển phía tây của Hoa Kỳ đã tăng gần gấp ba kể từ cuối tháng 5/2020 lên 4.286 đô la Mỹ vào 05/02/2021.

Nhà kinh tế của Ngân hàng UniCredit Bank - ông Andreas Rees cho biết: "Chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu bằng đường biển đã đạt mức cao chưa từng có trong thời gian gần đây."

Thực trạng này là do nhu cầu tăng nhanh đối với các sản phẩm của Trung Quốc, không chỉ là thiết bị y tế trong thời gian khẩn cấp về phòng, chống dịch toàn cầu - mà còn là nguồn cung hàng tiêu dùng cho các nhóm dân cư bị hạn chế đi lại do đại dịch.

"Thứ nhất, nhu cầu hàng hóa y tế được sản xuất tại Trung Quốc đang tăng mạnh. Thứ hai, và có lẽ quan trọng hơn, người tiêu dùng đang phân bổ lại nhu cầu tiêu dùng của họ", ông Andreas Rees nói, "Thay vì đến nhà hàng và đi du lịch, họ đã yêu cầu những hàng hóa bền chắc hơn như thiết bị điện tử, đồ nội thất, ... để có một ngôi nhà đẹp. Và nhiều hàng hóa này được sản xuất ở Trung Quốc."

Điều đó đã có tác động kích thích nhu cầu đối với những con tàu container khổng lồ chuyên chở một lượng lớn hàng hóa từ Trung Quốc ra thế giới.

Nhà phân tích thị trường container của hãng Braemar ACM Shipbroking có trụ sở tại London, Vương quốc Anh - ông Jonathan Roach cho biết: "Chi phí vận chuyển container đang tăng vọt từ châu Á, không chỉ đến Anh mà tới hầu hết các điểm đến cho các chuyến hàng xuất phát từ Trung Quốc và châu Á". Ông nhấn mạnh: "Với nhu cầu lâu bền tăng lên, nhu cầu container đã tăng theo cấp số nhân."

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo ước tính gần đây của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), đại dịch cũng gây ra sự sụt giảm tổng thể 4,1% trong thương mại hàng hải thế giới trong năm 2020.

Các nút thắt cổ chai đã được tạo ra trong toàn ngành vận tải biển do các biện pháp vệ sinh và phòng, chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt tại các cảng, trung tâm logistic và các kho hàng trên toàn thế giới.

Theo ông Jonathan Roach, thời gian quay vòng giữa việc dỡ hàng và quay trở lại của tàu container đã bị tăng lên đáng kể. Điều này càng hạn chế nguồn tàu hiện có.

"Do có sự chậm trễ trong việc đưa container rỗng quay trở lại các trung tâm xếp hàng và cùng lúc với sự gia tăng hàng hóa, đã dẫn tới sự khan hiếm container", ông Jonathan Roach cho biết thêm, "Chúng tôi dự báo sự mất cân bằng này (giữa cung và cầu) sẽ tiếp tục trong khi các hạn chế nghiêm ngặt do COVID-19 vẫn được áp dụng."

Lo sợ lạm phát

Chi phí vận chuyển tăng có thể tác động đến giá tiêu dùng cao hơn và gây ra mối lo ngại giữa các ngân hàng trung ương toàn cầu - các tổ chức luôn theo dõi sát sao về áp lực lạm phát.

"Vẫn còn một câu hỏi là liệu các công ty có chuyển giá cao hơn cho người tiêu dùng hay không và ở mức độ nào",  ông Andreas Rees lưu ý, "Cho đến ngày hôm nay, mới chỉ có sự thúc đẩy chi phí vừa phải đến lạm phát giá tiêu dùng dường như có thể xảy ra. Nhưng mô hình này chắc chắn cần được theo dõi chặt chẽ."

Về triển vọng trong thời gian tới,  ông Jonathan Roach vẫn tỏ ra lạc quan do việc tiêm chủng vắc-xít COVID-19 toàn cầu ngày càng tăng.

"Chúng tôi kỳ vọng chi tiêu (của người tiêu dùng) sẽ bình thường hóa khi việc triển khai vắc-xin mở rộng và sự điều chỉnh trong chuyển đổi chi tiêu sẽ bình thường hóa nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ xảy ra vào giữa năm 2021".

 

Nguồn: http://www.vr.org.vn/

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:167568
Lượt truy cập: 176.724.753