Hội nghị Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam diễn ra Quý I/2021
Ngày 05/5/1965, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 1046/BGTVT giải thể Cục Vận tải thủy, thành lập Cục Vận tải biển đường biển và Cục Vận tải đường sông. Cục Hàng hải Việt Nam (tiền thân là Cục Vận tải đường biển) ra đời, đánh dấu sự thay đổi về cơ cấu tổ chức của ngành Giao thông vận tải; đồng thời mở ra một bước phát triển mới cho ngành đường biển Việt Nam. Kể từ đó, ngày 05/5 trở thành Ngày truyền thống của ngành Hàng hải Việt Nam.
Hệ thống cảng biển Việt Nam có bước phát triển vượt bậc sau 20 năm quy hoạch
Tại Hội nghị Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra Quý I/2021, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định, sau 20 năm quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam có bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Dẫn chứng cho thấy, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam chỉ đạt 82 triệu tấn năm 2000, tuy nhiên con số này đã tăng lên gấp hơn 8 lần vào năm 2020 (680 triệu tấn). Tính đến hết năm 2019, cả nước có 588 cầu cảng/96.275md bến (gấp 4 lần năm 2000). Về cơ bản, các mục tiêu của quy hoạch cảng biển đến năm 2020 được đáp ứng, như: hình thành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại khu vực phía Bắc và phía Nam, các bến chuyên dùng quy mô lớn gắn với các khu công nghiệp, liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện than… Ngoài ra, các khu bến tổng hợp, công ten nơ, chuyên dùng hiện đại và cảng cửa ngõ quốc tế thuộc mạng lưới vận tải hàng hải quốc tế cũng đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển vượt trội về tuyến vận tải biển trong khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Malaysia và Singapore. Cụ thể, Việt Nam đã thiết lập được 32 tuyến vận tải biển, trong đó có 25 tuyến vận tải quốc tế và 07 tuyến vận tải nội địa, bao gồm: các tuyến nội á, 02 tuyến khu vực phía Bắc đi Bắc Mỹ; 16 tuyến tàu xa khu vực phía Nam đi Bắc Mỹ và Châu Âu. Mặt khác, Việt Nam hiện đã đưa vào khai thác 44 luồng hàng hải công cộng, 34 luồng hàng hải chuyên dùng, 94 đèn biển trải dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, 32 đài thông tin trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên…
Theo Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang, trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ GTVT, sự nỗ lực của Cục Hàng hải Việt Nam và các Cảng vụ hàng hải, hệ thống cảng biển hiện hữu được quản lý, vận hành hiệu quả với sản lượng hàng hóa duy trì tăng trưởng qua các năm; chất lượng dịch vụ cảng biển tốt, giá cả tương đối thấp so với mức trung bình của khu vực. Mặc dù vậy, trong bối cảnh thế giới và trong nước có không ngừng vận động, thay đổi, hệ thống cảng biển Việt Nam đã, đang và sẽ được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tiếp tục điều chỉnh để bắt nhịp với xu thế chung và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thông tin thêm về công tác lập quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam hiện đang được Cục Hàng hải Việt Nam tập trung ưu tiên hàng đầu, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang khẳng định: “Việc triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết, tạo cơ sở triển khai các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; đảm bảo hệ thống cảng biển Việt Nam phát triển liên tục theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất; đồng thời góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc”.
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tiếp tục duy trì đà tăng trưởng
Hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng ấn tượng dù ảnh hưởng của dịch Covid-19
Mới đây, theo Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do Agility - nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới vừa công bố, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu. Một trong các lý do được các chuyên gia chỉ ra, đó là Việt Nam có lợi thế đường bờ biển dài với hệ thống cảng biển lớn, đặc biệt hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển được quan tâm, cải thiện trong nhiều thập kỷ qua với một số cảng nước sâu quan trọng như: Cái Mép, Lạch Huyện…
Thống kê cho thấy, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 03 tháng đầu năm 2021 đạt 172.447.000 tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng hóa container thông qua cảng biển tiếp tục tăng trưởng 02 con số trong 03 tháng đầu năm 2021: đạt 5.927.000 Teus, tăng 17% so với năm 2020. Đây là mức tăng trưởng tương đối cao trong vài năm gần đây (theo báo cáo số liệu thống kê tháng 4/2021 của Cục Hàng hải Việt Nam).
Đáng chú ý, một số khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao, bao gồm: khu vực Thái Bình tăng 113%, khu vực Đồng Tháp tăng 68%, khu vực Thừa Thiên Huế tăng 47,9% và khu vực Quảng Ngãi tăng 33%. Các khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua lớn nhất, gồm: TP. Hồ Chí Minh đạt 40,614 triệu tấn, Vũng Tàu đạt 28,39 triệu tấn, Quảng Ninh đạt 22,57 triệu tấn và Hải Phòng đạt 22,94 triệu tấn. Ngoài ra, một số khu vực có khối lượng hàng container thông qua tăng cao nhất, bao gồm: Quảng Nam tăng 80%, khu vực Mỹ Tho tăng 57%. Các khu vực cảng biển khác có hàng container thông qua lớn nhất cả nước tăng mạnh đặc biệt là container xuất nhập khẩu như: khu vực Vũng Tàu tăng 26%; khu vực Hải Phòng tăng 17% và khu vực TP. Hồ Chí Minh tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trước đó, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tháng 01/2021 đạt tới 62.107.000 tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Mặt khác, khối lượng hàng hóa container thông qua cảng tháng 01/2021 tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vài năm gần đây. Khu vực có khối lượng hàng container thông qua tăng cao nhất: Đồng Tháp tăng 125%; Quảng Nam, An Giang tăng 55%.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang đề xuất, kiến nghị các giải pháp chống dịch
tại cuộc họp trực tuyến với Bộ GTVT
Quyết liệt phòng chống dịch, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thuyền viên
Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, tác động sâu rộng trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có ngành Hàng hải Việt Nam, gồm: vận tải biển, khai thác cảng biển, dịch vụ hàng hải… Trước tình hình trên, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và Bộ GTVT với phương châm “tuyệt đối không được chủ quan, lờ là, mất cảnh giác trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; nêu cao ý thức, trách nhiệm vì sức khỏe của cá nhân và cộng đồng; thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch”.
Cục Hàng hải Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, thuyền viên ngành hàng hải
Theo đó, với sự chỉ đạt sát sao của lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, sự nỗ lực của các Cảng vụ hàng hải, công tác phòng chống dịch Covid-19 của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục, đặc biệt tại khu vực vùng nước cảng biển được thực hiện tốt với các giải pháp hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế; đảm bảo hoạt động hàng hải thông suốt, vận tải hành khách và hàng hóa an toàn, hiệu quả. Cụ thể, đã kiểm soát chặt chẽ hành khách, thuyền viên tại khu vực cảng biển; tăng cường công tác quản lý, không để thuyền viên đi bờ; thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống dịch cho hoa tiêu, nhân viên đại lý, nhân viên xếp dỡ… tiếp xúc trực tiếp với thuyền viên…
Cùng với việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, Cục Hàng hải Việt Nam đã và đang nỗ lực đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT các giải pháp, chính sách đặc thù để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thuyền viên hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, cụ thể như: tăng cường công tác đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giải quyết khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, tiết kiệm thời gian đi lại cho doanh nghiệp; tổ chức làm việc với các Hiệp hội, doanh nghiệp vận tải biển, doanh nghiệp cảng biển để rà soát khó khăn trong hoạt động vận tải, khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoa tiêu, lai dắt có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển; bổ sung thuyền viên, hoa tiêu hàng hải, các đối tượng làm việc trực tiếp với tàu biển vào danh sách đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19; xem xét, đưa thuyền viên Việt Nam hết hạn hợp đồng đang mắc kẹt ở nước ngoài vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay cứu trợ của Chính phủ Việt Nam…
Với vai trò Phó Tổng Thư ký thường trực của Ban Thư ký IMO Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cũng đã có thư gửi Tổng Thư ký IMO Kitack Lim đề xuất ý tưởng về việc IMO cần khuyến nghị mạnh mẽ các quốc gia thành viên đưa lực lượng thuyền viên (không kể quốc tịch) vào danh sách đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đồng thuận và đánh giá cao ý tưởng trên, Tổng Thư ký IMO đã đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam trình bày cụ thể tại phiên họp thứ 103 của Ủy ban An toàn hàng hải của IMO.
Nhân kỷ niệm 56 năm Ngày truyền thống ngành Hàng hải Việt Nam (05/5/1965-05/5/2021), lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, sự đồng lòng, quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Hàng hải sẽ vượt qua thách thức, khó khăn của đại dịch Covid-19, tiếp tục gặt gái được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành Giao thông vận tải, tăng cường hình ảnh và nâng cao vai trò tích cực trên trường quốc tế.
Ngọc Hân