Công nhân Công ty cổ phần Quản lý đường bộ Cao Bằng
khắc phục sự cố sạt lở trên Quốc lộ 34
Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 6 tuyến quốc lộ với chiều dài 714 km; 1.030 km đường tỉnh; 1.489 km đường huyện; 4.092 km đường trục xã, đường xóm. Tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, chủ yếu do mưa lũ, nhiều đợt mưa lớn bắt đầu từ tháng 5 - 12, ảnh hưởng đến các tuyến giao thông trên địa bàn. Năm 2020, có một số vị trí có khối lượng thiệt hại lớn nguy cơ tắc, đứt đường cao làm sạt lở ta luy dương với khối lượng 143.939 m3 đất đá xảy ra đối với quốc lộ; 16.834 m3 đất đá với tỉnh lộ. Xói lở ta luy âm tại quốc lộ có 38 vị trí xói lở/1.121md; tỉnh lộ có 7 vị trí xói lở/101md. 31 điểm trên quốc lộ bị xói lở cầu, cống, kè… gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và làm thiệt hại các công trình hạ tầng giao thông.
Phó Giám đốc Sở GTVT Đàm Đức Văn cho biết: Trên cơ sở những kinh nghiệm từ mùa mưa lũ năm trước, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với ngành GTVT, bảo đảm giao thông thông suốt trong mùa mưa bão, nhất là các tuyến đường huyết mạch của tỉnh, ngay từ đầu năm, Sở GTVT xây dựng kế hoạch, phương án triển khai cụ thể, đề ra các biện pháp thực hiện bảo đảm ATGT, nhất là đối với những điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng cao theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ - chỉ huy tại chỗ - vật tư, hậu cần tại chỗ - thiết bị tại chỗ). Sở đã chỉ đạo các đơn vị thành viên Ban Phòng, chống thiên tai trực thuộc Sở chuẩn bị tốt các phương án về nhân lực, thiết bị, các vật tư dự phòng để ứng phó kịp thời, không để xảy ra tắc đường quá 3 giờ, bảo đảm thường xuyên, thông xe liên tục khi mưa bão xảy ra.
Các phòng chức năng của Sở GTVT chủ động tiến hành rà soát xác định rõ những vị trí thường xuyên xảy ra sự cố sạt lở trên tất cả các tuyến đường để chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng, chống và đề ra phương án khắc phục các vị trí xung yếu trên các tuyến đường. Đặc biệt chú ý các tuyến đường có nhiều đèo dốc nguy hiểm, những tuyến nằm trong vùng thấp và đầu mối giao thông có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao. Các đơn vị được giao quản lý các tuyến đường tăng cường kiểm tra toàn bộ hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện; rà soát các cầu, cống, nền đường, hệ thống báo hiệu đường bộ; tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng và phát quang hai bên đường bảo đảm tầm nhìn.
Đối với các dự án đang triển khai, Sở GTVT chỉ đạo các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, thi công nền dứt điểm từng đoạn. Đồng thời, xây dựng phương án bảo đảm ATGT cho các công trình đang thi công; có trách nhiệm khắc phục kịp thời thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực công trình đang thi công. Các công trình cầu vượt sông, suối đang thi công, phải lập phương án thi công cụ thể, chi tiết để bảo đảm thi công vượt lũ trước mùa mưa bão, kịp thời thanh thải các vật cản, khơi thông dòng chảy và có phương án bảo vệ chống va trôi.
Ngoài ra, các đơn vị đang thi công các công trình giao thông có phương án chuẩn bị phương tiện, nhân lực, vật tư, xe, máy cần thiết để sẵn sàng tham gia ứng cứu các sự cố thiên tai khi có lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.
Ông Đàm Văn Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đường bộ Cao Bằng cho biết: Công ty thực hiện nhiệm vụ quản lý 2 tuyến quốc lộ gồm: Quốc lộ 4C, đoạn từ Km 200-217, Quốc lộ 34 đoạn từ Km 73-247 và 6 tuyến đường tỉnh trên địa bàn gồm: 204, 206, 208, 209, 212, Đôn Chương - Sóc Hà. Trước mùa mưa bão hằng năm, Công ty đều chủ động phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ cán bộ, nhân viên phụ trách các trục, tuyến đường trực phòng chống, ứng phó với sự cố thiên tai tại hiện trường 24/7 trong thời gian diễn ra mưa bão để theo dõi, nắm chắc mọi tình hình có liên quan đến công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, như: diễn biến thời tiết, mưa, lũ, bão và các thiên tai khác trên hiện trường thuộc trách nhiệm đơn vị.
Chủ động triển khai các hạng mục sửa chữa thường xuyên, như: Thông thoát nước công trình, khơi rãnh, vệ sinh cầu cống, phát cây, bảo đảm phát huy tác dụng tối đa của hệ thống thoát nước trên đường trong mùa mưa lũ. Đồng thời chuẩn bị máy móc, thiết bị, vật tư gồm 12 ô tô các loại, 10 máy xúc, 9 máy ủi cùng các vật tư khác như rọ sắt, đá hộc, đá dăm và một số biển báo.
Hiện nay, đã bắt đầu bước vào mùa mưa lũ, các biện pháp bảo đảm ATGT đã và đang được ngành GTVT tỉnh tích cực triển khai. Tuy nhiên, với những diễn biến khó lường của thời tiết, mỗi người dân cũng như các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, không thể chủ quan, buông lỏng quản lý, luôn sẵn sàng ứng phó, thực hiện mọi biện pháp xử lý tình huống một cách hiệu quả nhằm bảo đảm ATGT, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản xuống mức thấp nhất.