Trên những chuyến tàu xuyên tâm dịch

Thứ hai, 08/03/2021 13:07

Gạt nỗi lo về nguy cơ lây nhiễm Covid-19, hàng trăm nhân viên đường sắt cần mẫn lên đường, sẵn sàng phục vụ hành khách, đưa những chuyến tàu xuyên tâm dịch đi đến nơi, về đến chốn an toàn.

Trưởng tàu LP5 (Hà Nội - Hải Phòng) Trần Thanh Việt
kiểm tra công tác phục vụ hành khách dọc đoàn tàu

Mình an toàn, khách cũng an toàn

Một ngày đầu tháng 3, PV mặt tại ga Long Biên để lên chuyến tàu LP5 về ga Hải Phòng. Thay vì khung cảnh đông đúc thường thấy là một nhà ga đìu hiu, 4 toa khách nhưng chỉ khoảng 30 người đi.

Đi dọc tàu kiểm tra trang thiết bị, nhất là các chai dung dịch sát khuẩn, xà phòng, Trưởng tàu khách Trần Thanh Việt cho biết, từ khi bùng phát dịch, tàu vắng hẳn. Trước kia, những ngày cuối tuần có chuyến cả nghìn khách. Nay có chuyến chưa đến 10 khách.

“Nói thật, trong thâm tâm, chẳng nhân viên nào muốn đi cả. Vì có đi mà tàu vắng như thế cũng không hiệu quả. Hơn nữa, nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng anh em xác định, công việc lúc thuận lợi, lúc khó khăn, càng phải chia sẻ với cộng đồng.

Vẫn có khách thì ngành Đường sắt vẫn cố gắng phục vụ”, Trưởng tàu Việt nói và cho biết, tàu Hà Nội - Hải Phòng chạy trong những ngày dịch chỉ dừng ở ga Hải Dương mà không đón tiễn khách nên nhân viên phục vụ trên tàu không xuống ga, không tiếp xúc với nhân viên nhà ga.

Tuy thế, các anh em đi tàu khi về cũng không dám tiếp xúc với người thân, bạn bè. “Biết đâu họ nghĩ ông này đi tàu Hà Nội - Hải Phòng, thể nào cũng dừng ở Hải Dương, thể nào cũng xuống ga, nguy cơ cao nên chắc chắn họ sẽ e ngại, tránh tiếp xúc. Cũng cảm thấy hơi tủi thân”, Trưởng tàu Việt tâm sự.

Bên ngoài toa tàu, các nhân viên đứng ngay ngắn tại cửa toa để đón khách, trên tay mỗi người là chai nước sát khuẩn. Hành khách đều được xịt nước sát khuẩn rồi mới kiểm tra vé, lên tàu.

Chị Trần Ngọc Lan, nhân viên phụ trách toa xe chia sẻ: “Thực ra chúng tôi đi vì nhiệm vụ, phục vụ bà con là chính chứ tàu vắng thế này doanh thu không có, thu nhập thì kém lắm”.

Khi được hỏi về nỗi lo nguy cơ lây nhiễm khi đi tàu, rồi cả những e ngại của người thân, hàng xóm, chị Lan bảo: “Lo chứ, nhưng ở tuyến đầu, nhân viên y tế, công an còn có nguy cơ lây nhiễm cao hơn mình nên cứ vui vẻ, lạc quan, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ thôi.

Quan trọng là bản thân mỗi người thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, rồi nhắc nhở hành khách tuân thủ. Mình không an toàn thì làm sao khách an toàn được”.

Xung phong vào tâm dịch

Nhân viên phục vụ toa xe xịt nước rửa tay cho hành khách
và kiểm tra vé trước khi khách lên tàu

Nhắc đến những chuyến tàu đi qua tâm dịch, Trưởng tổ tàu TN20 Cao Hùng Nam (Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội) không thể quên chuyến tàu đầu tiên chở đoàn 150 chuyên gia Trung Quốc sang mà tổ tàu của anh xung phong đảm nhận.

Khi đó là đầu tháng 6/2020, dịch ở Việt Nam đã được khống chế nhưng bên Trung Quốc vẫn còn diễn biến phức tạp, khiến nhiều người lo ngại. Thậm chí, không ít ý kiến cho rằng không thể vì chút lợi ích kinh tế mà đánh đổi sức khỏe.

Trưởng tàu Cao Hùng Nam chia sẻ: “Đây là nhiệm vụ, hơn nữa đã có các biện pháp đảm bảo an toàn, được các cơ quan y tế, công an chấp thuận. Vì thế, tổ tàu thống nhất xung phong nhận đi chuyến này, trong đó có 3 anh xung phong phục vụ trên 6 toa xe khách Trung Quốc”.

Các anh Bùi Giáp, Trịnh Bình là các nhân viên xung phong phục vụ trực tiếp đoàn khách tâm sự, lúc đầu nghe sẽ có đoàn khách Trung Quốc như vậy rất hoang mang. Sau khi được đơn vị phổ biến về các biện pháp phòng lây nhiễm nên an tâm phần nào.

“Mình không xung phong, đến khi “bốc thăm” nếu không vào mình thì lại vào đồng nghiệp khác. Mình có gia đình thì anh em khác cũng có gia đình. Nhưng khi nói với vợ, cũng bị trách sao lại xung phong. Nói thế thôi chứ cô ấy vẫn động viên, dặn dò chú ý phòng lây nhiễm”, anh Giáp nói.

Ba nhân viên phục vụ các toa xe trên tàu lập riêng chở chuyên gia Trung Quốc

Kể lại chuyến đi đáng nhớ ấy, Trưởng tàu Nam cho biết, tàu đón khách tại ga Đồng Đăng, chạy thẳng về Hà Nội, sau đó chạy tiếp vào Quảng Ngãi.

“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Đường sắt phải cắt giảm tàu, từ tháng 3, các anh em tổ tàu phải nghỉ giãn cách, luân phiên, không có việc làm, thu nhập. Chúng tôi vẫn đang cố gắng bám trụ với nghề, chỉ mong mau hết dịch, tàu chạy đều để chúng tôi có việc làm, còn lo cho cuộc sống.
Anh Bùi Giáp, nhân viên phục vụ trên tàu

Trong suốt quá trình đón khách, chạy tàu từ Đồng Đăng vào đến Quảng Ngãi, chỉ có 3 nhân viên phục vụ là tiếp xúc với khách. 6 toa xe khách cũng được khóa các cửa lên xuống và khóa cách ly với cụm xe còn lại. Dọc đường, đoàn tàu chỉ dừng tại một số ga để tác nghiệp kỹ thuật, không đón trả khách.

Khâu dễ lây nhất là phục vụ ăn uống cho đoàn chuyên gia, nhưng cũng đã được xây dựng quy trình chặt chẽ. Trên tàu chuẩn bị sẵn lương thực đủ để cung cấp cho đoàn khách trong toàn bộ hành trình.

Đến bữa ăn, sau khi chia các suất ăn vào các hộp dùng 1 lần, nhân viên xếp lên xe hàng cơm, đẩy ra cửa tiếp giáp giữa toa xe hàng cơm và toa xe khách, rồi quay vào, gọi điện báo cho nhân viên phục vụ toa khách để họ ra lấy vào phục vụ khách. Khi nào xong, họ đẩy xe ra để ở vị trí cũ. Sau khi họ rút, nhân viên y tế đi theo đoàn ra phun khử khuẩn toàn bộ xe đẩy.

Đoàn tàu vào đến ga Quảng Ngãi, đoàn khách Trung Quốc và 3 nhân viên phục vụ đều phải đi cách ly 14 ngày. Còn toàn bộ đoàn tàu được phun khử khuẩn mấy lần rồi kéo rỗng về.

“Nói chung là lo lắm nên mọi việc đều phải thực hiện đúng quy trình, sao cho giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm nếu có. Chuyến đi thành công, anh em an toàn, chúng tôi mới thở phào”, Trưởng tàu Nam nói.

Với anh Trịnh Bình, lúc đầu đón khách ở ga Đồng Đăng cũng có chút lo lắng, nhưng khi lên tàu, công việc cuốn đi nên không còn để ý nữa. Đến bữa ăn, chỉ 3 anh em phải phục vụ 150 hành khách trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ.

Suốt hành trình gần 20 giờ trên tàu, anh em đều phải mặc áo bảo hộ y tế kín mít, rất bí, chỉ trừ lúc ăn cơm mới được tháo khẩu trang. Về đến khu cách ly, lại thấp thỏm tiếp 14 ngày, đến khi được chứng nhận y tế là an toàn mới thở phào nhẹ nhõm.

Lo là thế, nhưng với họ, điều đáng ngại nhất không phải bản thân mà lại là gia đình, hành khách, cộng đồng. “Nghề phục vụ trên tàu phải tiếp xúc với nhiều người thành quen rồi nên chúng tôi không lo gì cho bản thân. Chỉ lo cho gia đình vì không may mình bị nhiễm mà không biết lại lây cho người thân, cộng đồng…”, anh Giáp tâm sự.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:100106
Lượt truy cập: 176.709.152