Chạy đua tiến độ trên các công trình giao thông
Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ (QL) 45 sau gần 10 tháng thi công (khởi công ngày 30/9/2020) đến cuối tháng 7/2021 đã dần lộ rõ hình hài vóc dáng tuyến đường cao tốc hiện đại dài hơn 63 km qua 2 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Hiện nay, nền đường tuyến cao tốc đang bước vào giai đoạn thi công nước rút, các cầu vượt sông, thung lũng đã cơ bản hoàn thiện khoan cọc, đang thi công thân trụ, bệ trụ... Đáng chú ý, kết quả giải ngân của dự án này đến tháng 7/2021 đạt hơn 973 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án (BQLDA) Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư là đơn vị đứng đầu về tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công của Bộ.
Dự án cao tốc Mai Sơn-QL45 đang tăng tốc thi công tại 5 gói thầu trên toàn tuyến.
Tính chung các dự án quy mô lớn khác như cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài… được BQLDA Thăng Long quyết liệt đốc thúc tiến độ thi công và giải ngân từ đầu năm đến nay, Ban đã giải ngân 5.072,9/8.493,6 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch năm 2021. "Ban xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ ưu tiên nhất trong công tác quản lý, triển khai dự án và gắn trách nhiệm của từng phòng, ban, cá nhân trong công tác giải ngân”, Giám đốc BQLDA Thăng Long Dương Viết Roãn cho biết.
Tương tự, BQLDA 6 đã bứt phá giải ngân trong gần 2 tháng qua. Đến cuối tháng 5/2021, BQLDA 6 vẫn nằm trong “tầm ngắm" chậm giải ngân của Bộ GTVT, khi giá trị giải ngân chỉ đạt 222/1.784 tỷ đồng (13%). Tuy nhiên, đến tháng 7/2021, BQLDA 6 đã giải ngân được hơn 617 tỷ đồng (35%). Theo lãnh đạo BQLDA 6, đơn vị đã bám sát kế hoạch giải ngân vốn đăng ký với Bộ GTVT, tập trung tháo gỡ vướng mắc ngay trong quá trình triển khai các dự án, đặc biệt là dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu. Tại dự án này, sau khi đấu thầu, các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát, bảo hiểm công trình... đều đồng loạt thi công 24/24 giờ để đảm bảo tiến độ...
Trao đổi vấn đề giải ngân, theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, riêng trong tháng 7/2021, ngành GTVT giải ngân khoảng 2.078 tỷ đồng và lũy kế 7 tháng đạt gần 19.100 tỷ đồng, đạt gần 45% kế hoạch năm. Đạt được kết quả này là do Bộ GTVT quyết liệt đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong bối cảnh dịch COVID-19, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án giao thông trọng điểm quốc gia như: Đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, vành đai 4 TP Hà Nội, vành đai 3 TP Hồ Chí Minh...
Gắn trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm nhà thầu chậm tiến độ
Bộ GTVT được giao kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 khoảng 43.401 tỷ đồng, gồm: 42.996 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2021 và khoảng 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài.
Để đảm bảo mục tiêu giải ngân, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, Bộ GTVT đã xác định đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là mục tiêu quan trọng nhất của toàn ngành. Ngoài các cuộc họp kiểm điểm định kỳ hàng tháng về công tác xây dựng cơ bản dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT thường xuyên tổ chức các cuộc họp đột xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân tại các dự án đầu tư công.
Vị trí thi công nhiều gói thầu tại cao tốc Cam Lộ-La Sơn có địa hình đồi núi hiểm trở, địa chất phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ tổng thể.
Hàng loạt giải pháp mạnh được lãnh đạo Bộ GTVT truyền tải xuống các chủ đầu tư, BQLDA trong việc lập kế hoạch giải ngân sát với thực tế; khẩn trương hoàn thiện thủ tục hồ sơ các dự án đang chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu, đơn vị tư vấn đẩy mạnh tiến độ đối với các dự án đang triển khai, đảm bảo chất lượng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dự án đi qua để tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng... Đặc biệt, Bộ GTVT còn ban hành các chỉ thị về công tác giải ngân, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu các BQLDA, các chủ đầu tư.
Mới đây, giữa tháng 6/2021, Bộ GTVT đã nghiêm khắc phê bình Sở GTVT Kon Tum vì nguy cơ vỡ tiến độ dự án thành phần 2, dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL24. Trước đó, cuối tháng 5/2021, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chấn chỉnh, xử lý các nhà thầu vi phạm tiến độ tại dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ-La Sơn, điều chuyển khối lượng thi công khoảng 500 m của nhà thầu tại 1 gói thầu cao tốc này, giao đơn vị khác thi công...
"Vụ Kế hoạch Đầu tư đang phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông rà soát, tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT kịp thời điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án. Tới đây, các dự án chậm, không chuyển biến sẽ đề nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cắt giảm vốn đã bố trí cho dự án. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ GTVT và trước pháp luật. Đối với các BQLDA, Bộ GTVT sẽ xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu", đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư thông tin.