Thời gian qua, việc giáo dục ý thức, kỹ năng về ATGT cho trẻ được các trường mầm non trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện. Việc trang bị kỹ năng này bắt đầu từ những điều đơn giản nhất như: cho trẻ nhận biết hình dạng các biển báo, các loại phương tiện giao thông, đèn tín hiệu, quan sát khi qua đường, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy… Bên cạnh đó, hằng ngày, trên lớp, các giáo viên thường xuyên tích hợp nội dung ATGT vào các tiết học thông qua các bài thơ, bài hát dễ học, dễ nhớ. Với mỗi độ tuổi, các cô sẽ có một nội dung, kiến thức giảng dạy khác nhau đảm bảo phù hợp với khả năng tiếp nhận của trẻ.
Giáo viên Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn dạy trẻ chấp hành đèn tín hiệu giao thông
Cô Nguyễn Thị Xuyến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Mỗi năm học, nhà trường quy định thực hiện 168 tiết học kỹ năng sống, trong đó có nhiều tiết dạy chuyên đề về ATGT. Cùng đó, khuyến khích giáo viên tổ chức những trò chơi có nội dung liên quan đến ATGT, cho các cháu sắm vai làm công an giao thông, tài xế để các cháu tập xử lý tình huống. Đặc biệt, nhà trường còn phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Lạng Sơn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hướng dẫn trẻ cách sang đường an toàn.
Còn tại Trường Mầm non xã Đào viên, huyện Tràng Định, mặc dù là trường vùng xa nhưng nhà trường cũng chú trọng đưa các chủ đề về ATGT để giáo dục trẻ. Cô Nông Thị Triệu Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học vừa qua, để trẻ dễ hiểu, giáo viên không chỉ truyền đạt nội dung ATGT bằng lời nói, cử chỉ để trẻ tiếp thu mà còn giới thiệu bằng tranh, ảnh trực quan và bằng các trò chơi lồng ghép nội dung ATGT. Qua đó vừa tạo sân chơi vừa cung cấp những thông tin cần thiết về ATGT và giúp các bé linh hoạt trong ứng xử các tình huống khi tham gia giao thông.
Năm học 2020 - 2021 vừa qua, toàn tỉnh có 231 trường mầm non với hơn 55.100 trẻ, trong đó trẻ nhà trẻ là 11.548 em, trẻ mẫu giáo là 43.653 em, trẻ mẫu giáo 5 tuổi là 15.174 em. Trong năm học, 100% trường mầm non đều tổ chức lồng ghép thực hiện tuyên truyền kiến thức ATGT cho trẻ. Các tiết học giao thông thường diễn ra theo chủ đề, tuần tự mỗi tháng sẽ có chủ đề trọng điểm. Các hình thức truyền đạt đi từ nhỏ đến lớn, đầu tiên sẽ cho trẻ xem tranh ảnh, thông tin về an toàn giao thông, tiếp đó là cho trẻ tiếp xúc với các mô hình, trò chơi giao thông, sau cùng là thực hành. Từ những bài học hữu ích ở trường, trẻ nhanh chóng tiếp thu và áp dụng vào thực tiễn.
Một hiệu quả nữa mà chương trình giáo dục ATGT ở bậc học mầm non mang lại, đó là trẻ góp phần làm thay đổi ý thức chấp hành luật giao thông của cha mẹ và người thân. Chị Nông Thu Hoài, khu 4, thị trấn Thất Khê, phụ huynh học sinh Trường Mầm non 10/10 thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định cho biết: Ở trường, con tôi được học về ATGT. Khi về nhà con tôi thường xuyên nhắc nhở bố mẹ phải tham gia giao thông đúng luật như: không phóng nhanh vượt ẩu, phải đi bên phải đường, đi bộ trên vỉa hè…
Bà Nguyễn Thị An, Phó Trưởng Phòng Giáo dục mầm non - Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết: Trong mỗi năm học, sở đều có các văn bản yêu cầu, đôn đốc các nhà trường đưa nội dung ATGT vào kế hoạch giảng dạy phù hợp theo từng độ tuổi. Căn cứ vào đó, các trường học, đặc biệt là các trường mầm non đã tổ chức 1 hoặc 2 tiết học, hoạt động trở lên/tháng về chủ đề giáo dục ATGT cho trẻ. Qua đây, trẻ mầm non được cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản về đảm bảo ATGT. Qua kiểm tra, đánh giá định kỳ trong năm học 2020 - 2021, đa phần trẻ có hiểu biết ban đầu và hình thành những hành động, thói quen tốt về ATGT; trẻ hiểu biết và có thái độ phê phán, không đồng tình với những hành vi không đúng khi tham gia giao thông.
Có thể thấy rằng, việc giáo dục về ATGT trong trường mầm non đã có ảnh hưởng tích cực đến ý thức của trẻ em. Từ những bài học nhỏ được học trên lớp sẽ góp phần giúp trẻ hình thành các thói quen, ý thức chấp hành đúng luật giao thông, giúp hình thành ở trẻ những thói quen tốt về ATGT