Điểm đầu đường vành đai Đà Lạt nối với đường Trúc Lâm Yên Tử. (Ảnh: Thanh Niên)
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lâm Đồng vừa có văn bản gửi đến UBND TP. Đà Lạt và các đơn vị liên quan về thông báo khởi công xây dựng Dự án đường vành đai TP. Đà Lạt và cơ sở hạ tầng các khu dân cư.
Dự án có tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng hơn 350 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng gần 309 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác được trích từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối tháng 6/2023.
Đây là công trình đường bộ cấp III, với tổng chiều dài 7.448 km. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố gom khu vực đồi núi đô thị loại I, cấp kỹ thuật cấp 40, tốc độ 40km/h, mức độ phục vụ D theo tiêu chuẩn đường đô thị, với các thông số kỹ thuật cơ bản như nền đường rộng 20m, mặt đường rộng 10m, vỉa hè rộng 5m…
Trên tuyến có xây dựng cầu suối Tía bên cạnh cầu cũ tại lý trình Km2+490 với chiều dài hơn 37m, khổ cầu rộng 20m, gồm phần xe chạy rộng 10m phần lan can và lề đi bộ mỗi bên 5m.
Công trình sẽ đi qua các phường 3, 4, 5, TP.Đà Lạt; hướng tuyến có điểm đầu kết nối với đường Trúc Lâm Yên Tử (giao với đèo Prenn); điểm cuối tuyến là ngã tư giao với đường Hoàng Văn Thụ và đường Nguyễn Đình Quân.
Công trình do Sở GTVT Lâm Đồng làm chủ đầu tư; đơn vị quản lý dự án là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Lâm Đồng. Trúng thầu thi công công trình là liên danh các Công ty CP xây dựng và tư vấn đầu tư 18; Công ty CP Thắng Đạt; Công ty TNHH Nam Phan; Công ty TNHH xây dựng Tổng hợp 26/3. Đơn vị tư vấn giám sát là Phân viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải miền Trung.
Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đô thị Đà Lạt theo tiêu chí của đô thị loại 1. Qua đó, tăng cường kết nối hạ tầng giao thông đô thị TP. Đà Lạt với hệ thống giao thông đối ngoại của tỉnh.
Tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong nội thị TP. Đà Lạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.