Nhân dân đang rất kỳ vọng vào Đề án 30 bởi mục tiêu to lớn của Đề án này là cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) để tiết kiệm chi phí khi tuân thủ TTHC đồng thời thực hiện công khai minh bạch, chấn chỉnh tình trạng lạm dụng TTHC để nhũng nhiễu nhân dân.
Đầu xuân Canh Dần, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Ngô Hải Phan – Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng xung quanh vấn đề này.
Tất cả đều vì lợi ích của người dân
Ông Ngô Hải Phan cho biết: Có thể nói, năm 2009 Tổ công tác chuyên trách đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Vì thế, đến nay Tổ công tác đã hoàn thành và vượt kế hoạch mục tiêu đề ra của Đề án 30, như việc công bố Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC cũng như kết quả rà soát 256 TTHC ưu tiên...
Theo thống kê, Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia được áp dụng tại 4 cấp chính quyền với trên 5.700 thủ tục hành chính, trên 9.000 văn bản và 100.000 biểu mẫu thống kê... đã được Thủ tướng cho công bố rộng rãi trên mạng dữ liệu quốc gia về TTHC.
Đến nay, Tổ công tác cũng đã hoàn thành gói rà soát độc lập 256 TTHC ưu tiên của 18 bộ, ngành và 6 địa phương để trình Chính phủ quyết định. Đây là khối lượng công việc lớn và thực sự phức tạp, bởi mục tiêu đặt ra phải xem xét từng thủ tục cụ thể trên 3 nhóm tiêu chí là sự cần thiết, tính hợp lý và tính hợp pháp của thủ tục để đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm được công tác quản lý của Nhà nước.
Đặc biệt, cùng với việc rà soát độc lập, Tổ công tác chuyên trách đã sử dụng công cụ tính toán chi phí tuân thủ TTHC để từ đấy tính ra được lợi ích mang lại của việc cắt giảm những TTHC không thiết, không hợp lý.
Theo tính toán ban đầu, số tiền tiết kiệm được cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp để tái đầu tư phát triển sau khi đơn giản hóa 256 TTHC này là rất lớn nếu được Chính phủ thông qua.
Thống nhất vì mục tiêu chung
Thưa ông, có thể nói việc cắt giảm TTHC quả rất gian nan. Nhân dân, doanh nghiệp đồng thuận cao, trong khi đó vẫn có cán bộ không muốn cắt bỏ TTHC. Vì thế, để tạo được sự thống nhất không phải là điều dễ dàng?
Ông Ngô Hải Phan: Qua các cuộc làm việc, tham vấn giữa các bộ, ngành và Tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng, chúng tôi nhận thấy, ý kiến khác biệt giữa chúng tôi và các bộ, ngành không phải là lớn. Bởi chính các bộ , ngành cũng nhận thấy được lợi ích thiết thực mang lại cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, khi các bên đã thống nhất được mục tiêu chung là vì sự phát triển của xã hội thì những ý kiến khác biệt sẽ được thu hẹp lại.
Thưa ông, chúng ta đã bước vào giai đoạn 2 của Đề án, vậy đến nay các chuyên gia có thể tính toán được chi phí, tiền bạc sẽ tiết kiệm được cho xã hội?
Ông Ngô Hải Phan: Giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành qua việc Thủ tướng Chính phủ cho công bố Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trước 13 tháng. Bộ cơ sở dữ liệu này có giá trị đối với người dân trong việc tra cứu, tìm hiểu cũng như đối với cơ quan thực hiện rà soát, đồng thời sẽ được chính thức hóa sau năm 2010 khi mà các quy định được sửa đổi một cách toàn diện, thống nhất.
Đối với giai đoạn rà soát hiện nay, yêu cầu bắt buộc là đi đôi với việc đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định hiện hành về TTHC, phải bảo đảm cắt giảm được 30% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Thông qua việc hoàn thành chỉ tiêu này chắc chắn chúng ta sẽ giúp doanh nghiệp và người dân giảm nhẹ được gánh nặng hành chính, tiết kiệm được nhiều tiền của và công sức, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Người dân, doanh nghiệp cùng tham gia
Xin ông cho biết doanh nghiệp và nhân dân phản hồi đối với quá trình đơn giản hóa TTHC này như thế nào?
Ông Ngô Hải Phan: Lần đầu tiên chúng ta mời nhân dân và doanh nghiệp cùng tham gia quá trình rà soát để cắt giảm TTHC. Vì thế, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của doanh nghiệp, đặc biệt với những thủ tục ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất đến đời sống, đến công việc, kinh doanh của người dân như các thủ tục về đất đai, đăng ký kinh doanh, thuế vụ, hải quan, cấp phép xây dựng, giao thông...
Việc kêu gọi người dân và doanh nghiệp trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến, rà soát TTHC mà họ sẽ là đối tượng chịu sự điều chỉnh sau này sẽ đem lại cho cơ quan quản lý nhà nước cái nhìn toàn diện hơn, sát thực tiễn hơn. Với Đề án 30, Chính phủ đã mở ra một diễn đàn công khai, bình đẳng cho các bên cùng tham gia xây dựng cơ chế, chính sách. Trong đó, doanh nghiệp và người dân được xếp ở vị trí trung tâm vì họ vừa là người thụ hưởng chính sách vừa là người chịu sự điều chỉnh của chính sách.
Năm 2010 có ý nghĩa quyết định như thế nào đối với công cuộc cải cách TTHC, thưa ông?
Ông Ngô Hải Phan: Có thể nói, đây là năm trọng tâm, quyết định sự thành công hay không của giai đoạn 2, cũng là năm kết thúc Đề án vào ngày 31/12/2010. Khối lượng công việc rất nặng nề, vừa qua chúng ta mới lựa chọn 256 TTHC để rà soát, còn trên 5.400 TTHC nữa cần rà soát...
Theo kế hoạch, đến ngày 31/3/2010, các bộ, ngành địa phương sẽ gửi kết quả rà soát về Tổ công tác chuyên trách. Chúng tôi sẽ phối hợp với các chuyên gia, luật sư, cán bộ các bộ, ngành tổng hợp, phân tích, đánh giá rồi trình Chính phủ gói kiến nghị giai đoạn 2 với trên 5.400 TTHC, đồng thời kiên quyết báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê bình những bộ, ngành, địa phương không hoàn thành chỉ tiêu rà soát, rà soát hình thức, chậm tiến độ,…
“Chúng tôi không bị sức ép nào cả”
Trong vai trò Tổ phó Thường trực, ông có bị sức ép nào không?
Ông Ngô Hải Phan: Chúng tôi thực sự không bị bất kỳ một sức ép nào cả. Bởi hoạt động của Tổ công tác chuyên trách và Hội đồng Tư vấn hoàn toàn độc lập, không chịu áp lực nào của cả cơ quan ban hành và cơ quan thực hiện TTHC.
Bản thân cá nhân tôi rất vui vì làm việc trong môi trường mà công việc được giao rất rõ ràng về mục tiêu, lộ trình và cách làm; được sự tin tưởng của lãnh đạo Tổ công tác và các thành viên trong Tổ. Đối với những vấn đề còn “vướng” hoặc vượt quá thẩm quyền, chúng tôi thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc hoặc báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định kịp thời.
Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, cắt bỏ TTHC không khỏi "đụng chạm" nên tại một số buổi tham vấn giữa hai bên, vẫn có việc “bảo lưu” quan điểm mặc dù Tổ trưởng của bộ, ngành đó đồng thuận cao với quan điểm của Tổ công tác?
Ông Ngô Hải Phan: Chúng tôi giải quyết công việc theo những cấp độ khác nhau. Trước hết, việc rà soát sẽ do các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành, địa phương và Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của bộ, ngành, địa phương thực hiện. Sau đó, chúng tôi tiến hành rà soát độc lập; tổ chức các cuộc họp tham vấn giữa Tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng với Tổ công tác các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan. Tham vấn chính là trao đi đổi lại, cùng nhau hiểu rõ vấn đề và tạo sự đồng thuận trong giải quyết công việc.
Những vấn đề chúng tôi đưa ra đều phân tích rõ: Tại sao TTHC này phải bỏ toàn bộ hoặc bỏ những quy định không hợp lý trong từng thủ tục, trên tinh thần thái độ cầu thị, mềm mỏng nhưng kiên quyết, lấy thuyết phục là chính, nhưng lợi ích chung phải đặt lên hàng đầu.
“Vênh” thì phải “sửa” cho đồng bộ
Trong quá trình rà soát, sẽ không tránh khỏi sự “vênh” nhau giữa các các văn bản quy phạm pháp luật. Vậy giải quyết vấn đề này ra sao, thưa ông?
Ông Ngô Hải Phan: Đây là vấn đề sẽ phát hiện được trong quá trình thực hiện Đề án 30. Do đó, khi “đụng” các văn bản có sự “vênh” nhau, chúng tôi sẽ kiến nghị sửa đổi văn bản đó cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy định về thủ tục hành chính.
Thưa ông, quy trình để sửa một đạo luật không phải lúc nào cũng nhanh chóng, dễ dàng?
Ông Ngô Hải Phan: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép tùy từng trường hợp cụ thể, các cơ quan chức năng có thể áp dụng kỹ thuật một văn bản sửa nhiều văn bản và có thể áp dụng quy trình thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Mặt khác, từng nội dung đơn giản hóa đối với từng TTHC sau khi được Chính phủ thông qua thì các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi và phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng phương án đã được Chính phủ thông qua. Như vậy, sẽ rút ngắn được thời gian ban hành các văn bản này.
Thưa ông, việc ban hành các văn bản pháp quy và các loại TTHC sau khi có Nghị định về kiểm soát thủ tục hành chính của Chính phủ sẽ được thực thi như thế nào cho thực sự hiệu quả?
Ông Ngô Hải Phan: Để duy trì kết quả bền vững của Đề án 30 sau khi kết thúc vào cuối 2010, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về kiểm soát TTHC. Lúc này, việc xem xét TTHC không dừng lại ở các TTHC đã được ban hành mà cả với các văn bản, thủ tục đang trong giai đoạn dự thảo, theo 3 tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý và tính hợp pháp.
Bên cạnh đó, cũng phải tính toán được nếu TTHC đó được ban hành thì chi phí cho việc tuân thủ là bao nhiêu, để từ đó quyết định có ban hành TTHC đó hay không. Nghị định kiểm soát TTHC cũng sẽ quy định cụ thể về hành vi được làm, không được làm, nghiêm cấm đối với cán bộ công chức, đồng thời tạo ra một cơ chế phản ánh, kiến nghị hiệu quả đến các cơ quan có trách nhiệm khi cán bộ cán bộ công chức làm không đúng, nhũng nhiễu nhân dân.
Kết thúc 2010, thủ tục và văn bản có trên cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ có giá trị như bản gốc. Người dân có thể in mẫu đơn, mẫu tờ khai từ cơ sở dữ liệu này để tiến hành các TTHC, không nhất thiết phải đến cơ quan hành chính để lấy mẫu đơn, tờ khai.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Chinhphu.vn