TP. Hồ Chí Minh: Phát huy lợi thế vận tải thủy

Thứ hai, 12/07/2021 16:14

Trước thực trạng, nhiều cụm cảng biển quy mô lớn trên địa bàn sắp vượt ngưỡng công suất thiết kế, thành phố Hồ Chí Minh đã lập kế hoạch xây dựng 5 cảng biển mới trong giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, thành phố Hồ Chí Minh không chỉ phát huy lợi thế của vận tải thủy mà còn san sẻ 60% lượng hàng hóa với vận tải đường bộ, tăng cường khả năng lưu thông hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.


Cảng Cát Lái (quận 2, thành phố Hồ Chí Minh)
đã vượt công suất nhiều lần so với quy hoạch.

Cảng biển hiện hữu quá tải

Theo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP), Cảng Cát Lái (quận 2, thành phố Hồ Chí Minh) có quy mô hơn 160ha, đảm nhận 33% khối lượng hàng container xuất, nhập khẩu của cả nước. Năm 2020, lượng hàng hóa về cảng đạt gần 100 triệu tấn, vượt công suất so với quy hoạch. Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh (đóng tại thành phố Hồ Chí Minh) Lâm Đại Vinh cho biết, ngoài việc hạ tầng giao thông quá tải nhiều năm nay thì hạ tầng kho bãi tại Cảng Cát Lái cũng luôn có nguy cơ quá tải hàng hóa.

Tương tự, tại cụm cảng ICD Trường Thọ (thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh), công suất hàng hóa thông qua cảng cũng đã vượt quá quy hoạch, với sản lượng tăng trưởng bình quân từ năm 2015 đến 2020 hơn 11%. Dự kiến đến năm 2025, sản lượng tại cảng lên đến 3,09 triệu TEU (1 TEU tương đương 1 container 20 feet).

Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, toàn bộ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các bến cảng trên chủ yếu được vận chuyển tới bằng đường bộ (chiếm khoảng 88%). Điều này dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông tại các khu vực bến cảng do vượt năng lực thông hành của các tuyến đường kết nối cảng. Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu nhiều chương trình, đề án để tận dụng và phát huy tốt lợi thế 1.000km đường thủy của thành phố, hướng tới mục tiêu san sẻ 60% lượng hàng hóa với vận tải đường bộ, giảm thiểu cự ly, chi phí cho doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh Bùi Văn Quản cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có giải pháp tăng cường năng lực vận tải, giảm gánh nặng giao thông đường bộ bằng cách phát huy hơn nữa lợi thế vận tải thủy, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa của thành phố Hồ Chí Minh.    

Ưu tiên xây dựng thêm 5 cảng biển mới

Trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030 của thành phố Hồ Chí Minh, thành phố ưu tiên xây dựng thêm 5 cảng biển mới trong giai đoạn 2021-2025, gồm: Cụm cảng trung chuyển - ICD và Cảng thủy nội địa Khu công nghệ cao tại thành phố Thủ Đức; Cảng cạn ICD khu vực Củ Chi; Cảng thủy nội địa tổng hợp quốc tế ITC và Cảng hành khách Mũi Đèn Đỏ tại quận 7. Theo đó, Cụm cảng trung chuyển - ICD tại thành phố Thủ Đức nhằm phục vụ tiếp nhận hàng hóa từ khu vực tỉnh Đồng Nai, Bình Dương để vận chuyển bằng đường thủy đi đến các khu vực cụm cảng Cát Lái, Hiệp Phước, Cái Mép. Còn Cảng cạn ICD khu vực Củ Chi, Cảng thủy nội địa Khu công nghệ cao tại thành phố Thủ Đức, Cảng thủy nội địa tổng hợp quốc tế ITC tại quận 7 sẽ giúp san sẻ khối lượng hàng hóa lớn với Cảng Cát Lái; giảm cự ly, chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp... Hàng loạt bến cảng hiện hữu như Bến cảng Khu công nghiệp Cát Lái; Cảng hành khách Bạch Đằng; Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội… cũng được ưu tiên nâng cấp, chỉnh trang, mở rộng theo quy hoạch. Tổng vốn đầu tư cho hệ thống các cảng trên gần 22.100 tỷ đồng.        

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An thông tin, thành phố sẽ xây dựng Cụm cảng trung chuyển - ICD với kinh phí 6.000 tỷ đồng; Cảng thủy nội địa Khu công nghệ cao tại thành phố Thủ Đức, diện tích 6ha, đáp ứng cỡ tàu 1.000 tấn hoạt động, kinh phí 720 tỷ đồng; Cảng cạn ICD khu vực Củ Chi, diện tích 15ha, cỡ tàu 2.000 tấn, nguồn vốn 1.800 tỷ đồng; Cảng thủy nội địa tổng hợp quốc tế ITC, diện tích 0,58ha, nguồn vốn 70 tỷ đồng; Cảng hành khách Mũi Đèn Đỏ, diện tích 0,4ha, nguồn vốn 150 tỷ đồng. Đối với Bến cảng Khu công nghiệp Cát Lái sẽ nâng cấp, mở rộng thêm diện tích 66ha, cầu cảng 1km, tổng vốn đầu tư 7.920 tỷ đồng. Cùng với nâng cấp hệ thống đường bộ hiện có, thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng tuyến đường thủy nội địa Vành đai trong dài 30km, với kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng; Vành đai ngoài dài gần 110km, kinh phí 4.794 tỷ đồng kết nối các cảng, tăng khả năng lưu thông hàng hóa.

Về nguồn vốn đầu tư, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, kinh phí thực hiện sẽ được huy động từ nguồn vốn ngân sách thành phố, trung ương, vốn vay ODA, vốn doanh nghiệp… Trong đó, khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác... để phát triển hệ thống cảng mới.

Nguồn: Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:174775
Lượt truy cập: 176.630.320