Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội sẽ kết hợp nhiều giải pháp, từ cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công, cải tạo các dự án hạ tầng trọng điểm đến đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng và phương tiện giao thông…
Trung tâm điều hành xe buýt hiện đại tại Sở Giao thông vận tải Hà Nội
Vẫn còn 36 điểm thường xuyên ùn tắc
Dự án thi công hoàn chỉnh nút giao Vành đai 3 kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng được đưa vào khai thác từ tháng 1/2021 đã góp phần giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực đường gom từ đường Cổ Linh lên cầu Thanh Trì (đoạn qua địa bàn quận Long Biên).
Tuy nhiên, đó mới là điểm ùn tắc giao thông duy nhất được khắc phục từ đầu năm 2021 đến nay trong tổng số 37 điểm còn tồn tại trên địa bàn Thủ đô. Trong số 36 điểm ùn tắc giao thông, gây ô nhiễm môi trường còn lại, có nhiều điểm ùn tắc “kinh niên”, ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của người dân, như: Khu vực phía Bắc cầu Chương Dương (quận Long Biên); nút giao Nguyễn Khang - cầu 361 (quận Cầu Giấy), nút giao Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai)…
Tại quận Hai Bà Trưng, nhiều “nút thắt” gây ùn tắc đã trở thành nỗi ám ảnh đối với những người tham gia giao thông, như: Nút giao Mai Động, nút giao cầu Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn, đường Nguyễn Khoái đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Vành đai 1…
Chị Nguyễn Thu Hương (ngõ 670 đường Nguyễn Khoái) bức xúc, đoạn đường từ nhà chị đến nơi làm việc ở quận Hoàn Kiếm chỉ hơn 4km nhưng sáng nào cũng phải mất hơn 30 phút mới tới được cơ quan do tắc nghẽn giao thông trong giờ cao điểm. “Riêng đoạn từ dốc cầu Vĩnh Tuy đến nút giao với đường Vành đai 1 chỉ dài gần 1,5km, nhưng mất 20-25 phút mới “thoát” được. Nguyên nhân là do lượng phương tiện từ cầu Vĩnh Tuy liên tục dồn xuống trong khi mặt cắt đường Nguyễn Khoái hẹp khiến cho giao thông tắc nghẽn, người và xe phải nhích từng mét, rất vất vả”, chị Nguyễn Thu Hương nói.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội về 36 điểm ùn tắc, nguyên nhân chủ yếu là do mặt cắt đường hẹp trong khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn. Một số nút giao dù đã được đầu tư mở rộng nhưng chưa có hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông dẫn đến các phương tiện đi lại lộn xộn. Ngoài ra, nhiều điểm ùn tắc là do các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai phải rào chắn thu hẹp lòng đường, như đường Vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Vọng đến cầu Mai Động, nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám, nút giao Nguyễn Tuân - Nguyễn Trãi…
Nỗ lực xóa điểm "nóng"
Từ việc bắt được “bệnh”, các cơ quan chức năng của thành phố đã khẩn trương đề ra các biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm ít nhất 10/36 điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng, từ nay đến cuối năm 2021.
Đề cập tới các giải pháp nhằm xóa các điểm ùn tắc trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước mắt, quận đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở Giao thông vận tải và lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự (Công an thành phố Hà Nội) chốt trực phân làn, hướng dẫn giao thông trong các khung giờ cao điểm, đặc biệt tại các vị trí như cầu Mai Động và cầu Lạc Trung. Về lâu dài, để xử lý dứt điểm ùn tắc giao thông trên tuyến đường Minh Khai và nút giao Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn, quận đang đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư một số đoạn đường nối từ đường Lạc Trung ra đường Minh Khai, bao gồm: Đường nối từ số 29 Lạc Trung đến số 423 Minh Khai; đoạn nối từ số 61 Lạc Trung ra số 423 Minh Khai; đoạn nối từ phố Mạc Thị Bưởi ra dốc Minh Khai. Hiện các đoạn tuyến này đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang chờ phê duyệt quy hoạch, dự kiến sẽ triển khai ngay trong giai đoạn 2021-2025.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, để hạn chế ùn tắc giao thông, Sở sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) triển khai nhiều giải pháp như: Cải tạo hạ tầng; tổ chức lại giao thông; tăng cường lực lượng chức năng điều tiết, phân luồng giao thông; lắp đặt bổ sung hệ thống đèn tín hiệu; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Trong đó, liên ngành tập trung xử lý các điểm “nóng” ùn tắc, như: Nút giao Phùng Chí Kiên - Hoàng Quốc Việt, nút giao cầu 361 - đường Nguyễn Khang, điểm quay đầu Trung Văn - Tố Hữu, lối lên đường Vành đai 3 đoạn nút giao Big C, nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ, Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ thực hiện nhóm giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông; xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ quản lý, điều hành và điều tiết giao thông; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ ứng dụng phần mềm quản lý, giám sát công tác duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông; hướng dẫn các quận, huyện lắp đặt hệ thống camera giám sát trên địa bàn.
“Cải tạo hạ tầng, tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và từng bước ứng dụng công nghệ số trong điều hành giao thông chính là hướng đi để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông của Hà Nội”, ông Vũ Văn Viện khẳng định.