Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang khiến công tác xử lý container phế liệu
tồn đọng tại cảng biển kéo dài thời gian (Ảnh minh họa)
Hơn 6.600 container đang tồn đọng
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Hải Phòng cho biết, đến hết ngày 21/7/2021, khu vực Hải Phòng đang còn 2.708 container tồn đọng.
Các cảng biển, kho bãi có lượng container tồn nhiều nhất gồm: ICD Nam Hải (hơn 1.200 container), Chi nhánh cảng Tân Vũ, Công ty CP Cảng Hải Phòng (334 container), Cảng Đình Vũ (257 container), Công ty CP Cảng dịch vụ dầu khí Đình Vũ (265 container), Công ty TNHH MTV Dịch vụ cảng xanh (134 container)…
Một lãnh đạo cảng Nam Hải - Đình Vũ cho biết, hơn 1.000 container tồn đọng tại ICD Nam Hải được chuyển từ cảng Nam Hải Đình Vũ về.
“Đây đều là các container chứa hàng lốp xe cũ, chủ hàng từ chối nhận. Cơ quan chức năng đang hoàn tất các thủ tục liên quan để bàn giao cho hãng tàu vận chuyển tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”, vị này thông tin.
Tại khu vực phía Nam, tính đến ngày 23/7, cảng Tân Cảng - Cát Lái có tổng cộng hơn 2.160 container tồn đọng với thời gian trên 90 ngày. Trong đó, lượng container là hàng phế liệu có 380 container, lượng container không phải hàng phế liệu hơn 1.700 container.
Với Tân Cảng - Cái Mép, số container phế liệu tồn đọng là hơn 1.100 container. Trong đó, lượng container tồn trên 90 ngày là 163 container.
Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước hiện cũng có hơn 1.200 container phế liệu tồn đọng. Trong đó, gần 1.200 container có thời gian tồn trên 90 ngày. Đây đều là hàng phế liệu chuyển từ cảng Cát Lái sang lưu trữ.
Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan cho biết), tính đến ngày 15/6/2021, số liệu hàng hóa tồn đọng tại địa bàn hoạt động hải quan lên đến 6.665 container. Số lượng hàng hóa tồn đọng tập trung chủ yếu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, TP HCM.
Tính đến hết tháng 6/2021, cơ quan hải quan đã phối hợp xử lý và giải phóng hơn 1.100 vỏ container. Trong đó, số lượng container xử lý tái xuất là hơn 500 container.
Kiểm tra giấy phép nhập khẩu hàng phế liệu trước khi dỡ khỏi tàu
Dù công tác giải quyết container phế liệu vẫn được duy trì, song đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng thừa nhận, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng gặp khó khăn do không thể tập trung đông người.
Chỉ thị giãn cách xã hội của các địa phương cũng khiến tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng bị chững lại và thời gian xử lý hàng hóa tồn đọng bị kéo dài.
“Để khắc phục điều này, Tổng cục Hải quan đã có các văn bản hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tập trung rà soát danh sách hàng hóa tồn đọng, phân loại để kịp thời hướng dẫn xử lý từng trường hợp cụ thể”, đại diện này nói.
Giám đốc CVHH Hải Phòng Nguyễn Anh Vũ cho rằng, để nâng cao hiệu quả xử lý container tồn đọng, thời gian tới, cơ quan hải quan cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thông tin khai báo trước khi tàu chở hàng hóa là phế liệu đến cảng biển Việt Nam.
Trên cơ sở thông tin thu được, cần thông báo kịp thời cho doanh nghiệp cảng và các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu cảng không cho phép dỡ khỏi tàu đối với những lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định.
“Chế tài xử phạt đối với các hành vi vận chuyển trái phép chất thải xuyên biên giới cũng cần tăng nặng hơn để răn đe”, ông Vũ đề xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Thương, Phó Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN), thời gian qua, các cảng vụ hàng hải đã triển khai hướng dẫn các hãng tàu, đại lý khai báo cụ thể thông tin: Vận đơn, giấy xác nhận đảm bảo môi trường, giấy ký quỹ để khai báo hải quan trước khi hàng đến cảng đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu. Mục tiêu là không cho phép dỡ hàng là chất thải/phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu xuống kho, bãi cảng.
Bà Thương cho biết, tới đây, Cục Hàng hải VN sẽ tiếp tục yêu cầu các cảng vụ trực thuộc nghiên cứu, đề xuất biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng việc cấp phép ra vào cảng biển Việt Nam đối với các hãng tàu vận chuyển hàng hóa gây ô nhiễm môi trường vào cảng biển Việt Nam.
Các hãng tàu/đại lý hãng tàu cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ giấy phép nhập khẩu tàu biển của lô hàng phế liệu được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực trước khi đưa hàng lên tàu tại các cảng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cảng biển phải kiểm tra giấy phép nhập khẩu của lô hàng phế liệu được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực trước khi cho hàng hóa dỡ xuống cảng.
Đồng thời, yêu các hãng tàu thực hiện báo cáo các nội dung thông tin về các chủ hàng nhập khẩu, đại lý chủ hàng, báo cáo hiện trạng, nguyên nhân hàng tồn đọng tại các cảng biển và đề xuất phương án miễn giảm giá lưu container, lưu bãi đối với container nhập khẩu có xác định được chủ hàng đã được thông quan.
“Hãng tàu cũng cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển kiên quyết chỉ đưa xuống tàu để vận chuyển về Việt Nam những đơn hàng có giấy chứng nhận/giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu (còn hiệu lực) nhằm phòng ngừa vận chuyển phế liệu bất hợp pháp từ xa ngoài biên giới”, bà Thương khuyến nghị.
Khẩn trương rà soát, phân loại hàng hóa container phế liệu tồn đọng
Theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, để tăng tốc giải phóng container tồn đọng, giúp cảng biển Việt Nam nâng cao hiệu suất khai thác cầu, bến cảng trong bối cảnh hàng hóa xuất, nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển tăng mạnh, các hiệp hội ngành hàng hải cũng cần chủ động phối hợp với hãng tàu, đại lý hãng tàu khẩn trương rà soát, thống kê phân loại hàng hóa container phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển thuộc diện miễn giảm giá lưu container, lưu bãi; đề xuất phương án miễn giảm giá lưu container, lưu bãi cho các doanh nghiệp chủ hàng đối với từng lô hàng phù hợp với điều kiện thực tế và quy định hiện hành.